Trước áp lực phải xử lý triệt để nội dung giả mạo trên mạng xã hội, Facebook vừa tiết lộ một giải pháp mới nhằm chống lại các thông tin bịa đặt hoặc sai sự thật trên nền tảng của hãng.

{keywords}

Hôm 3/8, Facebook tuyên bố sẽ sử dụng các thuật toán "học máy nâng cấp" để phát hiện và triệt phá tốt hơn các thông tin sai lệch, giả mạo trên trang. 

Theo mạng xã hội lớn nhất hành tinh, họ sẽ nhờ cậy các hệ thống kiểm tra sự thật đã có của bên thứ ba để xét duyệt lại các thông tin mà các thuật toán mới gắn cờ cảnh báo. Các báo báo cáo của những hệ thống này có thể được hiển thị phía dưới các tin tức bị gắn cờ trong một mục có tên gọi là "Related Articles" (Các tin bài liên quan).

Related Articles sẽ cung cấp cho người dùng một danh sách các đường liên kết đề xuất phản ánh những góc nhìn khác nhau. Về mặt kỹ thuật, tính năng này không có gì mới. Facebook đã bắt đầu công khai thử nghiệm tính năng này từ hồi tháng 4 năm nay, nhưng hiện mới chuẩn bị phát hành nó rộng rãi hơn ở Mỹ, Đức, Pháp và Hà Lan. Theo trang TechCrunch, đây là quốc gia Facebook đã có đối tác kiểm tra sự thật.

Facebook cho hay, mục tiêu của công ty với Related Articles và công nghệ học máy nâng cấp là nhằm mang đến cho người dùng nhiều thông tin bối cảnh hơn để họ làm căn cứ xác thực một bài viết xuất hiện trong bảng tin (News Feed) của mình. Facebook đang nhắm tới giúp người dùng có đánh giá tốt hơn về việc có nên tin vào bài viết nào đó tiềm ẩn nguy cơ giả mạo hoặc chia sẻ nó trên trang Facebook cá nhân hay không.

Tuy nhiên, Facebook vẫn từ chối tham gia vào việc xác thực thông tin. "Chúng tôi không muốn và cũng không phải là người phân định sự thật. Các hệ thống kiểm tra sự thật có thể cung cấp những manh mối giúp xác định bài viết hoặc thông tin đó là thật hay giả", Tessa Lyons, giám đốc phụ trách sản phẩm tích hợp trên News Feed của Facebook nói.

Giới phân tích nhận định, bằng giao trách nhiệm kiểm tra sự thật cho các nhân viên không thuộc công ty và dựa vào công nghệ học máy, Facebook hiện có thể dễ dàng đổ lỗi cho bên thứ ba hơn nếu xảy ra bất kỳ sai sót nào, ví dụ bài viết thể hiện quan điểm chính trị bị gắn cờ nhầm là tin giả mạo hay Facebook vô tình đề xuất các nội dung sai sự thật, bịa đặt.

Tuấn Anh (Theo Gizmodo)