Thực hiện những mẹo nhỏ cực kỳ đơn giản dưới đây có thể khiến chủ xe tiết kiệm "kha khá" tiền bảo dưỡng xe ô tô.

Đọc kỹ các hướng dẫn và lịch trình bảo dưỡng

Đa phần tài xế Việt thường bỏ qua những thông tin trong hướng dẫn sử dụng, hoặc không nắm chắc lịch trình bảo dưỡng xe ô tô. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh nghiệm về ô tô cho biết, việc đọc tờ hướng dẫn rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm trong việc vận hành xe, lãng phí nhiên liệu… Thêm nữa, việc nhớ lịch bảo dưỡng xe còn đảm bảo lợi ích của bạn khi nhận được các dịch vụ chăm sóc từ nhà sản xuất.

{keywords}

Đọc kỹ hướng dẫn và nắm chắc lịch bảo dưỡng giúp giảm bớt các chi phí phát sinh không đáng có

Kiểm tra các loại dầu nhớt trong xe

Một chiếc xe ô tô đảm bảo vận hành tốt cần khá nhiều dung dịch giúp bôi trơn, trợ lực. Bạn cần kiểm tra định kỳ các loại dung dịch này và thay thế khi cần thiết. Một số dung dịch trên xe cần kiểm tra bao gồm: dầu động cơ, dầu trợ lực, dầu phanh, nhớt… nhằm đảm bảo phát huy tốt nhất chức năng của chúng.

Theo những kỹ sư chuyên chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô, dầu động cơ nên được thay thế khi xe đạt quãng đường từ 5000 -8000 km hoặc trong vòng 3 – 6 tháng, tùy vào mỗi loại dầu sử dụng và điều kiện lái xe. Khi thay dầu, bạn cũng nên kiểm tra và thay mới bộ lọc dầu. Cả hai việc này đều không quá tốn kém, bạn có thể thực hiện tại nhà hoặc đến các trung tâm bảo dưỡng để thực hiện.

Thay bộ lọc gió

{keywords}

Lọc gió bám bẩn có thể khiến xe "ăn" nhiều xăng và ỳ hơn

Như đã đề cập ở trên, vệ sinh hoặc thay bộ lọc gió mới hoàn toàn có thể được chủ xe làm tại nhà, với chi phí không quá đắt đỏ. Nhưng công việc đơn giản này lại có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền bảo dưỡng xe, bởi lọc bụi hoạt động tốt sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và cải thiện khả năng tăng tốc của xe.

Thường xuyên kiểm tra má phanh

Theo thời gian sử dụng xe, má phanh là chi tiết dễ bị mòn nhất. Do vậy, chủ xe nên kiểm tra má phanh thường xuyên và thay thế nếu nó đã quá mỏng. Việc thay má phanh mới khá đơn giản và tốt rất ít chi phí so với việc bạn "cố đi" gây hỏng đĩa phanh hay rotor.

Đảo lốp

Lốp xe là phần chịu tác động trực tiếp của lực ma sát giữa đường và lốp. Theo thời gian, lốp sẽ diễn ra tình trạng mòn không đều, thông thường bánh trước thường bị mòn nhanh hơn bánh sau. Đảo lốp chính là biện pháp khắc phục tình trạng này. Việc đảo lốp được thực hiện rất đơn giản bằng cách chuyển lốp xe từ vị trí này sang một số vị trí khác nhất định. Các kỹ sư khuyên bạn nên thực hiện đảo lốp theo chu kỳ khoảng 2 lần trong một năm hoặc mỗi 9.500 - 12.000 km. Đảo lốp nên kết hợp với việc cân bằng lốp xe và kiểm tra các góc đặt bánh.

Đo áp suất lốp

Các chuyên gia về xe ô tô chỉ ra rằng, lốp “non hơi” chiếm khoảng 15% nguyên nhân gây giảm tuổi thọ lốp. Vì vậy, chủ xe nên kiểm tra áp suất lốp thường xuyên. Bạn có thể mua đồng hồ đo áp suất lốp tại các cửa hàng phụ tùng ô tô và tự kiểm tra tại nhà.

Khởi động xe từ từ

Khi khởi động xe, bạn cần tăng tốc từ từ và nhẹ nhàng điều khiển cho đến khi xe đạt đến nhiệt độ hoạt động phù hợp. Điều này sẽ giúp “giảm tải” cho động cơ khi nhiên liệu vẫn còn lạnh. Việc tăng tốc đột ngột sẽ gây hao mòn cho các chi tiết của bộ ly hợp trong động cơ.

Sử dụng phanh thường xuyên

Ngay cả với ô tô số tự động, người lái vẫn cần sử dụng phanh thường xuyên, đặc biệt khi đang xuống dốc. Việc này sẽ giúp xe cân bằng và đảm bảo an toàn hơn

Rửa xe thường xuyên

Nước mưa, bùn đất là kẻ thù số 1 của lớp sơn xe và nhiều chi tiết ngoại thất. Nếu không được làm sạch thường xuyên, các bộ phận chịu hỏng hóc đầu tiên có thể là dây phanh hay các chi tiết dưới gầm xe. Do vậy, chủ xe cần "tắm rửa" cho xế yêu của mình thường xuyên, đặc biệt nếu bạn đang sống tại vùng gần biển, hoặc sau khi đi mưa.

(Theo VTC News)