Kinh tế số ở Việt Nam chiếm khoảng 8,2% GDP. Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số ngành đang còn khá lớn. Khơi thông nguồn lực này sẽ góp phần tăng tưởng kinh tế xã hội cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

3 cấu phần của kinh tế số

Trên thế giới không có một định nghĩa thống nhất về kinh tế số, nhưng hầu hết đều hiểu kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số, sử dụng mạng Internet làm không gian hoạt động.

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-1Kinh doanh trên Internet là một phần của kinh tế số

Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần:

- Kinh tế số thuần ICT/VT (Kinh tế số ICT): Đây là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, gồm các hoạt động như: sản xuất sản phẩm điện tử, phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ CNTT và cung cấp dịch vụ viễn thông;

- Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet): Gồm các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do (Gig), và các hình thức kinh doanh trên Internet khác;

- Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành): Là phần kinh tế được tạo ra từ việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh.

Kinh tế số: Chìa khóa cho nền kinh tế vươn ra toàn cầu

Kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần giải các bài toán kinh tế – xã hội.

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Điều này có thể thấy được qua phân tích số liệu trong các báo cáo quốc tế, như Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD)[1].

Chẳng hạn như Trung Quốc, năm 2008 kinh tế số nước này chiếm khoảng 15% GDP, đến 2019 kinh tế số đã chiếm đến 37% GDP của nước này. Nhiều doanh nghiệp kinh tế số Trung Quốc đã trở thành những gã khổng lồ công nghệ khiến Mỹ và nhiều quốc gia phát triển ở phương tây phải lo lắng vì năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ của họ.

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-2

Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017 kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP, đến 2019 đã chiếm đến 25% GDP, và với tình hình Covid phức tạp hiện nay, dự đoán năm 2021 kinh tế số có thể chiếm đến hơn 60% GDP của khu vực này. Việt Nam hiện chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính từ nhiều nguồn, kinh tế số hiện đang chiếm khoảng 8,2% GDP, với khoảng 163 tỷ USD.

Kinh tế số Internet, kinh tế số ngành còn dư địa phát triển lớn

Xét theo từng cấu phần, kinh tế số ICT đang chiếm khoảng 4,5% GDP toàn cầu, khoảng 6,9% GDP của Mỹ và 7% GDP Trung Quốc. Với Việt Nam, kinh tế số ICT ước tính đang chiếm khoảng 5,5 % GDP cả nước, với doanh thu khoảng 123 tỷ USD.

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-3Tỷ lệ trong GDP của kinh tế số ICT Việt Nam đang cao hơn mức bình quân toàn cầu 1%, thấp hơn so với Trung Quốc và Mỹ khoảng 1,5%. Như vậy dư địa để tăng cao tỷ lệ trong GDP của cấu phần này không còn nhiều, và chúng phải nỗ lực rất mạnh mẽ để vừa tăng mạnh doanh thu, vừa cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng qua các chương trình như “Make in Vietnam”.

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-4Cấu phần kinh tế số Internet chiếm khoảng 15,5% GDP toàn cầu, khoảng 21,6% GDP của Mỹ và 30% GDP Trung quốc. Ở Việt Nam kinh tế số ước tính chỉ mới khoảng 1% GDP, với doanh thu khoảng 14 tỷ USD, rất khiêm tốn so với trung bình toàn cầu.

Con số này không phản ánh tiềm năng thực của kinh tế số Internet Việt Nam, bởi nhiều nền tảng số xuyên biên giới thu hàng tỷ USD tại Việt Nam nhưng không hề khai báo, việc giám sát và quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến cũng đang nhiều kẽ hở, và việc đo lường kinh tế số của chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng con số này cho thấy kinh tế số Internet Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn. Theo Báo cáo e-Conomy SEA [2] kinh tế số Internet Việt Nam trong ASEAN tuy đứng sau Indonesia và Thái Lan về tổng doanh thu, nhưng chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 16%/năm, so với 11%/năm của Indonesia hay 7%/năm của Thái Lan.

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-5Kinh tế số ngành, lĩnh vực thường chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, kinh tế số ngành, lĩnh vực ước tính hiện chiếm khoảng 1,7% GDP, với doanh thu khoảng 23 tỷ USD. Con số này cũng cho thấy kinh tế số internet Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đến 2020 kinh tế số chiếm 20% GDP, trong từng ngành đạt 10%, năng suất lao động tăng 7%. Đây là mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với sự đầu tư thích đáng, bởi nếu theo kịch bản thông thường, đến 2025 kinh tế số Việt Nam chỉ đạt khoảng 10,5% GDP.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, cần xem xét triển khai nhanh một số việc trọng tâm

Dư địa tăng trưởng của Việt Nam nằm ở kinh tế số-6Các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai ngay một số việc để thúc đẩy kinh tế số như: Thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình tham gia Chương trình chuyển đổi số SMEdx.vn; Hướng dẫn, hỗ trợ, đưa các hộ kinh doanh cá thể, các hộ nông dân lên các sàn thương mại điện tử để bán các sản vật của mình cũng như mua các vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, từ đó từng bước chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển kinh tế số nông thôn;

Triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, kinh tế số trong ngành, địa phương mình;  Đẩy mạnh chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực ưu tiên, với phương châm chuyển đổi số dựa trên nền tảng số, tất cả lên dịch vụ đám mây.

Một việc rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm là cần nghiên cứu, đưa các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số, xã hội số vào các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Nguyễn Trọng Đường

Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông

[1] https://unctad.org/system/files/official-document/der2019_en.pdf

[2] https://storage.googleapis.com/gweb-economy-sea.appspot.com/assets/pdf/e-Conomy_SEA_2020_Report.pdf