Xu hướng hội nhập ngành chip toàn cầu ngày càng trở nên mạnh mẽ và các gã khổng lồ bán dẫn của Mỹ cũng không bỏ lỡ cơ hội để thâu tóm nhiều thương vụ mua lại. Ngoài ra, chính phủ Mỹ gần đây cũng khởi động chiến dịch đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành bán dẫn, điều này gây ra mối lo ngại với châu Âu. Tuần trước, một tổ chức tư vấn tại Đức đã lên tiếng thúc giục các nhà hoạch định chính sách của EU có động thái cụ thể để phục hồi vị thế trong lĩnh vực bán dẫn.

EU sẽ tăng gấp đôi thị phần bán dẫn trong 10 năm

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch hồi sinh lĩnh vực chip kéo dài 10 năm, hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi thị phần bán dẫn toàn cầu của EU lên 20% vào năm 2030 và xây dựng một nhà máy có thể sản xuất quy trình chip 2nm. Hiện tại, thị phần chip châu Âu chỉ chiếm 10% trong thị trường chip toàn cầu trị giá 440 tỷ euro (528 tỷ USD), chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Á. Chính phủ EU tin rằng, điều này sẽ đe dọa đến “chủ quyền kỹ thuật số” trong tương lai của châu Âu.

Tuy nhiên, Jan-Peter Kleinhans, một nhà nghiên cứu tại SNV của Đức, chỉ ra rằng, lý do tại sao các xưởng đúc chip công nghệ tiên tiến của EU không thể phát triển là do thiếu các chip đội địa được thiết kế dựa trên nhu cầu của thị trường. Vấn đề này có thể khiến mục tiêu trên gặp phải thất bại.

Kleinhans cho biết: “Đối với các xưởng đúc chip ở châu Âu, hiện không có kịch bản kinh doanh cụ thể mà chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng”. Ông tin rằng, không giống như Mỹ và châu Á, EU thiếu hệ thống thiết kế chip và sẽ gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất. Về nhu cầu, thị trường châu Âu có thể không đáp ứng được và cần thu hút khách hàng nước ngoài, nhưng đầy là điều rất khó xảy ra.

Hiện tại, các xưởng đúc lớn nhất thế giới của TSMC và Samsung đã lên kế hoạch đầu tư vào Mỹ để phục vụ Qualcomm. Một số công ty khác như Intel, Nvidia vừa thông qua khoản ngân sách lên tới 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở Arizona (Mỹ) để tăng năng lực sản xuất. Kleinhans cho rằng, châu Âu nên tập trung vào việc hồi sinh ngành thiết kế chip. Ông nói: “Trong mười năm qua, khoản đầu tư của Apple vào thiết kế chip châu Âu thậm chí còn vượt quá mức đầu tư của chính phủ EU”.

Pháp, Đức và 11 quốc gia châu Âu khác vừa thông báo về việc ký kết Chương trình liên minh công nghiệp bán dẫn và chip điện tử châu Âu vào đầu năm nay, nhằm phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Các quốc gia này cũng có kế hoạch thiết lập hệ thống tiêu chuẩn chung cho công nghiệp điện tử an toàn với mục tiêu tái thiết khả năng sản xuất chip tiên tiến của châu Âu.

Các quốc gia này hi vọng châu Âu có thể sử dụng 20% ngân sách thuộc Quỹ huy động kế hoạch phục hồi cho công nghệ số, có nghĩa là trong 3 năm tới, EU sẽ đầu tư 145 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn. “So với nguồn vốn hùng mạnh của Mỹ, thị trường châu Âu quá phân mảnh. Đây cũng là lý do khiến họ bắt buộc phải tăng cường hợp tác”, một nhà phân tích tại Gartner nhận định.

Nhu cầu về chip cho các sản phẩm điện tử từ smartphone đến xe điện đã tăng mạnh trở lại sau dịch Covid-19, dẫn tới sự cấp bách trong chuỗi cung ứng chip. Tháng trước, Apple đã xác nhận đầu tư 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) vào châu Âu trong 3 năm tới để xây dựng nhà máy thiết kế chip ở Đức. Cơ sở này cũng sẽ trở thành nơi nghiên cứu và phát triển phần mềm, bán dẫn không dây lớn nhất của Apple tại đây.

Thông qua việc nghiên cứu và phát triển chip độc lập, Apple dự định sẽ thay thế vị thế trong ngành của những gã khổng lồ như nhà thiết kế chip Arm của Anh và công ty chip NXP (Hà Lan). Do sự thiếu hụt linh kiện trên toàn cầu, có thông tin cho rằng, việc sản xuất một số MacBook và iPad của Apple đã bị hoãn lại đến nửa cuối năm nay. Dù vậy, kế hoạch xây nhà máy tại Đức vẫn chưa thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của Apple mà có thể sẽ phải đợi đến năm 2023.

Apple cho biết các kỹ sư hiện có của họ tại Munich chuyên về các lĩnh vực như thiết kế quản lý điện năng, bộ xử lý ứng dụng và công nghệ không dây. Kể từ năm ngoái, Apple đã cải thiện hiệu suất của các sản phẩm như iPhone, iPad, Apple Watch và Mac bằng cách sử dụng chip M1 do hãng tự phát triển.

Nathan Beniach, một nhà đầu tư tại công ty khởi nghiệp chip Graphcore, nói rằng, anh lạc quan về kế hoạch phát triển lĩnh vực bán dẫn tại châu Âu. “Tôi tin rằng, sự tích hợp theo chiều dọc của Apple sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng và biên độ lợi nhuận cuả họ. Nhưng quan trọng nhất, Apple có thể tự thiết kế chính xác các sản phẩm mà họ cần”.

Phong Vũ

Tình trạng thiếu chip bán dẫn đang làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ

Tình trạng thiếu chip bán dẫn đang làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ

Chip bán dẫn là thành phần quan trọng của thiết bị điện tử hiện đại và có thể được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm được sử dụng hàng ngày, bao gồm ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và thiết bị y tế…