Trong vòng 12 tháng qua, dư luận thế giới từng rúng động trước vụ hacker Nga bị tố can thiệp, làm náo loạn bầu cử Mỹ, lừa đảo bằng Gmail gây hại hàng triệu nạn nhân và gần đây nhất là sự tấn công quy mô lớn của mã độc tống tiền WannaCry.

{keywords}
Mã độc tống tiền WannaCry từng khiến hệ thống y tế công của Anh NHS điêu đứng và nhiều bệnh viện Anh phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn. Ảnh:BGR

Mặc dù một vụ tấn công mạng kiểu siêu bão Katrina hiện vẫn chưa càn quét bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ đó rất hiện hữu và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và tổn thất tài chính nặng nề.

Các chuyên gia của công ty bảo hiểm quốc tế Lloyds of London ước tính tổng thiệt hại của một vụ tấn công mạng toàn cầu vào khoảng 53 tỉ USD. Mức thiệt hại này tương đương tổn thất do một thiên tai lớn gây ra.

Trong một bối cảnh giả định của Lloyds, một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây lớn bị hacker tập kích và phát tán mã độc tới các khách hàng của họ. Mã độc sẽ ẩn giấu trong hệ thống khoảng một năm để tăng tối đa số lượng máy có thể truyền nhiễm đến trước khi kích hoạt tất cả cùng một lúc.

Tất nhiên sau đó, tổn thất sẽ tăng cao do mã độc lây lan diện rộng. Trong trường hợp tốt nhất, nếu các công ty có hệ thống sao lưu mạnh và một đội ngũ an ninh mạng tinh nhuệ, họ có thể giới hạn tổn thất ở mức 4,6 tỉ USD do các dữ liệu bị đánh cắp và mất thời gian sửa chữa hệ thống. Trong trường hợp tồi tệ nhất, tổn thất có thể lên tới 121 tỉ USD.

Những khuyến cáo trên được đưa ra nhằm cảnh báo mọi đối tượng sử dụng mạng, đặc biệt là các doanh nghiệp phải tăng cường những biện pháp bảo mật nhằm chống lại các loại mã độc, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) và phần mềm gián điệp công nghiệp.

Tuấn Anh (Theo BGR)