Hai bài viết riêng rẽ trên các tờ báo uy tín tố cáo Apple đã nuốt lời hứa lâu nay về việc bảo vệ thông tin của khách hàng và thay vào đó đã giúp các cơ quan tình báo theo dõi họ.

{keywords}
CEO Tim Cook tiết lộ, Apple đã giúp tình báo Anh chống lại các đe dọa khủng bố. Ảnh: BGR

Đã từ lâu, Apple luôn công khai quan điểm rằng, hãng coi sự bảo mật và quyền riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu. Việc CEO Tim Cook nhất quyết chống lại yêu cầu của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc chỉnh sửa phần mềm iOS, giúp các điều tra viên thâm nhập vào bên trong iPhone của nghi phạm khủng bố hồi đầu năm 2016 đã dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề mã hóa thiết bị. Song, nó đồng thời tái khẳng định quan điểm "trước sau như một" của Táo khuyết.

Tuy nhiên, mới đây, ông Cook thừa nhận, Apple đã giúp đỡ nhà chức trách Anh tiếp sau các đe dọa tấn công nước này của bọn khủng bố hồi tháng trước. Dù vị lãnh đạo Apple không nói rõ mức độ can thiệp kỹ thuật của hãng, nhưng điều đó làm dấy lên các lo ngại về việc Apple đã nuốt lời và đang giúp các cơ quan tình báo theo dõi người dùng trên quy mô lớn.

"Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Anh, không chỉ trong việc thực thi pháp luật mà còn trong một số vụ tấn công. Tôi không thể nói chi tiết về diều đó. Nhưng trong những trường hợp chúng tôi có thông tin và họ đang thực hiện quá trình hợp pháp, chúng tôi không chỉ giao nộp chúng (thông tin) mà còn làm việc đó ngay lập tức", ông Cook cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Bloomberg.

Ông khẳng định, Apple không phá vỡ quá trình mã hóa, mà thay vào đó sử dụng các thông tin "siêu dữ liệu" (metadata, dạng thông tin mô tả nội dung của cơ sở dữ liệu). Do đó, Apple có thể đã tiết lộ cho tình báo Anh biết ai đang trò chuyện với ai hay họ đang ở đâu mà không cần cung cấp các nội dung đã mã hóa.

Theo một bài viết riêng rẽ khác của nhà báo Kory Grow về buổi hòa nhạc từ thiện OneLove Manchester mới đây trên tạp chí Rolling Stone, nhà chức trách Anh dường như đã có hành động thích hợp vài phút sau khi ông viết ghi chú về sự kiện và lưu nó trên tài khoản iCloud cá nhân.

"Tôi đã viết vào ứng dụng Apple Notes: 'Trực thăng đang quần liệng ở trên đầu' nhằm nhắc mình chú ý đến việc những người hâm mộ đang bị theo dõi. Ngay sau đó, hai cảnh sát ngăn tôi lại, rồi hỏi tôi đi cùng với ai và liệu tôi có viết gì đó về một chiếc trực thăng trong điện thoại của mình hay không. Họ không giải thích công nghệ nào giúp họ có thể đọc được ghi chú của tôi trong Apple Notes. Sau những lời trao đổi thân thiện, họ xem lướt qua túi xách của tôi, kiểm tra căn cước, danh thiếp cá nhân và quyết định tôi không phải là mối đe dọa. 'Anh phải hiểu, căng thẳng đang tăng cao', một trong hai cảnh sát vừa cười, vừa nói với tôi. Viên cảnh sát bắt tay và cho phép tôi đi qua cổng", trích đoạn tường thuật của cây bút Grow.

Nếu những điều ông Grow viết là sự thực, cảnh sát Anh dường như đã nhận được sự trợ giúp của Apple. Về mặt lý thuyết, hãng có thể tiếp cận các dữ liệu iCloud của người dùng và mật báo các nghi phạm cho nhà chức trách thông qua sự hỗ trợ của công nghệ học máy và trí thông minh nhân tạo tiên tiến.

Hồi giữa tháng 5, một công ty bảo mật của Nga từng phát hiện, các bản ghi Apple Notes dù đã bị chủ nhân xóa bỏ vẫn có khả năng phục hồi từ iCloud 30 ngày sau đó, khi chúng vẫn còn nằm trong thư mục "Xóa bỏ gần đây" (Recently Deleted).

Tuấn Anh - Phạm Thị Việt - Phạm Văn Thường (Theo BGR)