Các chính phủ và cả tội phạm công nghệ cao đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận dữ liệu cá nhân của người dùng trong các thiết bị của Apple khi không có sự đồng ý của họ. Tại hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển của hãng, Táo khuyết một lần nữa nhấn mạnh, xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục.

{keywords}

Phó chủ tịch cấp cao của Apple Craig Federighi trình bày về tính năng mã hóa đầu - cuối tại WDC 2016. Ảnh: CNET

Quyết tâm của Apple trong việc bảo mật dữ liệu cá nhân của khách hàng không có dấu hiệu giảm sút. Phát biểu tại buổi khai mạc sự kiện WWDC 2016 ở San Francisco, Mỹ, Phó chủ tịch cấp cao của Apple Craig Federighi nhấn mạnh: "Trong mọi tính năng mà chúng tôi tạo ra, chúng tôi đều cân nhắc cẩn thận cách bảo vệ quyền riêng tư của các bạn".

Theo ông Federighi, những nỗ lực nói trên bao gồm cả việc bảo đảm sự mã hóa đầu - cuối, một dịch vụ giúp dữ liệu của khách hàng luôn được bảo mật khi lưu thông trên Internet và ngay cả khi được lưu trữ trên các server của khách hàng. Tính năng này hiện được cài đặt mặc định trong các ứng dụng chạy trên các sản phẩm của Apple. Động thái này cho thấy Apple đã noi gương công ty cung cấp ứng dụng nhắn tin WhatsApp, chú trọng đến dạng mã hóa đặc biệt này. WhatsApp đã trang bị tính năng mã hóa đầu - cuối cho mọi dịch vụ nhắn tin của công ty từ hồi tháng 4.

Apple dường như luôn nhất quán trong việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Gần như trong cả mùa xuân vừa qua, hãng đã phải đấu tranh với Bộ Tư pháp Mỹ trước tòa sau khi từ chối giúp các điều tra viên của chính phủ bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone 5C mã hóa của kẻ khủng bố San Bernardino cũng như chiếc iPhone 5S của một trùm buôn bán ma túy ở Brooklyn, New York.

Các vụ tranh chấp pháp lý nói trên đều kết thúc khi chính quyền tìm được một giải pháp thay thế để truy cập thông tin trong điện thoại iPhone. Tuy nhiên, chúng đều mang tới cho Apple cơ hội được lên tiếng bảo vệ quan điểm duy trì tính năng mã hóa "bất khả xâm phạm" trên các thiết bị của mình.

Hồi đầu năm nay, trong khi các tranh chấp pháp lý vẫn đang diễn ra, Apple từng tuyên bố sẽ sản xuất thêm nhiều mẫu iPhone trang bị tính năng mã hóa toàn bộ thiết bị. Tại WWDC 2016, ông Federighi cũng mô tả cách Táo khuyết lên kế hoạch sử dụng khả năng học hỏi của máy để phân tích thói quen và sở thích của người dùng các sản phẩm của hãng. Điều này đòi hỏi sự cân bằng giữa công nghệ tối tân với các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, nhằm tránh sự tích trữ thông tin người dùng gắn chặt với từng cá nhân.

Tuấn Anh (Theo CNET)