“Fakespy” là loại mã độc trên nền tảng Android, từng được phát hiện từ năm 2017, nhắm đến người dùng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mới đây, một chiến dịch tấn công sử dụng mã độc FakeSpy vừa được các chuyên gia của hãng bảo mật Cybereason phát hiện ra. Khác với lần trước, giờ đây FakeSpy được phát tán trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả người dùng tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Loại mã độc FakeSpy mới bị phát hiện đã có nhiều sự nâng cấp hơn so với thế hệ cũ, với cách thức tấn công và lẩn tránh tinh vi hơn. Để phát tán mã độc FakeSpy, tin tặc sẽ gửi đến người dùng những tin nhắn giả mạo, thông báo cho họ về một kiện hàng bưu điện chưa gửi được và yêu cầu người dùng tải một ứng dụng về để biết thêm thông tin, kèm theo đó là đường link chứa ứng dụng độc hại.

Tin tặc Trung Quốc dùng tin nhắn SMS giả mạo để tấn công smartphone - 1

FakeSpy lừa người dùng cài ứng dụng độc hại bằng các tin nhắn giả mạo

Đặc biệt, các tin tặc còn tùy biến các tin nhắn giả mạo để phù hợp với người dùng tại những quốc gia khác nhau mà chúng đang nhắm đến, chẳng hạn với người dùng tại Anh sẽ được hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo của dịch vụ bưu điện Royal Mail, trong khi đó người dùng tại Mỹ sẽ được hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo của dịch vụ bưu điện Mỹ…

Sự giả mạo tinh vi này khiến nhiều người dùng không hoài nghi và tải ứng dụng về rồi cài đặt lên smartphone của mình mà không hay biết đó là mã độc.

Các ứng dụng giả mạo được xây dựng với giao diện giống như ứng dụng thật để người dùng không nghi ngờ gì, nhưng sẽ đòi hỏi những quyền có thể can thiệp vào hệ thống. Đây là những quyền mà các ứng dụng khác cũng thường yêu cầu nên người dùng thường không mấy bận tâm mà sẽ cấp quyền cho ứng dụng độc hại một cách nhanh chóng.

Một khi ứng dụng độc hại được cài lên thiết bị, FakeSpy có thể theo dõi smartphone và lấy cắp nhiều thông tin quan trọng trên đó, như tên thiết bị, số điện thoại, danh bạ liên lạc, theo dõi tin nhắn SMS, lấy cắp thông tin ngân hàng và cả các loại ví điện tử trên smartphone…

Đáng chú ý, FakeSpy có thể tự động gửi tin nhắn lừa đảo đến những người dùng khác có trong danh bạ của nạn nhân để lây lan và phát tán mã độc. Điều này cho thấy tin tặc không nhắm đến một mục tiêu nhất định mà mục đích là phát tán mã độc càng nhiều càng tốt để lấy cắp thông tin người dùng.

“Các tin tặc không nhắm đến một đối tượng và cá nhân cụ thể nào, mà sẽ phát tán mã độc càng nhiều càng tốt để chờ các nạn nhân mắc bẫy rồi lấy cắp thông tin của họ”, Assaf Dahan, trưởng nhóm nghiên cứu các mối đe dọa của Cybereason cho biết.

Sau khi tiến hành điều tra về mã độc FakeSpy mới, Cybereason cho biết một nhóm tin tặc Trung Quốc có tên “Roaming Mantis” là thủ phạm đứng sau loại mã độc này. Trước đây nhóm tin tặc này thường nhắm đến người dùng tại khu vực châu Á, nhưng giờ đây đã mở rộng phạm vi tấn công ra toàn cầu.

Để tránh trở thành nạn nhân của mã độc FakeSpy, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng cần phải hết sức cẩn trọng với những tin nhắn lạ, đặc biệt những tin nhắn với nội dung yêu cầu người dùng truy cập vào trang web hoặc tải các ứng dụng để xem thêm thông tin, bởi lẽ nhiều khả năng đây là các tin nhắn lừa đảo.

Trong trường hợp cần phải mở các trang web trong tin nhắn, người dùng cần phải kiểm tra kỹ xem đó có phải là trang web thật hay không, có bị sai chính tả trong nội dung tin nhắn hoặc địa chỉ trang web hay không. Chẳng hạn, với các tin nhắn được gửi đến từ cơ quan nhà nước, các địa chỉ trang web nhất thiết phải là tên miền của quốc gia đó (chẳng hạn tên miền .vn của Việt Nam), còn nếu là những tên miền với phần mở rộng thông thường, nhiều khả năng đó là tin nhắn và trang web lừa đảo.

Theo Dantri/BGR/ZDnet

Hơn 1.000 dữ liệu bị hack, để lại tiếng mèo kêu

Hơn 1.000 dữ liệu bị hack, để lại tiếng mèo kêu

Các cơ sở dữ liệu không bảo mật đã bị xóa sau cuộc tấn công "Meow".