Từ trước tới nay, Mark Zuckerberg và các lãnh đạo Facebook luôn giữ thói quen lần gặp và trả lời trực tiếp nhân viên Facebook về những vấn đề của công ty.

Chủ đề của những cuộc họp mặt hàng tuần này là những câu hỏi được bình chọn nhiều nhất trên trang nội bộ của Facebook.

Vào ngày 16/7, chủ đề được bình chọn nhiều nhất là những bữa ăn miễn phí. Khi nhân viên chủ yếu làm việc tại nhà, Facebook thưởng cho mỗi người 1.000 USD và lời hứa chấm KPI nửa đầu năm ở mức cao nhất. Tuy nhiên, nhiều nhân viên lại nhớ những loại thức ăn, nước uống miễn phí được cung cấp tại văn phòng công ty.

“Tôi không rõ mình có nắm bắt đầy đủ ý câu hỏi không. Tuy nhiên, tôi chưa thấy một dữ liệu nào cho thấy thức ăn miễn phí là lý do lớn khiến mọi người tới làm việc ở công ty này”, The Verge trích dẫn câu trả lời của Mark Zuckerberg tại cuộc họp sau đó.

Chủ đề thức ăn miễn phí cho thấy với các nhân viên, Facebook vẫn là một công ty công nghệ điển hình. Tuy nhiên họ không chỉ nghĩ tới đồ ăn của mình, mà còn lo ngại về ảnh hưởng của Facebook đối với xã hội và hướng đi mà những lãnh đạo công ty này lựa chọn.

Khi Facebook tỏ ra trung lập

Rắc rối đầu tiên trong năm 2020 của Facebook đến từ một bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter.

Ngày 29/5, bày tỏ quan điểm về các cuộc biểu tình tại bang Minnesota, ông Trump cho biết đã đảm bảo với Thống đốc bang Tim Walz rằng quân đội sẽ hỗ trợ, và nổ súng khi có cướp phá. Bài viết này sau đó được đăng lại trên Facebook.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 2

Mark Zuckerberg luôn cố tỏ ra trung lập khi điều hành Facebook. Tuy nhiên, lựa chọn này vẫn bị phản đối.

Sau 1 ngày bàn luận căng thẳng trong nội bộ, Zuckerberg quyết định để bài viết của ông Trump tồn tại mà không xóa đi. CEO Facebook cho rằng mọi người có quyền được biết liệu họ có phải đối mặt với quân đội nếu tham gia những cuộc biểu tình.

Quyết định này khiến nhiều nhân viên Facebook nổi giận. Họ cho rằng đây là việc làm đi ngược lại nhiệm vụ khiến thế giới “mở và kết nối hơn” của Facebook.

Mark Zuckerberg giải đáp những thắc mắc tại một cuộc họp vào cuối tuần. CEO Facebook cho rằng bản thân mình rất bức xúc với bài đăng của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ở cương vị CEO Facebook, Mark Zuckerberg phải giữ cho công ty ở vị thế trung lập.

“Điều chúng ta làm là cố gắng không bám lấy quan điểm nào. Tôi có quan điểm rõ ràng về tổng thống, và đó là quan điểm cá nhân mà tôi sẽ luôn giữ. Nhưng quan điểm đó không nên được dùng để đánh giá những thay đổi trong chính sách công ty. Chúng ta phải trở thành nền tảng trung lập, và đưa ra những quyết định dựa trên nguyên tắc và luật lệ”, bà Sheryl Sandberg, lãnh đạo quan trọng thứ nhì tại Facebook chia sẻ với các nhóm thực tập vào tháng 7.

Tuy vậy, một lãnh đạo khác của Facebook lại có cách nghĩ trái ngược hoàn toàn. Neil Potts, Giám đốc Chính sách công Bảo vệ Sự tin cậy và Bảo mật, cho rằng công ty này không cần thiết phải trở nên hoàn toàn trung lập.

“Chúng ta muốn tạo ra sản phẩm tốt với cộng đồng, và tôi không nghĩ rằng mục tiêu đó không thể tương thích với quyền công dân”, ông Potts chia sẻ với nhân viên.

Quyết định chọn vị thế trung lập, không can thiệp của Facebook khiến một nhóm nhân viên quyết định làm buổi tuần hành trực tuyến vào ngày 1/6. Hàng trăm người đã tham gia sự kiện này, biến nó trở thành buổi tuần hành đông người nhất trong lịch sử Facebook.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 3

Hàng loạt nhân viên Facebook nghỉ làm vào ngày 1/6 trong buổi "tuần hành ảo" để phản đối các quyết định của công ty. Ảnh: New York Times.

Buổi tuần hành này khiến Mark Zuckerberg phải tổ chức thêm một cuộc họp, chia sẻ về kế hoạch 7 bước để phân tích nội dung tốt hơn, và có thể gắn thêm một số nhãn với những bài đăng có khả năng gây phiền toái. Dường như CEO Facebook cũng nhận ra rằng những người sử dụng Facebook tại Mỹ có xu hướng bảo thủ, trong khi các nhân viên thì lại hướng tới các giá trị tự do hơn.

“Một trong những điều ít được bàn đến bên trong công ty là cộng đồng mà chúng ta phục vụ nói chung có tính bảo thủ cao hơn nhân viên của chúng ta.

Nếu muốn phục vụ mọi người thật tốt, chúng ta cần nhìn nhận rằng có những góc nhìn khác nhau với mọi sự việc, và nếu có người không đồng ý thì cũng không hẳn là họ có ý xấu”, Mark Zuckerberg nhận xét.

Doanh thu Facebook bị đe dọa

Sự bất đồng của nhân viên không phải mối nguy duy nhất với Facebook. Vào cuối tháng 6, một loạt tập đoàn lớn như Coca-Cola, Unilever, Verizon hay Hershey đồng loạt công bố dừng quảng cáo trên Facebook.

Mục tiêu của hành động này, theo các đơn vị trên, là để buộc Facebook nỗ lực hơn để chống lại các phát ngôn thù địch trên nền tảng. Việc hàng loạt tập đoàn tên tuổi cùng tham gia đem lại hy vọng rằng Facebook sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, áp lực của những tập đoàn lớn không đủ gây tổn hại tài chính để khiến Facebook phải lo ngại. Giống như một câu nói quen thuộc trong nội bộ Facebook, “dữ liệu quan trọng hơn lý luận”, lãnh đạo của công ty này hiểu rõ họ có thể vượt qua khủng hoảng một cách dễ dàng.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 4

Hàng loạt tập đoàn lớn tuyên bố dừng quảng cáo để phản đối Facebook. Ảnh: The AIMN.

Trong vài tuần, McDonald đã giảm ngân sách quảng cáo 1,02 triệu USD. Con số đó với Volkswagen là 1,64 triệu USD, và Verizon là 2,14 triệu USD. Dù vậy, Facebook vẫn còn khoảng 9 triệu nhà quảng cáo khác, và con số của các tập đoàn chỉ chiếm phần nhỏ.

“Kết luận cuối cùng là chúng ta sẽ không thay đổi chính sách hoặc cách tiếp cận vì một mối lo ngại rất nhỏ với doanh thu của chúng ta, hay với bất kỳ sự ảnh hưởng nào. Chúng ta sẽ tiếp tục làm những gì chúng ta nghĩ là đúng đắn, phục vụ cộng đồng tốt nhất trong tương lai”, Mark Zuckerberg chia sẻ với nhân viên Facebook trong một phiên hỏi đáp cuối tháng 6.

Đầu tháng 7, khi những cuộc phản đối quảng cáo vẫn đang tiếp tục, báo cáo về các nỗ lực bảo vệ quyền lợi người dùng của Facebook được công bố. Đây là báo cáo được thực hiện trong 2 năm liền, với kết luận cuối cùng không quá bất ngờ: bản báo cáo này kết luận các hành động của Facebook là "sự kéo lùi các quyền công dân".

Trước khi báo cáo được công bố, Facebook đã tổ chức cuộc họp nội bộ để nhận các câu hỏi của nhân viên. Cả Zuckerberg và Sandberg, 2 lãnh đạo hàng đầu của công ty, đều không xuất hiện trong cuộc họp. Nhiều nhân viên đồng ý với kết luận của báo cáo này, và không hài lòng với những lời bao biện của lãnh đạo Facebook.

“Tôi thấy họ đưa ra quá nhiều lý do thay vì bàn xem có thể đưa ra những thay đổi gì từ kết luận của bản báo cáo này”, một nhân viên Facebook nhận xét.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 5

Mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị phản đối. Ảnh: Reuters.

Mối quan hệ của Facebook với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây tranh cãi. Nhiều nhân viên cho rằng Facebook đang nương tay với các bài viết của ông Trump, và có thể gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm.

“Tôi nghĩ tôi là CEO lên tiếng phản đối tổng thống nhiều nhất trong nước”, Mark Zuckerberg thì nghĩ khác khi trả lời câu hỏi tại buổi họp ngày 16/7. CEO Facebook liệt kê ra các vấn đề như nhập cư, thay đổi khí hậu hay các phát ngôn kích động của ông Trump như ví dụ cho sự phản đối này.

Bị phản đối, Facebook vẫn tăng trưởng

Cuối tháng 7, Mark Zuckerberg cùng 3 CEO công nghệ khác xuất hiện trước Hạ viện Mỹ để điều trần về các hành vi độc quyền. Tuy nhiên, ngoài một phần hỏi về thương vụ mua lại Instagram, Mark Zuckerberg gần như không bị hỏi về độc quyền.

Ngay ngày hôm sau, Facebook công bố kết quả kinh doanh quý II. Dịch bệnh toàn cầu khiến cho công ty này tăng trưởng mạnh, với lượng người dùng tăng 14% lên 3,14 tỷ người. Doanh thu quảng cáo cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Facebook biết rõ có nhiều cơ hội phía trước chờ đợi họ. TikTok gặp nhiều vấn đề với chính quyền Mỹ, và sản phẩm cạnh tranh Reels của Facebook được giới thiệu ngay đầu tháng 8.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 6

Facebook nhìn thấy cơ hội khi TikTok bị cấm, và tung ra Reels, ứng dụng với chức năng tương tự. Ảnh: The Verge.

Dữ liệu cho thấy người dùng TikTok dành trung bình 80 phút mỗi ngày cho ứng dụng này. Trong cuộc chơi mạng xã hội, thời gian dành cho một ứng dụng đồng nghĩa thời gian mất đi của một ứng dụng khác. Đó là 80 phút mà Facebook thèm muốn.

Những chuyên gia dữ liệu của Facebook biết điều gì sẽ chờ đợi họ nếu TikTok bị cấm ở Mỹ. Cuối tháng 6, TikTok bị cấm tại Ấn Độ, và dữ liệu cho thấy thời gian sử dụng các sản phẩm của Facebook tăng vọt. Lượng người dùng Instagram thường xuyên tăng 9%, thời gian dùng tăng 19%.

Dù khẳng định không muốn TikTok bị cấm, Zuckerberg hẳn cũng hiểu rõ cơ hội dành cho Facebook khi ứng dụng của ByteDance bị cấm tại Mỹ.

“Họ chỉ quan tâm đến các chỉ số”, một nhân viên Facebook chia sẻ với The Verge về định hướng của công ty.

Tháng 8 khép lại bằng bê bối nổ súng khiến 2 người biểu tình bị bắn chết ở Kenosha, Wisconsin. Vụ nổ súng được cho là bắt nguồn từ các bài viết kêu gọi biểu dương vũ khí trên nhóm Facebook.

Sau sự kiện, Facebook cho biết họ không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa vụ nổ súng với nhóm Kenosha Guard. Tuy nhiên, Facebook cũng cho biết trang của nhóm này và sự kiện đã bị xóa vì vi phạm quy định đối với các tổ chức vũ trang. Đại diện Facebook xin lỗi vì việc này đã được thực hiện quá muộn.

Tuy nhiên, bài điều tra của BuzzFeed cho thấy Facebook có thể đã nói dối. Trong bài viết của mình, BuzzFeed cho biết Facebook đã nhận tới 455 báo cáo từ người dùng về việc sự kiện và nội dung vi phạm quy định của trang web. Tuy nhiên, những người báo cáo chỉ nhận được phản hồi rằng nội dung không vi phạm quy định của Facebook.

Mark Zuckerberg bi phan doi anh 7

Vụ nổ súng ở Kenosha, bang Wisconsin là bê bối cuối cùng của Facebook trong mùa hè. Ảnh: AP.

Facebook sau đó thừa nhận sai lầm, cho rằng việc sự kiện không bị xóa là “lỗi vận hành”.

Mùa hè tại Facebook chỉ kéo dài 3 tháng, nhưng là đủ để các nhân viên nhận ra Mark Zuckerberg đang bất ổn thế nào khi cố gắng lèo lái con thuyền Facebook. Bị đặt ở giữa những luồng quan điểm trái ngược và cố gắng phục vụ những nền tảng với hơn 3 tỷ người dùng, CEO Facebook dường như chẳng thể làm hài lòng bất kỳ ai.

Dù nội bộ bất ổn, những chỉ số cho thấy Facebook đang tăng trưởng. Mark Zuckerberg thường xuyên bị chỉ trích, nhưng doanh số của Facebook lại tăng. Dưới góc nhìn dữ liệu, có lẽ là góc nhìn trung lập nhất, mùa hè vừa qua là một thành công của Facebook.

Theo Zing

Ông Trump muốn phá hủy 'kim bài miễn tử' của Facebook, Google

Ông Trump muốn phá hủy 'kim bài miễn tử' của Facebook, Google

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bàn bạc về số phận của Điều luật 230, tấm “kim bài miễn tử” của các hãng Internet như Facebook, Google.