Việt Nam là một trong 5 mỏ vàng của YouTube, ám chỉ sự tăng trưởng người xem ở 5 thị trường đều đạt hai chữ số mỗi năm. Đây là tiết lộ của công ty mẹ Google vào năm 2019.

Nhưng không phải đợi đến khi thị trường Việt Nam bùng nổ như bây giờ, những người làm nội dung mới nhảy vào cuộc chơi. Từ thuở sơ khai của YouTube, người Việt đã biết cách công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất nội dung để kiếm tiền trên mạng xã hội video này.

Nhà xưởng lớn YouTube

Bất kỳ nền tảng số kiếm ra tiền nào cũng có thể bị lạm dụng bởi một nhóm nhỏ người dùng và YouTube cũng không phải ngoại lệ. Không lâu sau khi mở đường kiếm tiền (monetization) vào năm 2007, YouTube đã đón chào một thế hệ các vlogger đầu tiên đầy tài năng của Việt Nam như Toàn Shinoda, Huyme hay JVevermind.

Cùng với đó, một nhóm nhỏ khác đã nhìn thấy cơ hội làm giàu trên mảnh đất YouTube. Đó cũng là lúc các thế hệ "công nhân" đầu tiên của nhà xưởng YouTube ra đời với kỹ năng sản xuất duy nhất: reup.

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'
Clip nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog đã bị chính chủ gỡ nhưng lại được reup hàng loạt trên rất nhiều kênh khác nhau

Reup là thuật ngữ ám chỉ nội dung được sản xuất bằng cách lấy lại của người khác, cắt ghép rồi tổng hợp để đăng lên kênh của bản thân nhằm mục đích kiếm tiền. Thế nhưng ở thuở sơ khai, khi YouTube chưa siết chặt chính sách nội dung, reup là một mỏ vàng kiếm tiền cho người Việt. Đó là bởi công việc cần làm chỉ đơn giản là lấy video của người khác đăng lên. 

Sau khoảng vài năm, cách thức này đã không còn hiệu quả khi YouTube mạnh tay tắt kiếm tiền những kênh reup như vậy của người Việt (thuật ngữ trong giới gọi là đợt bão). 

Đứng trước nguy cơ cao bị thất nghiệp, các "công nhân" của "xí nghiệp" YouTube tại Việt Nam loay hoay tìm nhiều hướng đi, và một trong số đó là cải tiến phương thức sản xuất. Reup ngày nay tinh vi và bài bản hơn rất nhiều, cộng kèm nhiều thủ thuật về SEO, backlink, subs chéo. ICTnews sẽ đề cập tới các thủ thuật này trong những bài viết sau.

Khi rác ngập tràn "nhà xưởng"

Trước khi nội dung rác là một phần không thể thiếu của YouTube, các công nhân cũng phải mày mò thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau để cuốn hút người xem mà lại an toàn, không vi phạm chính sách sử dụng.

Rất nhiều nội dung đã được thử nghiệm và khi đó, nội dung cho trẻ em được xem là mỏ vàng. Từ các loại phim hoạt hình có lồng tiếng hoặc phụ đề đến các video nhạy cảm gắn mác trẻ em. Đỉnh điểm là việc cơ quan chức năng Việt Nam xử phạt chủ kênh YouTube ‘Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life’ hồi năm 2017 vì phát tán clip gắn mác trẻ em nhưng có nội dung phản cảm, đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục. 

Cùng với sự nổi lên của các mạng lưới hợp tác với YouTube ở trong nước (gọi là các network), nội dung rác cho trẻ em giai đoạn này cũng dần thoái trào nhường chỗ cho các kênh về trẻ em có sự đầu tư chỉnh chu, chuyên nghiệp, mua bản quyền từ nước ngoài. 

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'
Nội dung ăn thức ăn sống phản văn hóa đang ngập tràn YouTube

Một loại nội dung rác khác mà vẫn tồn tại cho đến bây giờ là trào lưu thực hiện thử thách (challenge) và trò lừa gạt (prank), theo tiêu chí càng nguy hiểm càng cuốn hút người xem. Cho đến nay, thể loại này vẫn tồn tại ở Việt Nam với nhiều hình thức biến tướng gây phản cảm, đầu độc và gây hại cho người xem mà chưa có cách gì hiệu quả để dẹp bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, phản văn hóa nhất hiện nay phải là những kênh lấy chủ đề ẩm thực, sử dụng tư liệu là món ăn của đồng bào dân tộc nhưng nội dung hoàn toàn câu view, đem đến cách hiểu sai cho người xem. 

Các video dạng này thường tập trung vào việc ăn sống, ăn nội tạng động vật không hề qua sơ chế hoặc không sử dụng công thức tẩm ướp nào. Dù bị người xem vạch trần là hoàn toàn sai sự thật về cách ăn uống của đồng bào Tây Bắc nói riêng và đồng bào dân tộc trên cả nước nói chung, nhưng các video dạng này vẫn ngang nhiên tồn tại trên YouTube với cả triệu view.

"Nhà xưởng" đã được công nghiệp hóa

Xoay quanh câu chuyện về nội dung video rác và YouTuber nhảm hiện nay, các chuyên gia đều đồng tình rằng rất khó để dẹp bỏ vấn nạn này, cả trên thế giới lẫn Việt Nam. Một phần lớn trách nhiệm này thuộc về người xem, kế đó là trách nhiệm kiểm duyệt của YouTube, rồi mới đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Nhưng ngay cả khi người xem đóng vai trò là bộ lọc đầu tiên và tiên quyết loại bỏ video xấu độc (bằng cách report), clip rác liệu có thể biến mất khỏi YouTube? Câu trả lời nhiều khả năng là không. 

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'
Một xưởng cày view cho clip YouTube.

Sản xuất nội dung YouTube hiện nay đã trở thành một ngành công nghiệp hóa ở Việt Nam, với những ngành công nghiệp phụ trợ giúp cho clip rác hoành hành dễ hơn. Từ các lớp dạy làm YouTube cho đến dịch vụ chạy view, chạy like, chạy comment, dịch vụ kéo subs, gỡ tắt kiếm tiền… tất cả biến việc sản xuất nội dung bẩn cho YouTube thành một công việc màu mỡ, hái ra tiền. Dù trên thực tế, chỉ rất ít người làm nội dung sạch cho YouTube mới có thể sống được với nghề, chứ chưa nói đến làm nội dung bẩn. 

Bởi những dịch vụ như vậy không hề thiếu lừa đảo, nhưng khi cung cầu gặp nhau, người người vẫn đổ xô vào mua dịch vụ kiểu như vậy để đẩy nội dung rác lên đề xuất của YouTube. Ngay cả khi bị chặn, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để lách luật như reup đã nói ở trên.

YouTube, Facebook, Dailymotion, Patreon hay bất cứ nền tảng chia sẻ doanh thu kiếm ra tiền nào đều đã, đang và sẽ có sự tham gia của cộng đồng người Việt làm nội dung số. Nạn nội dung rác hoành hành môi trường số sẽ không thể chấm dứt một khi các nền tảng này vẫn có những chính sách kích cầu bằng thu nhập khủng, tạo ra ảo mộng đổi đời cho giới trẻ.

Phương Nguyễn 

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: Vì sao YouTube vẫn dung túng clip xấu độc?

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: Vì sao YouTube vẫn dung túng clip xấu độc?

Clip có nội dung xấu độc hại, video ‘rác’ tràn lan nhưng không bị kiểm soát chặt chẽ bởi YouTube 'được nhiều hơn mất' khi giữ lại những thứ vô bổ này.