Trước thắc mắc của người dân, Bộ Công an vừa trả lời cụ thể về những trường hợp sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt và không bị xử phạt khi vượt đèn vàng.

Trả lời người dân trên Cổng thông tin Bộ Công an, Bộ Công an nêu rõ, Điểm c Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.

{keywords}

Rất nhiều người tham gia giao thông vô tư vượt đèn vàng (Ảnh: Báo Giao thông)


Tại Điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành, tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”; nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “Vạch dừng xe” thì sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe” khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Theo Bộ Công an, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016 ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể như sau:

- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm bị phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 và Điểm b Khoản 12 Điều 6 Nghị định số 46.

- Người điều khiển xe ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 1,2 - 2 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo Điểm a Khoản 5 Điều 5 và Điểm b Khoản 12 Điều 5 Nghị định số 46/2016.

- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng theo quy định tại Điểm g Khoản 4 Điều 7 và Điểm a Khoản 9 Điều 7 Nghị định số 46/2016.

- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm bị phạt tiền từ 60 - 80 nghìn đồng (Điểm h Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 46/2016).

- Người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm bị phạt tiền từ 50- 60 nghìn đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 và Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 46/2016.

Như đã phản ánh, kể từ ngày 1/8/2016 Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nâng mức xử phạt “vượt đèn vàng” bằng với mức phạt “vượt đèn đỏ” đã gây tranh cãi dữ dội trong dư luận.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân- Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an), về nguyên tắc theo luật, khi nhìn thấy đèn vàng thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch. “Trường hợp đã qua vạch mà đèn vàng thì tiếp tục đi tiếp qua ngã tư, không ai cấm cái đó cả nên nếu đánh đồng chỗ đó mà bảo bỏ đèn vàng để tránh chuyện húc đít nhau là không đúng. Có người bảo cứ đèn vàng là phải dừng là hiểu chưa đúng”- ông Quân nói.

Ông Quân khẳng định, về nguyên tắc đèn vàng phải giảm tốc độ, nhưng thói quen của người dân không chỉ vượt đèn đỏ mà đèn vàng cũng tăng tốc nên gây xung đột và dễ dẫn tới tai nạn.

(Theo Dân trí)