Lời toà soạn: Vào tháng 3/2020, khi dịch bệnh Covid-19 đang tấn công một số quốc gia trên thế giới, nhà sử học nổi tiếng Yuval Noah Harari đã có bài viết đáng chú ý trên trên Financial Times về tương lai thế giới sau đại dịch Covid-19 và những lựa chọn của nhân loại. Hơn một năm đã trôi qua, thế giới có thêm trải nghiệm về những gì tác giả đề cập. Mời độc giả cùng đọc lại bài viết này.

Yuval Noah Harari là nhà sử học Do Thái, tác giả 3 cuốn sách nổi tiếng “Sapiens”, “Homo Deus” và “21 Lessons for the 21st Century”.

{keywords}
Ảnh minh họa

“Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai!”

Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những quyết định của người dân và các chính phủ trong vài tuần tới chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới trong nhiều năm tiếp theo. Những quyết định này không chỉ định hình lại các hệ thống y tế, mà còn cả nền kinh tế và các chính phủ trên toàn cầu. Chúng ta cần phải quyết định nhanh chóng và dứt khoát, nhưng cũng cần tính đến những tác động lâu dài của những quyết định này. Khi cân nhắc giữa hai lựa chọn, chúng ta không chỉ nên tự hỏi làm cách nào để nhanh chóng vượt qua đại dịch, mà còn phải cân nhắc cả việc thế giới chúng ta đang sống sẽ ra sao khi đại dịch qua đi. Đúng, cơn bão đại dịch sẽ qua, loài người sẽ sống sót, hầu hết chúng ta sẽ vẫn sống, nhưng chúng ta sẽ sinh sống trong một thế giới hoàn toàn khác.

Nhiều giải pháp khẩn cấp trước mắt sẽ trở thành nguyên tắc gắn chặt vào cuộc sống sau này. Đó chính là bản chất của tình huống khẩn cấp. Giải pháp khẩn cấp sẽ đẩy nhanh các tiến trình của lịch sử. Bình thường, người ta có thể mất tới hàng năm để đưa ra các quyết định, nhưng trong bối cảnh đại dịch, các quyết định có thể được thông qua chỉ trong vài giờ. Các công nghệ bị “ép chín” hoặc thậm chí tiềm ẩn rủi ro vẫn được đưa vào sử dụng, bởi nếu không hành động thì thiệt hại chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều. Các quốc gia đang trở thành “chuột bạch” trong các thử nghiệm xã hội quy mô lớn. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người đều làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp từ xa? Điều gì sẽ xảy ra khi toàn bộ các trường đại học và phổ thông chỉ đào tạo trực tuyến? Thông thường, các chính phủ, doanh nghiệp và các ủy ban giáo dục sẽ không bao giờ đồng ý triển khai những thử nghiệm như vậy. Nhưng hiện tại không còn là bối cảnh thông thường.

{keywords}
Những hình ảnh trong bài viết được chụp từ các webcam quan sát các đường phố của Italy, được một nhiếp ảnh gia có tên Graziano Panfili đang sống trong vùng bị cô lập tìm thấy và chụp lại.

Trong bối cảnh khủng hoảng này, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn vô cùng quan trọng. Trước nhất là chọn lựa giữa sự giám sát chuyên quyền hay trao quyền giám sát cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu giữa các quốc gia. 

Giám sát “dưới da”

Để ngăn chặn đại dịch, toàn bộ người dân cần phải tuân thủ theo các quy định cụ thể về phòng chống dịch. Có hai cách chính để thực hiện điều này. Phương pháp thứ nhất là chính phủ giám sát người dân, và xử phạt những người vi phạm quy định phòng chống dịch. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các công nghệ tối tân đã giúp chính quyền giám sát được tất cả mọi người dân tại mọi thời điểm. 50 năm trước, lực lượng phản gián KGB không thể theo dõi 240 triệu người dân Xô Viết 24 giờ mỗi ngày, và lực lượng này cũng không thể phân tích hiệu quả mọi dữ liệu họ thu thập được. KGB hoạt động dựa vào các chuyên gia phân tích và lực lượng nhân sự giỏi nghiệp vụ, nhưng việc cắt cử một điệp viên theo dõi một người dân trên toàn quốc là điều không thể. Giờ đây, các chính phủ có thể dựa vào những bộ cảm biến thông dụng và các thuật toán máy tính xử lý siêu nhanh để giám sát, thay vì sử dụng nhân lực như trước. Trong cuộc chiến chống Covid-19, một số chính phủ đã triển khai những công cụ giám sát mới bằng công nghệ. Đáng chú ý nhất có lẽ là Trung Quốc. Bằng cách giám sát smartphone của người dân, sử dụng hàng trăm triệu camera nhận diện người dân nơi công cộng, cũng như yêu cầu người dân khai báo thân nhiệt và tình trạng sức khỏe, các cơ quan chức năng của Trung Quốc có thể nhanh chóng xác định các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, đồng thời còn truy xuất ra được họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai để xác định người nghi nhiễm nếu cần. Một loạt các ứng dụng di động cũng được triển khai để cảnh báo người dân về những ca nhiễm bệnh ở phạm vi gần để họ chủ động phòng tránh. 

{keywords}
Đấu trường Colosseum ở Rome.

Những công nghệ giám sát kiểu này không chỉ phổ biến ở Đông Á. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây cũng đã cho phép Cơ quan An ninh Israel sử dụng công nghệ “chuyên dụng” chống khủng bố vào việc giám sát bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khi Ủy ban phụ trách của quốc hội phủ quyết, ông Netanyahu đã thông qua bằng một “sắc lệnh khẩn cấp”.

Bạn có thể phản biện rằng những chuyện này đã quá quen thuộc. Trong những năm gần đây, các chính phủ và tập đoàn công nghệ toàn cầu đều đã sử dụng những công nghệ giám sát còn phức tạp hơn để theo dõi và kiểm soát người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thận trọng, đại dịch này có thể trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử công nghệ giám sát người dân. Không chỉ bởi việc các công nghệ giám sát toàn dân từng bị phản đối kịch liệt sẽ được các quốc gia triển khai một cách hiển nhiên, mà công nghệ giám sát thậm chí còn chuyển đổi tinh vi từ “ngoài da” sang “dưới da”.

{keywords}
Quảng trường Beato Roberto ở Pescara

Hiện tại, khi ngón tay bạn chạm vào màn hình smartphone và bấm vào một đường link, các chính phủ mới chỉ muốn biết chính xác bạn đã bấm vào cái gì. Nhưng trong đại dịch Covid-19, mối quan tâm chính của người giám sát đã thay đổi. Các chính phủ giờ đây muốn biết cả nhiệt độ và huyết áp bên dưới lớp da ngón tay của bạn.

Khẩn cấp kiểu “bánh pudding”

Tình huống khẩn cấp buộc chúng ta đối mặt với một trong những vấn đề khi bị giám sát là không ai biết chính xác chúng ta bị giám sát như thế nào, và sẽ dẫn tới điều gì trong những năm tiếp theo. Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và những điều 10 năm trước dường như khoa học viễn tưởng thì nay đã không còn gì mới lạ. Chẳng hạn, chúng ta giả định có một chính phủ yêu cầu mọi công dân phải đeo một chiếc vòng sinh trắc học theo dõi thân nhiệt và nhịp tim 24 giờ mỗi ngày. Dữ liệu giám sát sẽ được lưu trữ và phân tích bằng các thuật toán của chính phủ đó. Các thuật toán tinh vi thậm chí sẽ xác định được bạn bị ốm trước cả khi bạn biết. Chuỗi lây nhiễm dịch bệnh nhờ đó sẽ bị ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả hơn. Các hệ thống giả định như vậy được cho là có thể ngăn chặn đại dịch chỉ trong vài ngày. Nghe thật tuyệt vời phải không?

Nhưng mặt trái, đương nhiên luôn tồn tại, sẽ là việc hợp pháp hóa cho một hệ thống giám sát khủng khiếp chưa từng có. Chẳng hạn, khi tôi thường bấm vào link của Fox News hơn là link của CNN để xem tin tức, thông tin đó có thể giúp bạn biết đôi chút về quan điểm chính trị hay thậm chí cả tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn biết được cả các dữ liệu về thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim khi tôi xem một đoạn video, bạn thậm chí có thể biết điều gì khiến tôi vui hay buồn, thậm chí khiến tôi tức giận. 

Nên nhớ rằng tức giận, vui buồn, chán nản hay yêu thương cũng đều là các hiện tượng sinh học giống như khi chúng ta ho hay bị sốt. Công nghệ xác định được cơn ho cũng có thể nhận biết được khi bạn cười vang. Nếu các tập đoàn công nghệ và các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học của chúng ta trên quy mô đại chúng, họ có thể nắm rõ chúng ta nhiều hơn cả chúng ta biết về bản thân. Thậm chí, sau đó họ không chỉ dự doán được cảm xúc của chúng ta, mà còn thao túng được những cảm xúc đó để bán cho chúng ta bất kỳ thứ gì họ muốn, bất kể đó là một sản phẩm hay là một chính trị gia. Giám sát sinh trắc học có thể biến scandal rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica của Facebook trở thành thứ “tối cổ”. Thử tưởng tượng ở một quốc gia độc tài mà người dân bị buộc phải đeo vòng giám sát sinh trắc học, sẽ có những công dân bị ngồi tù vì có những cảm xúc chống đối chế độ, dù họ không hề thể hiện ra nét mặt hay lời nói, hành động.

{keywords}
Quang cảnh một khu nhà của trường đại học ở Lodi, Ytalia.

Đương nhiên, bạn có thể sử dụng giải pháp giám sát sinh trắc học như một biện pháp tạm thời để xử lý tình huống khẩn cấp, và nó sẽ bị vô hiệu khi khủng hoảng qua đi. Nhưng các biện pháp tạm thời sẽ tạo nên những thói quen xấu trong trường hợp khẩn cấp, nhất là khi các tình huống khẩn cấp mới luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, đất nước Israel của tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ cuộc chiến giành độc lập năm 1948. Điều này hợp thức hóa hàng loạt các biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt truyền thông, sung công đất đai, cho đến các quy định về việc làm bánh pudding (tôi không đùa đâu). Dù cuộc chiến đã kết thúc từ lâu, Israel chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và cũng không gỡ bỏ các biện pháp tạm thời năm 1948 (vào năm 2011, chính phủ cuối cùng cũng chấp nhận xóa bỏ nghị định về bánh pudding).

{keywords}
Bãi biển Porto San Giorgio, biển Adriatic.

Ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 đã giảm về 0, một số chính phủ cần thu thập dữ liệu cá nhân vẫn có thể lập luận rằng họ cần giữ các hệ thống giám sát sinh trắc học vì lo ngại sẽ có một đại dịch virus mới, hoặc do có một chủng Ebola mới phát triển ở Trung Phi... Quyền riêng tư đã trở thành một cuộc chiến tại đất nước chúng tôi trong những năm gần đây, và đại dịch Covid-19 có thể là bước ngoặt phân định cuộc chiến. Khi mọi người phải lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ thường sẽ chọn sức khỏe.

“Cảnh sát xà phòng”

Trên thực tế, gốc rễ của vấn đề nằm ở chính yêu cầu mọi người phải lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, bởi đây là một lựa chọn sai lầm ngay từ cách đặt vấn đề. Chúng ta hoàn toàn có thể và nên có cả quyền riêng tư lẫn sức khỏe. Bằng cách trao quyền cho công dân, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn chặn dịch Covid-19 mà không cần thiết lập chế độ giám sát bắt buộc. Trong vài tuần qua, tại Hàn Quốc và Singapore nổi lên là những trường hợp thành công nhất trong việc phối hợp cộng đồng để ngăn chặn dịch corona lan rộng. Mặc dù các quốc gia này vẫn sử dụng một số ứng dụng giám sát, họ chủ yếu dựa vào việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, báo cáo số liệu trung thực và sự hợp tác tự nguyện của quần chúng.

Giám sát tập trung và chế tài xử phạt không phải là cách duy nhất để khiến mọi người làm theo các hướng dẫn phòng dịch hiệu quả. Khi người dân được tiếp cận đủ thông tin một cách khoa học và chính xác, họ sẽ thực hiện nghiêm túc mà không cần có sự ép buộc nào.

Chẳng hạn như việc rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những tiến bộ lớn của loài người từ trước đến nay về vệ sinh cá nhân. Hành động đơn giản này đã cứu hàng triệu mạng sống mỗi năm. Mặc dù chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng chỉ đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng. Trước đó, thậm chí các bác sĩ và y tá còn di chuyển từ một ca phẫu thuật này sang một ca phẫu thuật tiếp theo mà không rửa tay. Giờ đây hàng tỷ người rửa tay mỗi ngày, không phải bởi do có một lực lượng “cảnh sát xà phòng” giám sát, mà bởi họ ý thức được những lợi ích sức khỏe. “Tôi rửa tay bằng xà phòng vì tôi đã nghe nói về virus và vi khuẩn, tôi hiểu rằng những sinh vật nhỏ bé này gây bệnh và tôi biết rằng xà phòng có thể loại bỏ chúng”.

{keywords}
Cung điện Hoàng gia Caserta, Italia.

Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như vậy, bạn cần tin tưởng. Mọi người cần tin tưởng vào khoa học, tin tưởng các cơ quan công quyền và tin tưởng vào các phương tiện truyền thông. Trong những năm qua, sự cạnh tranh giữa các đảng phái khiến các chính trị gia trở nên thiếu trách nhiệm, cố tình phá hoại niềm tin của người dân vào khoa học, vào các cơ quan công quyền và các phương tiện truyền thông. Những chính trị gia này còn có thể bị cám dỗ theo chủ nghĩa độc đoán, cho rằng bạn không thể đặt niềm tin theo công chúng để làm điều đúng đắn.

Thông thường, niềm tin đã bị xói mòn trong nhiều năm không thể được xây dựng lại chỉ sau một đêm. Nhưng đây không phải là thời điểm thông thường. Khi khủng hoảng, quan niệm cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Bạn có thể xung khắc với anh chị em ruột mình trong nhiều năm, nhưng khi nguy cấp, bạn đột nhiên phát hiện họ vẫn là nơi bạn đặt niềm tin và tình thương, và các bạn vẫn sẵn lòng giúp đỡ nhau. Thay vì xây dựng một hệ thống giám sát mọi công dân, vẫn chưa quá muộn để gây dựng lại niềm tin của người dân vào khoa học, vào cơ quan công quyền và truyền thông. Chắc chắn chúng ta nên sử dụng các công nghệ giám sát mới, nhưng sẽ trao quyền sử dụng nó cho người dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và huyết áp mỗi người dân, nhưng dữ liệu đó không dùng vào việc phục vụ một chính phủ toàn năng. Thay vào đó, dữ liệu đó sẽ cho phép tôi đưa ra các lựa chọn cá nhân sáng suốt hơn, cũng như tự chịu trách nhiệm trước chính phủ đối với các quyết định của mình.

{keywords}
Lungomare di Forte dei Marmi, ở Versilia

Nếu có thể tự theo dõi sức khỏe bản thân 24 giờ mỗi ngày, tôi sẽ không chỉ biết rõ liệu tôi có gây nguy hiểm cho ai khác hay không, mà còn giúp hình thành các thói quen có lợi cho sức khỏe của mình. Nếu tôi có thể tiếp cận và phân tích các thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của Covid-19, tôi có thể kiểm chứng các thông tin chính phủ công bố và liệu chính sách mà chính phủ đang áp dụng có phòng chống dịch hiệu quả hay không. Khi nói đến giám sát, người ta thường chỉ nghĩ tới công nghệ giúp chính phủ giám sát người dân mà không nhớ rằng công nghệ cũng có thể giúp mỗi cá nhân giám sát chính phủ. Do đó, dịch Covid-19 là một thử nghiệm lớn về quyền công dân. Trong những ngày sắp tới, mỗi người trong chúng ta nên chọn tin tưởng vào dữ liệu khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hơn các thuyết âm mưu vô căn cứ và phát ngôn của các chính trị gia nhiều tham vọng. Nếu không lựa chọn đúng, chúng ta có thể thấy mình đang ký giấy cho đi những quyền tự do quý giá nhất, nhưng vẫn nghĩ rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe của mình.

Chúng ta cần một kế hoạch toàn cầu

Vấn đề quan trọng thứ hai mà chúng ta phải đối mặt, đó là lựa chọn giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa và sự đoàn kết toàn cầu. Cả đại dịch và hậu quả khủng hoảng kinh tế đều là những vấn đề toàn cầu. Chúng chỉ có thể được giải quyết hiệu quả bằng hợp tác toàn cầu.

Điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất giúp đánh bại Covid-19, đó là chúng ta cần chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Đó là lợi thế lớn của con người so với virus. Một con virus Covid-19 ở Trung Quốc và một con virus Covid-19 ở Mỹ không thể trao đổi với nhau các mẹo về cách lây nhiễm cho con người. Nhưng Trung Quốc có thể chia sẻ cho Mỹ nhiều bài học quý giá về Covid-19 và cách đối phó với nó. Những phát hiện của một bác sĩ người Ý tại Milan vào sáng sớm cũng có thể là thông tin cứu được thêm mạng sống ở Tehran vào buổi tối cùng ngày. Khi chính phủ Anh do dự giữa một số chính sách chống dịch, họ có thể nhận được lời khuyên từ Hàn Quốc, nơi đã đối mặt xử lý rất hiệu quả phương án chống dịch trong bối cảnh tương tự vào 1 tháng trước. Nhưng để việc chia sẻ này thành hiện thực, chúng ta cần một tinh thần hợp tác và tin tưởng toàn cầu.

Các quốc gia nên sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách cởi mở và khiêm tốn lắng nghe lời khuyên, cũng như tin tưởng vào dữ liệu và những phân tích họ được chia sẻ. Chúng ta cũng cần một nỗ lực toàn cầu để sản xuất và phân phối thiết bị y tế, nhất là bộ kit thử nhanh và máy thở. Thay vì mọi quốc gia phải chạy đua tự sản xuất và tích trữ mọi thiết bị có thể mua được, một nỗ lực hợp tác toàn cầu sẽ giúp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối các thiết bị để chống dịch hiệu quả hơn. Cũng giống việc quốc hữu hóa các ngành công nghiệp quan trọng trong chiến tranh, cuộc chiến giữa con người và Covid-19 khiến chúng ta phải “nhân tính hóa” những dây chuyền sản xuất mang tính sống còn. Một quốc gia giàu có và ít bệnh nhân nhiễm virus nên sẵn lòng chi viện các thiết bị y tế thiết yếu cho những nước nghèo hơn đang bị dịch bệnh hoành hành với niềm tin rằng khi đến lượt mình cần giúp đỡ, các quốc gia khác cũng sẽ chung tay hỗ trợ.

Một chiến dịch hợp tác tương tự cũng có thể áp dụng với lực lượng y tế. Các nước đang ít bị ảnh hưởng có thể gửi nhân viên y tế đến những vùng dịch trong khu vực, vừa để giúp cứu người kịp thời, vừa để thu được những kinh nghiệm phòng chống dịch quý giá. Nếu sau đó tâm dịch chuyển hướng tới, sự giúp đỡ cũng sẽ quay theo chiều ngược lại.

Sự hợp tác toàn cầu cũng quan trọng trên mặt trận kinh tế. Xét bản chất của kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ tự ý hành động mà không đếm xỉa gì đến những quốc gia khác, hậu quả sẽ là khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái sâu. Vì vậy, chúng ta cần một kế hoạch hành động toàn cầu và cần xúc tiến nhanh.

{keywords}
Duomo ở Florence, Italia.

Ngoài ra chúng ta cũng cần đạt được thỏa thuận toàn cầu về việc di chuyển giữa các quốc gia. Đi lại quốc tế bị ngừng trệ trong nhiều tháng sẽ đẩy chúng ta vào tình cảnh vô cùng khó khăn và cản trở cuộc chiến chống Covid-19. Các quốc gia cần hợp tác để cho phép một số ít những người quan trọng tiếp tục di chuyển qua biên giới như các nhà khoa học, bác sĩ, nhà báo, chính trị gia, và thương nhân. Các quốc gia có thể ký một thỏa thuận toàn cầu về việc sàng lọc ngay tại quê hương của các du khách. Nếu những hành khách được sàng lọc cẩn thận trước khi được phép lên máy bay, các quốc gia sẽ sẵn lòng cho họ nhập cảnh.

Đáng tiếc, hiện các quốc gia gần như chưa thực hiện bất cứ biện pháp hợp tác nào như vậy. Sự tê liệt tập thể đang bóp nghẹt cả thế giới. Dường như không có một “ngọn cờ đầu” nào trong dàn lãnh đạo thế giới. Đáng nhẽ chúng ta phải chứng kiến một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo quốc tế từ nhiều tuần trước để đưa ra một kế hoạch hành động chung. Cho đến tận tuần này, các nhà lãnh đạo khối G7 mới thu xếp một cuộc họp trực tuyến, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.

{keywords}
Bãi biển Torre San Giovanni, ở Lecce.

Trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây, ví dụ như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Ebola 2014, Mỹ luôn nắm vai trò dẫn dắt. Nhưng chính quyền Mỹ hiện nay đã từ bỏ vai trò lãnh đạo. Washington nói rõ lập trường rằng nước Mỹ hiện nay quan tâm đến sự phồn vinh của họ hơn là tương lai nhân loại.

Chính quyền Mỹ thậm chí đã bỏ rơi cả các đồng minh thân cận nhất. Khi cấm tất cả các chuyến bay từ EU, Mỹ còn chẳng buồn thông báo trước, chứ đừng nói đến việc hỏi ý kiến của EU về biện pháp mạnh tay này. Tuần trước, người Đức cũng rất tức giận trước thông tin cáo buộc Mỹ đề xuất trả 1 tỷ USD cho một công ty dược của Đức để mua độc quyền sáng chế vaccine Covid-19 (dù sau đó Nhà Trắng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này và khẳng định đó là tin giả). Kể cả khi chính quyền Mỹ thay đổi cách tiếp cận và đưa ra một kế hoạch hành động toàn cầu, sẽ hiếm quốc gia nào còn dám mạnh dạn đi theo một “ngọn cờ đầu” như vậy.

Nếu không có quốc gia nào thế chỗ trống mà Mỹ để lại, thì không những việc chống đại dịch trở nên khó khăn hơn, mà còn làm quan hệ quốc tế xấu đi trong những năm tới. Tuy nhiên trong nguy có cơ. Chúng ta hy vọng đại dịch này sẽ giúp con người nhận ra sự nguy hiểm của sự chia rẽ toàn cầu.

Nhân loại cần phải đưa ra quyết định. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đua xuống đáy vực của sự chia rẽ, hay sẽ chuyển hướng sang con đường của đoàn kết toàn cầu? Nếu chọn chia rẽ, chúng ta sẽ không chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng bệnh dịch này, mà thậm chí còn dẫn đến những thảm họa khốc liệt hơn trong tương lai. Nếu chúng ta chọn đoàn kết, đó sẽ không chỉ là chiến thắng trước đại dịch Covid-19, mà còn là chiến thắng trước mọi đại dịch và khủng hoảng có thể dồn dập tấn công nhân loại trong thế kỷ 21.

Yuval Noah Harari 

Trần Bích Hạnh (tóm lược)

Mẫu iPhone 13 trong mơ, màn hình tràn cạnh bên đẹp khó cưỡng

Mẫu iPhone 13 trong mơ, màn hình tràn cạnh bên đẹp khó cưỡng

Đây là một trong những mẫu iPhone 13 tuyệt đẹp, nhưng chắc chắn nó không phải một trong số những iPhone mới sắp ra mắt vào tháng 9 tới.

iPhone 13 sẽ có cụm camera

iPhone 13 sẽ có cụm camera "khủng", thay đổi thiết kế một số chi tiết

iPhone 13 sẽ có cụm camera với các ống kính lớn hơn nhiều và thay đổi thiết kế một số chi tiết máy, theo thông tin rò rỉ mới nhất.

Quốc gia nào sử dụng dữ liệu điện thoại để ngăn chặn đại dịch Covid-19?

Quốc gia nào sử dụng dữ liệu điện thoại để ngăn chặn đại dịch Covid-19?

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, chính phủ các nước cũng phải tăng cường các biện pháp nhằm khống chế, giảm lây lan. Một trong số đó là theo dõi điện thoại của mọi người.