Hãng nhiên liệu Mỹ trả 5 triệu USD tiền chuộc cho hacker
Colonial Pipeline vận hành đường ống dẫn đầu lớn nhất Bờ Đông (Mỹ). (Ảnh: AJC)

Nguồn tin giấu tên xác nhận với NBC News rằng Colonial Pipeline đã trả gần 5 triệu USD tiền chuộc cho tin tặc. Không rõ giao dịch xảy ra khi nào. Trong một cuộc họp báo hôm 13/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Pskai khẳng định lập trường của chính phủ là không trả tiền chuộc vì có thể khuyến khích các băng nhóm tội phạm mạng tấn công nhiều hơn.

Vụ tấn công tuần trước của nhóm tin tặc DarkSide đã khiến Colonial Pipeline phải đóng cửa hơn 8,8 nghìn km đường ống nhiên liệu, dẫn đến gián đoạn gần một nửa chuỗi cung ứng dầu Bờ Đông và gây ra tình trạng thiếu gas tại Đông Nam.

Tấn công mã độc đòi tiền chuộc là phương pháp tấn công trong đó mã độc mã hóa các tập tin trên thiết bị hoặc mạng, khiến hệ thống không thể vận hành được. Các băng nhóm đứng sau thường đòi tiền chuộc để “thả” dữ liệu.

Các quan chức an ninh Nhà Trắng mô tả vụ tấn công này có động cơ tài chính, song không nói Colonial Pipeline có đồng ý trả tiền chuộc hay không. Theo Phó Cố vấn an ninh quốc gia về không gian mạng và công nghệ mới nổi Anne Neuberger, thông thường đây là quyết định của khu vực tư nhân. Nạn nhân của tấn công mạng đối mặt với tình thế khó khăn và họ muốn cân bằng giữa chi phí – lợi ích khi không còn lựa chọn nào khác ngoài trả tiền chuộc.

Trước đây, FBI đã cảnh báo các nạn nhân về việc trả tiền chuộc sẽ kích thích các hành động tấn công tương tự về sau.

Hồi đầu tuần, nhóm DarkSide tự nhận hành động của họ là “phi chính trị”, không liên quan tới chính phủ nào. “Mục tiêu của chúng tôi là kiếm tiền, không phải gây rắc rối cho xã hội. Từ hôm nay, chúng tôi sẽ kiểm tra mỗi công ty mà đối tác của chúng tôi muốn mã hóa để tránh thiệt hại cho cộng đồng trong tương lai”.

Hôm 12/5, Colonial Pipeline cho biết, đã khôi phục hoạt động, vài ngày sau khi đóng cửa toàn hệ thống. Công ty phải tạm thời đóng cửa dịch vụ ống dẫn để đề phòng.

Vụ tấn công Colonial Pipeline là ví dụ mới nhất cho thấy các băng nhóm tội phạm mạng đang khai thác lỗ hổng của Mỹ. Năm 2020, phần mềm của hãng công nghệ thông tin SolarWinds bị xâm phạm, giúp hacker truy cập được thông tin liên lạc và dữ liệu trong vài cơ quan chính phủ. Chủ tịch Microsoft Brad Smith gọi đây là “vụ tấn công tinh vi và quy mô nhất thế giới từng ghi nhận”. Hệ thống của Microsoft cũng bị ảnh hưởng bởi mã độc.

Du Lam (Theo CNBC)

Nhóm tin tặc lên tiếng sau vụ hack rúng động ngành năng lượng Mỹ

Nhóm tin tặc lên tiếng sau vụ hack rúng động ngành năng lượng Mỹ

Vụ tấn công mạng vào đơn vị vận hành hệ thống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, khiến các loại khí đốt như xăng tăng giá.