Các đối tác Nhật Bản mong muốn doanh nghiệp CNTT Việt sẽ thực hiện "12 kỳ vọng" để hai bên có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới, từ năng lực quản trị cho đến đảm bảo nguồn nhân lực.

Đáng chú ý trong số 12 kỳ vọng này là các yêu cầu về nâng cao chất lượng, năng lực quản trị, năng lực kỹ thuật, tăng thêm số lượng nhân sự có khả năng làm việc onsite, phát triển hơn nữa khả năng giao tiếp và tìm hiểu rõ văn hóa Nhật Bản.

{keywords}
Các DN Nhật đặt ra 12 kỳ vọng cho các đối tác Việt Nam.

Về phần mình, các doanh nghiệpViệt cũng kỳ vọng đối tác Nhật Bản: tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và nghiệp vụ cho các kỹ sư Việt Nam, chấp nhận kỹ sư cầu nối và tăng cường sử dụng tiếng Anh.

Đây là những nội dung "nóng" nhất trong phiên tọa đàm "Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản: Làm thế nào kết nối nhu cầu hợp tác của cả hai bên" trong khuôn khổ chương trình Vietnam IT Day vừa được VINASA tổ chức tại Nhật Bản.

Một tọa đàm khác với chủ đề "Hợp tác CNTT Việt - Nhật trong phát triển nguồn nhân lực" cũng hâm nóng cử tọa bằng một vấn đề được cho là nút thắt của ngành công nghệ hiện nay. Trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài làm việc tại Nhật, chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nỗ lực tìm cách hợp tác với các trường của Nhật Bản và Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này. Tiêu biểu như FPT Software với chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư CNTT nói tiếng Nhật, hay Rikkeisoft với mục tiêu 1000 kỹ sư CNTT phục vụ thị trường này. Việc đáp ứng nhu cầu rất lớn này của thị trường quan trọng này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực tối đa và phải có chương trình hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng. Nếu không, thị trường offshore sẽ ngày càng suy giảm và các công ty Nhật Bản sẽ tìm kiếm các thị trường khác thay thế, trong đó Myamar là một trong những quốc gia hấp dẫn.

Cả hai Tọa đàm này đều thuộc khuôn khổ "Hội thảo Hợp tác CNTT Việt-Nhật hướng tới TPP" diễn ra tại Tokyo (Nhật), thu hút trên 130 doanh nghiệp Nhật Bản tham dự. Tại đây, Vinasa đã chia sẻ nhiều thông tin về thị trường CNTT Việt Nam với sự tăng trưởng nhanh, mạnh, những ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ và tầm nhìn mới: coi CNTT là động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế xã hội; là nền tảng cơ sở hạ tầng quốc gia để phát triển kinh tế, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia; cùng ấn phẩm giới thiệu 40 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam bao gồm 16 doanh nghiệp đã tham dự Chương trình, với một lịch trình dày đặc trong 5 ngày tại 3 thành phố Tokyo, Osaka và Kyoto. Nhiều hoạt động đã diễn ra như Hội thảo hợp tác CNTT Việt – Nhật tại Tokyo, hội thảo hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp CNTT Osaka, thăm và làm việc với các hiệp hội phần mềm Nhật Bản (NSA), ICT Kyoto và các doanh nghiệp CNTT tại Kyoto, Hiệp hội công nghiệp hệ thống thông tin vùng Kansai (KIA), các hoạt động giao lưu và thăm một số doanh nghiệp CNTT Nhật Bản.

T.C