Estonia bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử từ giữa những năm 1990, không lâu sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô Viết. Khi ấy, chưa tới một nửa công dân Estonia có đường điện thoại, gần như chưa có Internet hay thiết bị nào tận dụng được lợi thế của Internet. Thủ tướng đầu tiên của Estonia, ông Mart Laar, đã đưa ra nước đi thay đổi hoàn toàn tương lai đất nước.

Estonia - cường quốc chính phủ điện tử và quyết tâm của người đứng đầu-1
Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves (trái) và cựu Thủ tướng Estonia Mart Laar. (Ảnh: postimees)

Quyết tâm của người đứng đầu

Khi trở thành Thủ tướng Estonia, ông Laar mới 32 tuổi. Chính quyền non trẻ không lãng phí thời gian khi vạch ra lộ trình mới. “Để đưa đất nước của tôi thoát khỏi tình trạng lộn xộn và sụp đổ này, phải cải cách triệt để, tương tự như các loại thuốc gây khó chịu lúc đầu”, ông chia sẻ.

Ông Laar quyết định đầu tư vào giải pháp công nghệ thông tin trong khi thúc đẩy quốc gia thông qua hiện đại hóa, đặt nền móng cần thiết để đi theo con đường công nghệ thông tin. Năm 1992, Phần Lan đề nghị miễn phí tổng đài điện thoại analog song ông từ chối. Ông quyết định Estonia sẽ tự xây dựng hệ thống kỹ thuật số, bỏ qua analog. Ông không biết gì về máy tính nhưng mong muốn người dân nước mình sử dụng công nghệ hiện đại nhất.

Bên cạnh Thủ tướng Mart Laar, không thể không kể đến cựu Tổng thống Toomas Hendrik Ilves, người đứng đầu Estonia từ năm 2006 tới 2016. Khác với ông Laar – một người gắn bó với Estonia ngay từ khi sinh ra, ông Ilves lại là con trong một gia đình Estonia tị nạn tại Thụy Điển. Ông học hai trường Đại học tại Mỹ trước khi chuyển sang châu Âu vào năm 1984 để làm việc cho Đài phát thanh Radio Free Europe tại Munich, Đức, phụ trách tin tức Estonia.

Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves đã chia sẻ, giống như trường hợp của tất cả các nước đang phát triển, Estonia phải đối mặt với một nghịch lý của Zeno về chàng A-sin nhanh chân phải đuổi kịp con Rùa chậm chạp đã xuất phát trước anh ta.  Vì vậy, giải pháp để bắt kịp nằm ở số hóa đất nước. Cảm hứng cho cựu tổng đến từ hai nguồn, một là từ chính cuộc sống của ông và hai là từ việc hiểu được một bước nhảy lớn về công nghệ, đó là trình duyệt Internet đầu tiên.

"25 năm sau khi học lập trình và tuyệt vọng về việc làm thế nào để Estonia có thể bắt kịp với Tây Âu, tôi nảy ra ý tưởng rằng nếu tôi có thể học cách làm điều đó khi còn là một học sinh trung học, tất cả trẻ em đều có thể và nên học cách sử dụng máy vi tính. Tuy nhiên, điều khiến tôi kinh ngạc khi cuối cùng tôi đã vận hành được trình duyệt này là ở đây có một cái gì đó mới, rất khác biệt, nhưng đồng thời cũng rất hứa hẹn, khi mà tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo - Hoa Kỳ, Phần Lan, Estonia, Đức, Nhật Bản đều ở vị trí như nhau, bắt đầu trên một sân chơi bình đẳng. Đó là lúc tôi nhận ra rằng Estonia cần phải tiến hành số hóa và cách thực hiện việc đó là thông qua các trường học.

Nhờ được tiếp xúc với máy tính khi mới 13 tuổi, ông luôn khuyến khích phát triển công nghệ thông tin Estonia ngay khi Liên bang Xô-viết tan rã. Theo cựu Tổng thống Ilves, đến khoảng năm 1998 – 1999, tất cả trường học tại đây đã lên mạng. Các trường đều có phòng máy tính, mở sau giờ học để khuyến khích mọi người đến, sử dụng. Đó là bước đi lớn đầu tiên trong quá trình số hóa Estonia.

Ông Toomas Hendrik Ilves còn chia sẻ rằng, trong một xã hội số hóa, tất cả các bước tuần tự đó đều được thực hiện đồng thời. Ví dụ việc sinh con được bệnh viện đăng ký theo phương thức số, tất cả những gì cha mẹ phải làm là nói cho bệnh viện biết tên đứa con của mình. Từ đó, chính quyền sẽ cấp giấy khai sinh, đăng ký nơi cư trú của đứa trẻ, cung cấp bác sĩ, tất cả các dịch vụ xã hội và y tế liên quan sẽ được bắt đầu một cách tự động và cha mẹ cần cho biết người mẹ hay người cha của đứa trẻ sẽ nghỉ phép.

"Đây có lẽ cũng là bài học quan trọng nhất cho các chính phủ và các nhà lãnh đạo của các chính phủ đó vì nó sẽ thay đổi quản trị vĩnh viễn. Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, bản thân phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa Số đầu tiên trên thế giới”. Số hóa quản trị không chỉ là “đưa chính phủ lên trực tuyến”. Nó cũng không đơn thuần là biến hồ sơ giấy thành các tệp PDF. Số hóa chính phủ rốt cuộc có nghĩa là tư duy lại phương thức vận hành của quản trị…”, ông Toomas Hendrik Ilves nói.

Estonia - cường quốc chính phủ điện tử và quyết tâm của người đứng đầu-2
Căn cước công dân điện tử của Estonia. (Ảnh: Medium)

Quốc gia duy nhất thực hiện 99% dịch vụ công trực tuyến

Năm 2002, Estonia khởi động chương trình chứng minh thư điện tử (e-ID) đầu tiên. Sáng kiến đã nâng cao nhận thức kỹ thuật số và xây dựng các điểm kết nối Internet trên toàn quốc. Dù vậy, Estonia hiểu rõ họ cần phát triển cơ sở hạ tầng thông tin đủ mạnh để e-ID phát triển. Đây là lý do khiến Estonia tạo ra X-Road, nền tảng trao đổi dữ liệu bảo mật cho công dân, công ty tư nhân và tổ chức công cộng liên kết thông tin thay vì chỉ lưu trữ. X-Road cho phép mọi người dùng e-ID truy cập thông tin liên quan tới dịch vụ công. Một công dân có e-ID sẽ làm được mọi thứ, từ đóng thuế, xem hồ sơ sức khỏe đến bỏ phiếu thông qua X-Road. Ngoài ra, dịch vụ còn có hệ thống sao lưu trên máy chủ tại Luxembourg nhằm đảm bảo mọi chức năng đều hoạt động ngay cả khi bị xâm lăng.

Ngày nay, 99% dịch vụ công có trên Internet 24/7 – trừ kết hôn, ly hôn, mua bán nhà đất; 30% người dân dùng i-Voting. Cải cách hành chính giúp tiết kiệm 800 năm làm việc. Mục tiêu tiếp theo của Estonia là một công dân có thể tiếp nhận dịch vụ mà không cần yêu cầu chính phủ. Ví dụ, khi một đưa trẻ ra đời, chính phủ tự động thanh toán phúc lợi cho trẻ, đăng ký vào danh sách chờ ở nhà trẻ, cấp mã số căn cước, đề nghị bố mẹ đặt tên…

Ông Arthur Mickoloeit, chuyên gia phân tích cao cấp của Gartner chuyên về chính phủ điện tử, chỉ ra ba dự án nền tảng quan trọng, đó là: số hóa thủ tục đăng ký của các cơ quan nhà nước nhằm cung cấp thông tin cần thiết, hỗ trợ dịch vụ điện tử; xây dựng nền tảng kết nối các hệ sinh thái khác nhau của cả khu vực công và khu vực tư, cho phép chia sẻ thông tin lẫn nhau; cung cấp phương tiện cho công dân để truy cập an toàn dịch vụ trên mạng bằng ID và đảm bảo chữ ký số tương đương chữ ký tay.

Các nước khác có thể học được gì từ Estonia?

Ông Wolfgang Drechsler, một học giả Quản trị và Hành chính công, cho rằng các nước không nên bắt chước Estonia hoàn toàn do tính chất đặc thù của đất nước là quy mô nhỏ, mối quan hệ tin tưởng giữa người dân và chính phủ. Chỉ nên học hỏi về khía cạnh kỹ thuật, phương pháp thực hiện một số dự án thay vì “bê nguyên” cách tiếp cận của Estonia về nước mình.

Theo chuyên gia Mickoleit, các nước có thể lấy cảm hứng từ Estonia, Đan Mạch hay Anh để theo đuổi “thay đổi kỹ thuật số thực sự ấn tượng” cho khu vực công. Họ có thể mời người dân đưa ra quan điểm riêng về chức năng của một dịch vụ, kết hợp với thử nghiệm và làm đi làm lại trên các nguyên mẫu để cải thiện dịch vụ đó.

Estonia còn mang đến bài học về cách xử lý các nhược điểm trong chính phủ điện tử. Dự án công nghệ thông tin của khu vực công thường không hoạt động mượt mà, bản thân Estonia cũng có khó khăn riêng. Gần đây nhất, năm 2017, họ phát hiện phần cứng trong thẻ ID của người dân rất dễ bị tấn công. Chính phủ nhanh chóng tổ chức họp báo thông báo về rủi ro và người dân cần nhanh chóng làm mới chứng nhận thẻ ID để loại bỏ nguy cơ bị đánh cắp danh tính. Chuyên gia được mời tới thủ đô Tallinn để bàn bạc công khai về sự cố, đánh giá xem có thể làm được gì và giảm bớt lo lắng cả trong và ngoài nước.

Cuối cùng, cú chuyển mình thành một trong các nước đi đầu về chính phủ điện tử của Estonia cho thế giới thấy tầm quan trọng của xác định lối đi mới, hiệu quả hơn trong việc cung cấp dịch vụ công và lợi ích mà nó mang lại cao hơn rủi ro.

Du Lam

Đổi mới cách làm để huy động xã hội cùng thúc đẩy chuyển đổi số

Đổi mới cách làm để huy động xã hội cùng thúc đẩy chuyển đổi số

Nhấn mạnh chuyển đổi số là vấn đề rất quan trọng và các Sở TT&TT là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng để thực hiện sứ mệnh mới, các Sở cần có cách làm mới, giải pháp đột phá.