ASEAN và Trung Quốc sẽ chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. Giới phân tích coi đây là một bước tiến trong tiến trình giải quyết xung đột kéo dài 2 thập kỷ đối với Biển Đông.

{keywords}
Toàn cảnh ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50

Việc thông qua dự thảo khung COC được cho là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nhấn mạnh rằng bản dự thảo khung COC được coi như là một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như "cách hành xử của các nước trong khu vực".

Để đạt được sự khởi đầu tích cực này, các thành viên ASEAN đã nỗ lực cùng vượt qua rất nhiều khác biệt, để chọn cách thức tiếp cận đồng thuận phù hợp nhất. Đúng như những gì mà Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nhấn mạnh tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) – nơi dự thảo khung COC được thông qua.

Ông nói: "Trong phương cách đích thực của ASEAN, chúng ta có thể tranh luận về lợi ích quốc gia nhưng cùng lúc đó, vẫn ưu tiên lợi ích khu vực và hành xử như những người bạn để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề rất nhạy cảm. Phương cách dựa trên những nguyên tắc đối thoại, tham vấn, hợp tác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Cam kết với những nguyên tắc này là nền tảng cho hòa bình, ổn định và chia sẻ thịnh vượng trong Cộng đồng của chúng tôi”.

Đường dài phía trước

Ba tháng sau khi dự thảo khung COC được thông qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11, các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán xây dựng COC. Đây được xem là mốc quan trọng nhất của các nước ASEAN và Trung Quốc suốt 15 năm qua trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Bolivar cho biết có khả năng các cuộc đàm phán COC sẽ bắt đầu trong năm tới.

{keywords}
Học giả người Indonesia Shafiah F. Muhibat

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về một COC thực chất, hiệu quả vẫn luôn là tâm điểm tranh luận của giới học giả, nghiên cứu và xây dựng chính sách quốc tế, nhất là tính ràng buộc về mặt pháp lý, khả năng thực thi và quá trình đàm phán để đi đến thỏa thuận cuối cùng… Dù vậy, có một sự nhất trí cao là quá trình này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị của các bên liên quan.

Còn nhiều câu hỏi đặt ra khi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002 vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ sau hơn một thập niên nó được thông qua. Liệu COC có khác biệt so với DOC? Liệu đây có phải là chiến thuật “trì hoãn, kéo dài” khác của Trung Quốc? Liệu tính thống nhất sẽ giúp ASEAN có lợi thế trong đàm phán với Trung Quốc?

Học giả người Indonesia Shafiah F. Muhibat, hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore đánh giá, các bên đã đạt được một dự thảo khung COC nhưng chưa đạt được thêm tiến triển về nội dung của văn kiện. “Chúng ta có thể xem dự thảo là một thành công đặt dưới góc nhìn rằng cuối cùng đã có một điểm mà Trung Quốc và ASEAN có thể đồng ý với nhau. Nhưng nhìn chung vẫn chưa có điểm mới về nội dung, cơ bản vẫn là những gì đã được nêu ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông”, bà cho biết.

Theo Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Gregory Poling, các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông cần tạo dựng một vị thế mạnh mẽ trong đàm phán khi trao đổi về bộ quy tắc có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Bắc Kinh trong năm tới. Cụ thể Poling nhấn mạnh, Malaysai, Brunei, Việt Nam, Philippines cần nêu cụ thể những gì mong muốn có trong bộ quy tắc.

"Các nước Đông Nam Á có chủ quyền ở Biển Đông cần tự quyết định những gì họ mong muốn nêu ra ở COC. Những gì họ cho là các thỏa thuận hợp lý hay ít nhất là các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên hợp lý”, ông nói. Poling khẳng định, một COC tốt nhất là đặt ra các vấn đề cụ thể, chi tiết như địa lý, phi quân sự hay động thái hành xử nào bị cho là khiêu khích… những điều mà DOC 2002 không có được.

Giáo sư Robert Beckman, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Singapore có ý kiến tương tự. Theo ông, nếu như không tồn tại một điều khoản cụ thể về giải quyết xung đột trong COC, việc một bên có hành vi không tuân thủ thỏa thuận này sẽ không khác gì việc một nước không tuân thủ DOC hay Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Bảo Đức - Diệu Thúy