Lược dịch bài viết thể hiện quan điểm của phóng viên Kara Swisher, New York Times.

Tôi có rất nhiều thứ để viết trong tuần này. Tuy nhiên, cuối cùng thứ tôi viết luôn quay lại Facebook. Luôn là Facebook.

Dường như tuần nào mạng xã hội này cũng được đưa lên các mặt báo, thường là với hình ảnh xấu, và cách xử lý thường gặp nhất của Facebook là từ chối trách nhiệm.

facebook bi tay chay anh 1

Dù nắm trong tay quyền lực lớn, CEO Facebook Mark Zuckerberg luôn chối bỏ trách nhiệm. 

Trước làn sóng phản đối, Mark Zuckerberg nói gì?

Mới tuần trước, hàng trăm nhà quảng cáo đã cùng tham gia sự kiện tẩy chay Facebook. CEO của họ, Mark Zuckerberg, đơn giản là nhún vai và nói với các nhân viên của mình rằng các khách hàng rồi sẽ phải quay lại nền tảng sớm thôi.

Trong lúc Mark Zuckerberg nói câu này, thì vị lãnh đạo đứng thứ hai tại Facebook, Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg được cho là đã phải chạy khắp nơi để thuyết phục những nhà quảng cáo quay lại nền tảng.

facebook bi tay chay anh 2

Những người đứng đầu phong trào tẩy chay SHFP "thất vọng" với buổi gặp mặt với lãnh đạo Facebook. Ảnh: The Verge.

Cặp đôi này cũng cố gắng thuyết phục các nhóm hoạt động vì quyền công dân, nhưng thất bại, thông qua Zoom.

Các nhóm hoạt động này chính là động lực thúc đẩy nhiều công ty lớn, như Unilever, dừng quảng cáo trên Facebook. Họ cũng đưa ra một bản danh sách 10 yêu cầu trong cuộc gặp với hai đại diện Facebook.

"Thất vọng" là cảm xúc của nhiều người tham gia cuộc gặp trực tuyến này. Nhóm những nhà hoạt động mong chờ một phản ứng xứng đáng đạt điểm 10 của Facebook, nhưng họ nhận được một nỗ lực chỉ đáng điểm 1.

Facebook cũng bị chấm điểm rất thấp trong một báo cáo khác vào tuần này, khi đơn vị kiểm soát độc lập mà họ thuê đã công bố báo cáo chỉ trích cách xử lý của Facebook với các nội dung thù hận. Bản báo cáo này kết luận các hành động của Facebook là "sự kéo lùi các quyền công dân".

Đó là một kết luận rất mạnh, và có lẽ là rất đúng. Điều đáng buồn là những kết luận trong bản báo cáo 89 trang đó không hề bất ngờ với những người thường chỉ trích Facebook. Những chỉ trích về phản ứng chậm chạp, chối bỏ trách nhiệm trước những nội dung thù hận đã luôn tồn tại.

Zuckerberg thì muốn bao biện bằng Tu chính án thứ nhất, dù anh ta luôn diễn giải văn bản này sai, và nói rằng mình không muốn trở thành "người phán xử sự thật". Dù vậy, Facebook được xây dựng và vận hành, hoàn toàn bằng ảnh hưởng của Mark, để trở thành một người phán xử.

CEO Facebook: quyền lực lớn nhưng chẳng phải chịu trách nhiệm

Với quyền lực của Mark Zuckerberg tại Facebook, công ty này chẳng cần tới một hội đồng quản trị. Đó là lý do nhiều thành viên của hội đồng này đã rời bỏ, và giờ đây mọi chỉ trích và yêu cầu nhận trách nhiệm đều thuộc về CEO của công ty.

Tôi vẫn cố gắng tìm một cách ví von những gì đang xảy ra với Facebook. CEO Salesforce, Marc Benioff, từng so sánh Facebook với một công ty thuốc lá. Nhiều người thì cho rằng Facebook giống như một công ty hóa chất, cứ thoải mái xả thải xuống dòng sông chính là xã hội của chúng ta.

Cuối cùng thì tôi cũng tìm được một phép so sánh hợp lý. Facebook giống như một cửa tiệm bán thịt. Họ không tự mổ thịt mà nhập sản phẩm từ các lò mổ. Một vài miếng thịt trong đó đã bị nhiễm khuẩn hoặc không ngon. Dù vậy, rất nhiều miếng thịt, như những phát ngôn thù địch, vẫn được bán ra mà không bị kiểm soát.

facebook bi tay chay anh 3

CEO Mark Zuckerberg gần như nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Facebook. 

Chủ cửa hàng có thể sẽ nói rằng mọi người có quyền ăn thịt ôi, và người bán hàng không nên là người chỉ ra đâu là thịt ngon, và đâu là thịt kém chất lượng. Về cơ bản, khách hàng sẽ chỉ biết được sự thật nếu như nó gây hại cho họ - trong ví dụ cửa hàng thịt, đó là khi họ bị ngộ độc.

Mark Zuckerberg đang phục vụ những miếng thịt ôi mà anh ta nói rằng mình không phải người mổ, dù anh ta chính là chủ cửa hàng bán ra những miếng thịt đó.

Đó là lý do tôi luôn cho rằng Mark Zuckerberg, cũng như những lãnh đạo khác của Facebook, không nên có quyền lực lớn như hiện nay nếu như họ chối bỏ trách nhiệm khi mọi việc tệ đi.

"Rất nhiều nhà hoạt động đã thất vọng, giận dữ sau nhiều năm yêu cầu công ty này làm tốt hơn để tránh những phân biệt đối xử, trong khi vẫn bảo vệ quyền tự do ngôn luận", bản báo cáo về Facebook kết luận.

Nói về bản báo cáo này, bà Sandberg vẫn cho rằng Facebook đang "ở điểm đầu của cuộc hành trình", và "đã thấy rõ còn một đoạn đường dài mới hoàn thành nhiệm vụ".

Có thật như vậy không? Sự thật là Zuckerberg đã nói với nhân viên của mình rằng cứ chờ đi, chẳng phải làm gì cả, và nhà quảng cáo sẽ quay lại.

Như mọi lần trước, Facebook lại khiến chúng ta mệt mỏi, và chúng ta vẫn đang chờ đợi sự lãnh đạo của CEO Mark Zuckerberg.

Theo Zing

Ấn Độ cấm TikTok, sự giả dối của Facebook bị phơi bày

Ấn Độ cấm TikTok, sự giả dối của Facebook bị phơi bày

CEO Facebook Mark Zuckerberg từng nói việc giám sát chặt ngành công nghệ Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thống trị. Nhưng vụ Ấn Độ cấm cửa TikTok cho thấy điều ngược lại.