Nghị định 91/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực từ tháng 10 này. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng trong việc ngăn chặn thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Nghị định này đã và có tác dụng tới xã hội thế nào, trách nhiệm của các nhà mạng ra sao, cơ quan quản lý sẽ xử lý ra sao nếu người dùng vẫn nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác? Xung quanh vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

XEM VIDEO GÓC NHÌN THẲNG:

Phóng viên: Nghị định 91 đã đưa ra định nghĩa về thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác? Vậy cụ thể định nghĩa này có những điểm mới như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Lịch: Nghị định 91 ra đời là căn gốc và đưa ra khái niệm mới về tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư rác.

Trước đây, chúng ta định nghĩa tin nhắn rác và cuộc gọi rác là những tin nhắn và cuộc gọi mà người nhận không mong muốn. Một định nghĩa chung chung như vậy sẽ gây nhầm lẫn cho người dùng cũng như biện pháp để ngăn chặn nó. Ví dụ, nếu một lãnh đạo gửi cho nhân viên một tin nhắn và có thể nhân viên không mong muốn nhận tin nhắn này. Theo định nghĩa trước đây những tin nhắn đó có thể là tin nhắn rác, vi phạm quy định của pháp luật.

Trong Nghị định 91, chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế của Việt Nam để đưa ra định nghĩa tin nhắn rác là tin nhắn quảng cáo mà người nhận không mong muốn. Tức là tin nhắn mang tính quảng cáo, thương mại mà người nhận không mong muốn mới là tin rác.

Ngoài ra, tin nhắn rác còn được định nghĩa là những tin nhắn quấy rối, lừa đảo, khủng bố.

Với định nghĩa như vậy chúng ta sẽ thấy căn gốc của tin nhắn rác để dễ dàng xử lý hơn.

{keywords}
Ông Nguyễn Khắc Lịch:Bộ TT&TT sẽ chịu trách nhiệm xây dựng danh sách khách hàng không nhận quảng cáo". Ảnh: Lê Anh Dũng

Bên cạnh đó, Nghị định 91 còn định nghĩa về cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà người nhận không mong muốn. Trước đây, cuộc gọi rác chưa từng được định nghĩa tại văn bản quy phạm pháp luật nào.

Nghị định 91 cũng đề cập đến biện pháp bảo vệ người dùng. Vậy người dùng phải đăng ký đến từng công ty tiếp thị hay chỉ cần đăng ký một lần để không nhận tin nhắn quảng cáo? Và người dùng phải làm gì khi họ tiếp tục nhận được tin nhắn rác và cuộc gọi rác, thưa ông?

Trong Nghị định 91, có một điểm mới là Bộ TT&TT sẽ chịu trách nhiệm xây dựng danh sách khách hàng không nhận quảng cáo (Do not call) được quy định trong điều 7. Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế mà chúng ta đã học ở Anh, Singgapore, Úc, Mỹ.

Người dùng khi đăng ký không nhận tin nhắn quảng cáo qua đầu số 5656 chỉ cần đăng ký một lần chứ không phải đăng ký nhiều lần với từng công ty quảng cáo. Đây là biện pháp để bảo vệ người dân nếu không muốn nhận bất kỳ một tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo nào.

Có 2 cách bảo vệ: thứ nhất là Nghị định 91 quy định các doanh nghiệp viễn thông di động phải xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán đến danh sách khách hàng đăng ký không nhận quảng cáo; thứ hai là biện pháp quản lý, nếu ai gửi tin nhắn quảng cáo vào danh sách người đăng ký không nhận tin nhắn quảng cáo sẽ bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng. Đây là hình thức răn đe rất mạnh. Tất nhiên muốn chặn tin nhắn rác là sự tổng hợp của nhiều biện pháp.

Tôi cho rằng nghị định này khi đi vào cuộc sống sẽ có tác dụng bảo vệ người dân.

Ngoài tổng đài 5656, Cục An toàn thông tin có biện pháp nào bảo vệ người dùng trước tin nhắn rác, cuộc gọi rác hay không?

Đầu số 5656 chỉ là hệ thống tiếp nhận khi người dùng nhận được tin nhắn rác thì sẽ phản ánh lên đó. Ai không muốn nhận tin nhắn quảng cáo cũng đăng ký qua đầu số 5656.

Đầu số 5656 là dữ liệu đầu vào để cho các hệ thống kỹ thuật của nhà mạng ứng dụng AI, Big data ngăn chặn tin nhắn rác tốt hơn. Với biện pháp quản lý mạnh nâng cao mức xử phạt, chúng ta sẽ tăng quảng cáo hợp pháp, đúng nhu cầu.

Tôi muốn cung cấp thêm thông tin cho người dùng, nếu như trước đây người quảng cáo có thể dùng số điện thoại bất kỳ để nhắn tin, gọi điện. Nhưng theo Nghị định 91, ai muốn nhắn tin, gọi điện quảng cáo phải đăng ký tên định danh và không được dùng số điện thoại thông thường để quảng cáo. Như vậy, người dùng dễ dàng nhận ra được tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo khi có tên định danh.

{keywords}
Ông Nguyễn Khắc Lịch: "Trách nhiệm của nhà mạng và người quảng cáo được ghi rõ trong Nghị định 91". Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông, chế tài để xử phạt tin nhắn rác và cuộc gọi rác trong Nghị định 91 đã đảm bảo tính răn đe hay chưa? Trách nhiệm của nhà mạng trong vấn để chặn tin nhắn rác và cuộc gọi rác như thế nào?

Hiện nay, chế tài xử phạt trong Nghị định 91 đảm bảo tính răn đe các trường hợp phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã họp với Thanh tra Bộ TT&TT và thanh tra các địa phương để tìm ra những đối tượng phát tán tin nhắn rác và cuộc gọi rác để xử phạt.

Trách nhiệm của nhà mạng và người quảng cáo được ghi rõ trong nghị định này. Nhà mạng phải có biện pháp bảo vệ khách hàng.

Nếu trước đây, khi phát hiện tin nhắn rác thì nhà mạng chỉ tiến hành chặn thì Nghị định 91 cho phép nhà mạng khi phát hiện tin nhắn rác sẽ khóa SIM và thu hồi về kho số. Nếu nhà mạng không có các biện pháp theo đúng quy định cũng bị phạt. Để giảm thiểu tin nhắn rác, cuộc gọi rác chúng ta không chỉ quy định trách nhiệm của người quảng cáo, nhà mạng mà còn cả người sử dụng. Người sử dụng khi nhận được tin nhắn rác nên chuyển ngay đến đầu số 5656 của Cục An toàn thông tin.

Cảm ơn ông!

*************

Tổ chức sản xuất: Bình Minh - Mạnh Hưng; Biên tập: Thái Khang; MC: Như Quỳnh

Video: Đức Yên -Bạt Tuấn - Xuân Quý; Ảnh: Lê Anh Dũng