Vượt qua 110 đội tuyển của các trường ĐH trong nước và quốc tế, đội BYTE của trường đại học công nghệ, (ĐH quốc gia Hà Nội) đã giành Cup vô địch vòng loại khu vực châu Á 2015 của Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 41.

​Sau một ngày tranh tài căng thẳng (27/11/2015), Ban giám khảo Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 41, vòng loại khu vực châu Á 2015 (ACM/ICPC Asia Hà Nội 2015), điểm thi trườ​​ng Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (HUBT), đã lựa chọn được đội tuyển xuất sắc  nhất đại diện cho Việt Nam và châu Á tham dự vòng chung kết toàn cầu ở Phuket, Thái  Lan vào tháng 5 năm 2016. Đó là đội của trường đại học công nghệ, Đai học quốc gia Hà Nội.

Giải quyết 9 vấn đề trong 941 phút, đội BYTE của trường đại học công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội đã  vượt qua 110 đội còn lại và bước lên sân khấu nhận Cup vô địch, tiếp tục hướng tới vòng chung kết ACM/ICPC ở Phuket vào tháng 5/2016.

Bên cạnh đó, ba giải nhất, bốn giải nhì và bốn giải ba được trao cho đội tuyển đến từ các trường khác.

Đây là lần đầu tiên, một đội tuyển Việt Nam đứng đầu trong cuộc thi vòng loại khu vực Châu Á tổ chức tại Việt Nam. Kỳ thi này đã nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ rất nhiều cơ quan ban ngành các cấp như Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, TƯ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh vv…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng (thứ 2 từ trái sang) trao giải cho các đội tuyển ACM/ICPC giành chiến thắng. (Ảnh: HUBT).

 

Phát biểu tại Lễ tổng kết – trao giải của kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng ghi nhận rằng những kỳ thi như ACM/ICPC nhằm phát hiện những tài năng công nghệ thông tin ở quy mô quốc tế lớn nhất tại Việt Nam đã được xã hội và các doanh nghiệp quan tâm ủng hộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam. “Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm đến hoạt động bảo trợ cũng như chỉ đạo cho kỳ thi này,” ông cho biết.

Trước thềm ACM/ICPC Asia Hà Nội, ngày 9/11, 5 đội tuyển của Việt Nam đã lên đường thi đấu vòng loại ACM/ICPC Châu Á tại Jakarta (ACM/ICPC Asia Jakarta) và xếp hạng thứ 5.

Ngày 20/11 tại kỳ thi khu vực châu Á tổ chức tại Phuket, Thái  Lan( ACM/ICPC Asia Phuket) hai đội tuyển Việt Nam đạt Cup Bạc với hạng 4 và hạng 6, bám đuổi sát nút các đội đến từ các trường Đại học lừng danh của Trung Quốc, Đài Loan và vượt các đội của Nhật Bản. Đây là những đội có giải cao Top 12 trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2015 tại Morocco.

Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tiếp theo đó, các trường đại học tại Việt Nam đăng cai vòng loại ACM/ICPC Châu Á vào các năm 2007, 2009, 2010, 2012, 2013. Năm 2015, sau 3 năm vòng loại Châu Á kỳ thi ACM/ICPC lại quay về Hà Nội. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong 15 điểm thi ACM/ICPC Asia, trong kỳ thi do Hội Tin học Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đồng tổ chức. Kỳ thi vòng loại này có 333 sinh viên của 111 đội tham gia, trong đó có 12 đội đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Indonesia và Đài Loan.

 

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Đội tuyển BYTE của ĐH Công nghệ.

Kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest)

Kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1970, đến nay đã thu hút được hàng chục ngàn sinh viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực máy tính từ hệ thống Đại học toàn cầu. Cuộc thi có mục đích nhằm phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và sự đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm mới và cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện dưới một áp lực thời gian rất cao. Đây là kì thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới.

Các trường đại học trên toàn thế giới đăng ký dự thi trên mạng, mỗi trường đại học có thể đăng ký nhiều đội dự thi, mỗi đội gồm 3 sinh viên và 1 huấn luyện viên. Căn cứ vào thành tích tại các điểm thi vòng loại châu lục, các đội hàng đầu sẽ được chọn vào vòng Chung kết toàn cầu (World Finals). Vòng chung kết sẽ là trận đọ sức giữa các đội tuyển đến từ hơn 100 trường đại học khác nhau đại diện cho các Châu lục, trong đó Châu Á được tuyển chọn 35 - 37 đội. Mỗi vòng thi đấu sẽ trao giải Vô địch, 3 giải nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và xếp hạng top 100 trường theo thứ tự điểm đạt được.

Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 40 vừa qua, đã có trên 2,000 trường đại học từ 88 quốc gia đã qua vòng loại châu lục lựa chọn 120 đội tuyển xuất sắc nhất dự ACM/ICPC World Finals vào tháng 6/2015 tại Marrakech, Morocco.

Những gương mặt ACM/ICPC của Việt Nam:

Năm 2006 lần đầu tiên Việt Nam có mặt tại Chung kết toàn cầu ACM/ICPC tổ chức tại San Antonio Hoa kỳ: Đội BK- Eagle Đại học Bách khoa Tp HCM với 3 sinh viên: Nguyễn Tường Quân, Nguyễn Đan Thanh và Phạm Hữu Ngôn. (Phạm Hữu Ngôn đoạt Đồng Giải 3 Siêu CUP OLP’2004, giải Nhất Nhân Tài đất Việt 2008, Giải 3 Nhân Tài Đất Việt 2005, hạng 5 giải Đồ hoạ - Imagine CUP toàn cầu tại Brazil năm 2004)

Năm 2007: Đội tuyển Chicken - Đại học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Tokyo Nhật Bản với thứ hạng 44/88. Đội Chicken gồm các sinh viên: Trần Thị Thùy Trang, Phan Đa Phúc và Lê Huy Bình.

Năm 2008: Đội tuyển DragonCoders - Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội gồm Nguyễn Hoàng Vũ, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Thanh Hào và Đội tuyển BUGS Đại học KHTN - ĐHQG Tp HCM gồm: Nguyễn Chí Thiện, Đặng Vĩnh Bảo, và Hồng Anh Khoa có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Baff Canada .

Năm 2009: Đội tuyển TheLastChance - Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Stockhom gồm: Nguyễn Đình Tư, Lê Đôn Khuê và Tạ Việt Cường.

Năm 2010: Đội tuyển Passion - Đại học KHTN Đại học Quốc gia Tp HCM có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc gồm các sinh viên: Phạm Tuấn Vũ, Trịnh Trần Đăng Khoa, Lê Đỗ Hoài Nam.

Năm 2012: Đội tuyển Equanimity - Đại học KHTN Đại học Quốc gia Tp HCM có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Orlando Hoa Kỳ gồm các sinh viên: Phạm Tuấn Vũ, Trịnh Trần Đăng Khoa, Phan Duy Hùng.

Năm 2013: Đội tuyển CTU Optimusts – Đại học Cần Thơ có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại St. Petersburg Nga gồm các sinh viên: Lâm Phan Việt, Lương Văn Đô, Trần Thanh Tú .

Năm 2014: hai Đội tuyển Đội tuyển Runes of Champion, ĐH FPT gồm: Hồ Vĩnh Thịnh, Lăng Trung Hiếu, Nguyễn Thành Trung và Đội tuyển HCMUS Accepters, Đại học KHTN – ĐHQG Tp HCM gồn: Lê Yên Thanh, Phan Văn Thuyên, Tô Hưu Quân có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại St. Ekaterinsburg Nga.

Năm 2015: Đội tuyển #Java, Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội gồm: Đỗ Xuân Việt, Nguyễn Phan Quang Minh, Nguyễn Đức Nam có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Morocco.

Nhiều gương mặt từ Chung kết toàn cầu ACM/ICPC Việt Nam được nhận Giải thưởng Quả cầu vàng - giải thưởng danh giá của Trung ương Đoàn và Bộ khoa học công nghệ tặng cho tài năng CNTT tiêu biểu hàng năm. Với chứng nhận giải thưởng ACM/ICPC nhiều sinh viên xuất sắc đã nhận được học bổng toàn phần du học bậc Tiến sĩ ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Chứng nhận ACM/ICPC là chứng chỉ quan trọng để các sinh viên tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp CNTT-TT.


  • H.P.