Trước thềm WWDC 2016, giới thạo tin đã đồn thổi về những gì sẽ xuất hiện trong Hội nghị dành cho các nhà phát triển của Apple. Phải chăng Apple cũng nhận ra, họ cần phải thay đổi.

Một tuần trước ngày diễn ra WWDC 2016, tin tức về App Store 2.0 tràn ngập các mặt báo. Trong bản cập nhật này, người dùng có thể đăng ký theo dõi các nhà phát triển ứng dụng ưa thích trên cửa hàng.

Apple sẽ để các đối tác nhận được tới 85% doanh thu kể từ năm thứ hai trở đi khi người dùng trả tiền thuê bao, tăng 15% so với trước. Điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ lập trình viên thu được nhiều lợi nhuận hơn, các phần mềm có nhiều lượt tải cũng từ đó sẽ có giá thành rẻ hơn.

{keywords}

Chưa đầy 7 tháng, Phó chủ tịch Phil Schiller đang thực hiện một cuộc lột xác ngoạn mục cho App Stor. Ảnh: The Verge.

Ngoài ra, Apple còn cho phép bên thứ ba trả tiền để đưa phần mềm của họ xuất hiện đầu tiên trong các kết quả tìm kiếm. Ông lớn ngành công nghệ hy vọng sự thay đổi này giúp đưa nhà phát triển đến gần hơn với người dùng. Tuy nhiên, số ít các lập trình viên e ngại quy định trên chỉ có lợi cho những kẻ giàu mà thôi, tiêu biểu là Facebook.

Thứ Tư vừa qua, một nghiên cứu cho thấy App Store hoàn toàn bị “thống trị” bởi Facebook và Snapchat. Tệ hơn, 94% doanh thu của ứng dụng này đến từ nhóm 1% “tầng lớp trung lưu” - các nhà phát triển hàng đầu.

Nói cách khác các công ty trên nền tảng web như Facebook hay Amazon đang dần chiếm ưu thế, thậm chí vượt trội, làm thay đổi khái niệm về ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Vấn đề khó nhất vẫn chưa được giải quyết

Mặc dù những thay đổi trên rất đáng khích lệ, nhưng nếu không làm triệt để, mô hình đăng ký mới này chỉ khiến kẻ giàu càng giàu thêm.

Có đến 1,5 triệu ứng dụng trên cửa hàng của Apple. Việc một trong số đó gây được chú ý với người dùng là cực kỳ khó. Chi phí để quảng cáo lên tới 16 USD với 1 người dùng/ 1 ứng dụng.

Đó là lý do tại sao việc thu phí người dùng theo phương thức thuê bao gia hạn có thể trở thành điểm nhấn trong lịch sử App Store. Thay vì phải trả một khoản phí quảng cáo lớn ngay từ đầu, lập trình viên có thể chia nhỏ khoản tiền này để trả trong một thời gian dài.

{keywords}

Giao diện mới của App Store trên bản cập nhật sắp tới. Ảnh: Business Insider.

Tuy nhiên thực tế nhà phát triển vẫn phải trả tiền để ứng dụng của mình được chú ý. Số tiền có được từ 15% doanh thu không đáng là bao, nó không đủ để thay đổi cục diện của vấn đề.

Đại diện Apple cho rằng tính năng gợi ý tìm kiếm giúp lập trình viên kết nối với khách hàng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự “tiện lợi” và “dễ dàng” này chỉ dành cho những ai có tiền quảng cáo thay vì đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu của người dùng.

Trong một cuộc phỏng vấn, Phil Schiller - Phó chủ tịch phụ trách marketing của Apple - tiết lộ, để hỗ trợ bên phát triển ứng dụng tiếp cận với người dùng, Apple dự định bổ sung tính năng dùng thử trước khi mua hoàn toàn. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công bố chính thức nào về điều này.

Sự thật bị phớt lờ

Dù muốn thừa nhận hay không, ngày càng có nhiều đối tác trở nên thận trọng hơn khi giao dịch với Apple.

Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp của Amazon. Kể từ khi có sự mập mờ trong việc phân chia lợi nhuận, hãng này đã xóa tính năng mua nội dung số như sách Kindle hay các bộ phim của Amazon Video trên iPhone và iPad. Thay vào đó, Amazon khuyến cáo người dùng sử dụng trang web của công ty.

Hay như Spotify có các mức phí khác nhau tùy thuộc vào thiết bị sử dụng (iPhone là 13 USD /tháng và 9,99 USD/ tháng đối với máy Mac hoặc PC). Đây là cách để công ty bù đắp các chi phí bỏ ra. Người chịu thiệt ở đây không ai khác chính là người dùng.

Vì vậy, với lần cập nhật này, gã khổng lồ công nghệ chắc chắn sẽ mang đến những cơ hội thú vị cho các nhà phát triển. Trước sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo như trợ lý ảo của Amazon Echo hay chatbot từ Facebook Messenger, mô hình cửa hàng ứng dụng của Apple cần có sự thay đổi nếu không muốn bị lập trình viên bỏ rơi.

App Store phiên bản 2.0 là dấu hiệu tích cực cho thấy Apple đang suy nghĩ đúng hướng. Nhưng để thỏa mãn tất cả yêu cầu của người dùng và các nhà phát triển, Apple còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo Zing