Động thái này của chính phủ Hàn Quốc được đưa ra sau khi các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Mỹ đã chỉ trích ứng dụng này do liên quan đến cáo buộc xử lý sai thông tin cá nhân của người dùng.

Trong khi đó, một quan chức thuộc Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết cơ quan này đã hoàn thành một cuộc điều tra về TikTok do liên quan đến những cáo buộc gửi dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và không được sự đồng ý của các đại diện pháp lý của người dùng dưới 14 tuổi ở Hàn Quốc.

“Ngày 15/7 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp về việc có nên phạt TikTok hay không và kết quả sẽ được công bố cùng ngày”, một quan chức của Phòng xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân của KCC nói với tờ Korea Times.

{keywords}
Hàn Quốc ủng hộ Mỹ, Ấn Độ để trừng phạt TikTok

KCC đã điều tra TikTok về các cáo buộc xử lý sai dữ liệu cá nhân kể từ tháng 10 năm ngoái đồng thời yêu cầu chi nhánh TikTok tại Singapore cung cấp dữ liệu liên quan đến các vấn đề an ninh mạng và gần đây đã hoàn tất cuộc điều tra.

Tại Hàn Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ internet phải được sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp nếu nhà cung cấp muốn thu thập tên, địa chỉ email hoặc thông tin cá nhân khác của trẻ em theo Đạo luật Bảo vệ Thông tin cá nhân.

Theo Đạo luật Mạng thông tin truyền thông của Hàn Quốc, trong trường hợp KCC quyết định phạt tiền đối với TikTok thì ứng dụng này sẽ phải trả tiền phạt tối đa bằng 3% doanh thu hàng năm của đơn vị kinh doanh.

TikTok là một ứng dụng video ngắn đã được yêu thích trên toàn cầu với hơn 800 triệu người dùng hoạt động trên toàn thế giới. Nền tảng cho phép người dùng kể câu chuyện của chính họ trong các video ngắn kéo dài từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lượt để trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Tại Hàn Quốc, khoảng 3 triệu người dùng đang sử dụng ứng dụng video ngắn TikTok.

Tuy nhiên, ứng dụng chia sẻ video đã bị chỉ trích ở nhiều quốc gia vì sự quản lý yếu kém đối với dữ liệu cá nhân của người dùng. Ấn Độ cho biết gần đây họ đã cấm 59 ứng dụng và dịch vụ được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm cả TikTok. Sau cuộc xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, New Delhi đã ra lệnh cho các nhà khai thác viễn thông địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn truy cập các ứng dụng và dịch vụ vì lý do an ninh.

Do lo ngại về các nền tảng truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh mạng, chính phủ Mỹ cũng đang chuyển sang cấm TikTok vì nó có thể có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 2 năm 2019, ByteDance, nhà điều hành ứng dụng TikTok đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ phạt tiền 5,7 triệu USD vì vi phạm luật riêng tư của trẻ em do không nhận được sự đồng ý của cha mẹ trước khi thu thập dữ liệu cá nhân về trẻ em. Hải quân Mỹ cũng đã ra lệnh cấm TikTok từ các thiết bị di động do chính phủ cấp.

Hơn nữa, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết gần đây Mỹ đang xem xét lệnh cấm đối với các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc, đặc biệt là TikTok. Nhận xét của ông được đưa ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục về các vấn đề an ninh, thương mại và công nghệ quốc gia.

Phan Văn Hòa (theo Koreatimes)

Tổng thống Donald Trump sẽ có hành động cứng rắn với TikTok và WeChat

Tổng thống Donald Trump sẽ có hành động cứng rắn với TikTok và WeChat

Ngày 12/7, Cố vấn Thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ có hành động cứng rắn đối với các ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc.