“Vấn đề cần thiết hiện nay là quản lý tốt các yếu tố rủi ro và tai biến môi trường, “căn bệnh” thường gặp trong cuộc chạy đua khai thác, sử dụng tiềm năng biển đảo.

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, một vùng lãnh hải rộng đến 1,278 triệu km2, hơn 3 nghìn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 2 quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa, hơn 20 kiểu hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới điển hình. Đây là những điều kiện hiếm có, vô cùng quý giá mà Việt Nam đã được thiên nhiên ban tặng. Với lợi thế này, biển đã đóng vai trò rất quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Theo các nhà khoa học biển, trên vùng biển rộng hơn l triệu của Việt Nam, có tới 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Ngoài dầu và khí, dưới đáy biển nước ta còn nhiều khoáng sản quý, có giá trị và tiềm năng phát triển kinh tế như: Than, sắt, titan, cát thủy tinh và các loại vật liệu xây dựng khác. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản nước ta thuộc vào loại phong phú trong khu vực.

{keywords}
Ảnh: TTXVN

Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ riêng về cá biển, các nhà sinh vật biển cho biết, đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó, trên 100 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3 - 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm.

Bên cạnh nguồn tài nguyên, với đặc điểm bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, mặt tiền hướng ra Biển Đông, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt để phát triển lĩnh vực giao thông, vận tải, du lịch trên biển và xây dựng các công trình đô thị ven biển.

Song, cùng với những tiềm năng làm tiền đề để mở ra một triển vọng tươi sáng cho kinh tế biển, các nhà khoa học đã chỉ ra những thách thức không nhỏ mà Việt Nam cũng như các nước xung quanh bờ Biển Đông đang phải đối mặt.

Tuy nhiên những bất cập trong công tác quản lý biển đã khiến chúng ta đứng trước nhiều khó khăn và thách thức cho công cuộc phát triển bền vững đất nước. Theo TSKH Nguyễn Tác An, Biển Đông là không gian chiến lược của Đông Nam Á và thế giới, vì thế, nó đã trở thành một trong bốn vùng biển “nhạy cảm” nhất. Trong đó, khủng hoảng môi trường sinh thái, an ninh chủ quyền đang ngày càng tăng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, gây mất ổn định và đe dọa sự phát triển, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài nguyên biển chủ yếu vẫn tập trung khai thác ở dạng vật chất, không tái tạo.Mức độ khai thác tăng nhanh quá mức, thiếu bền vững, khó kiểm soát.Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt.Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng.

Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta. Đặc biệt là việc đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển… gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển, làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển.

Trong bối cảnh hiện nay, Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển về kinh tế cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Theo các nhà khoa học biển, thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”.Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang trong bối cảnh buộc phải tiến ra biển để phát triển. Để đáp ứng với công cuộc hướng mạnh ra biển, chinh phục và khai thác nguồn tài nguyên lợi thế của biển, các quốc gia này cần hội đủ ba thế mạnh: Mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học biển và mạnh về thực lực quản lý tổng hợp biển.

Chiến lược biển Việt Nam ra đời năm 2007 và Luật Biển năm 2012 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc hướng ra biển để phát triển. Tuy nhiên, “Về cơ bản, chúng ta vẫn chưa xác lập một mô hình quản trị biển hiệu quả, hài hòa các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phương thức quản lý biển, hải đảo theo ngành hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, gây lãng phí nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường biển và hải đảo.”

Sự khai thác quá mức đã dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường biển và cạn kiệt tài nguyên. Theo TSKH Nguyễn Tác An, để đón nhận các cơ hội và giảm thiểu thách thức, Việt Nam cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển tổng hợp, có hàm lượng trí tuệ cao, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên từ biển nhằm bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn cho gần 90 triệu người dân Việt Nam.

“Vấn đề cần thiết hiện nay là quản lý tốt các yếu tố rủi ro và tai biến môi trường, “căn bệnh” thường gặp trong cuộc chạy đua khai thác, sử dụng tiềm năng biển đảo; tiếp tục phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản bền vững; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, phục vụ công cuộc mưu sinh của người dân vùng ven biển” - TSKH Nguyễn Tác An đề xuất.

Tiến sĩ An đề nghị, vấn đề cần hiểu hiện nay là phải quản trị biển chứ không phải chỉ quản lý biển. Tức, phải tạo ra kỷ cương để quản lý, thực hiện mọi vấn đề trên nền tảng kỹ cương đó. Như vậy mới tránh được hậu quả của việc tổ chức sử dụng, quản lý biển theo ý chí của một vài cá nhân. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo, đồng thời có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo.

Hải Đăng - Lan Hương