Đến năm 2020 Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển.

6 vấn đề cốt tử

Hội nghị lần thứ IV, Ban Chấp hành TW Đảng khóa 10 đã ban hành Nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh từ biển.

Tuy nhiên, cho đến giờ này chúng ta nhìn lại thì không ít vấn đề vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi, nhưng lại xuất hiện thêm nhiều vấn đề khác tác động trực tiếp và gián tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng theo mong muốn vươn ra biển lớn của Việt Nam - đất nước có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực Biển Đông.

Theo tinh thần của Chiến lược Biển này, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Bên cạnh mục tiêu chung này, chiến lược cũng đề ra khá nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2020, thí dụ:

- GDP đóng góp từ kinh tế biển đảo từ 53% đến 56%. Năm 2007 ban hành Nghị quyết này ta lấy con số năm 2005 kinh tế biển đồng bộ khoảng 43%-45%.

- Xây dựng được 15 khu kinh tế ven biển, hàng hải sẽ là ngành kinh tế đứng đầu; thứ hai đến dầu khí, thứ ba đến thủy sản và thứ tư đến du lịch.

- Mức sống của người dân ven biển tăng gấp 2,5 lần so với mức sống chung của những người dân không sống ở vùng ven biển và hải đảo.

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để xây dựng các khu du lịch biển theo hướng bền vững, Xanh không phải là điều dễ dàng.

Theo đó, có 6 vấn đề cốt tử sau, nếu chúng ta làm được thì nó sẽ có một nền kinh tế biển bền vững: vốn thiên nhiên biển phải được giữ gìn; cảnh quan biển phải được bảo vệ; đô thị ven biển xanh; môi trường biển và đại dương lành mạnh; tăng trưởng xanh lam; và phát triển năng lượng biển tái tạo.

Ông Chu Hồi phân tích, thứ nhất, tăng trưởng xanh, trong đó có kinh tế biển xanh. Kinh tế biển xanh sẽ là vấn đề phát triển lâu dài, vừa bền vững, có ‘của ăn của để’, vừa ít bị tác động từ bên ngoài. Các nguồn vốn tự nhiên, cảnh quan biển giá trị như vịnh Hạ Long,... phải giữ gìn. Do vậy, cần phải tái cơ cấu lại kinh tế biển theo hướng rà soát lại và ‘xanh hóa’ ngành dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch rồi những dịch vụ đi kèm.

Thứ hai, từ nay đến 2020 dầu khí vẫn phải là một ngành chủ đạo, tuy nhiên không chỉ dừng lại ở các lô trữ lượng vùng thềm lục địa ven bờ mà phải vươn xa hơn, xuống sâu hơn. Bên cạnh đó, hình thành nền công nghiệp đại dương, các hướng này đều phải công nghiệp hóa hết, kể cả du lịch, chứ không phải bóc lột thiên nhiên một chiều, mà không đầu tư.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo dự báo của Viện tài nguyên quốc tế, nếu chúng ta cứ phát triển kinh tế biển kiểu như thế này thì chỉ sau 2030 thì biển của chúng ta sẽ trở thành ‘thủy mạc’, thiếu tài nguyên.

Thứ ba, ra biển không thể bằng đội quân thuyền thúng.

Năng lượng từ biển

Năng lượng tái tạo là xu hướng thế giới đã nói trên. Báo cáo chung tại Hội nghị Đại dương toàn cầu lần thứ 5 tại Paris năm 2010 cho rằng sau 2030 thì 70% cơ cấu năng lượng đại dương sẽ thuộc về năng lượng gió. Năng lượng từ gió sẽ được thu rồi chuyển vào đất liền để bán.

Ông Chu Hồi kể, tại một hội thảo, trong giờ giải lao, có người nước ngoài gợi ý với ông thế này, “Việt Nam đã làm thủy điện, có một đường dây 500Kv, trong trường hợp cần thiết các nước láng giềng như Lào cần mua điện vẫn dẫn được. Thế thì Việt Nam chuẩn bị tiền đi, chúng tôi sẽ làm điện gió ngoài đại dương, thậm chí rất xa bờ Việt Nam. Việt Nam cần dùng, chúng tôi dẫn điện vào bán”.

Kể câu chuyện này để có thể thấy, tính từ năm đó (2010), công nghệ thế giới đã đi khá xa rồi.

Theo quan sát thực tế, hiện nay ở các đảo, chúng ta đã áp dụng năng lượng mặt trời, có thể giải quyết cục bộ ở đảo xa bờ. Nhưng nguồn năng lượng tái tạo ưu thế vẫn là năng lượng gió. Hiện nay Bạc Liêu, Ninh Thuận đã bắt đầu làm, và cho kết quả.

Tuy nhiên, theo ông Chu Hồi, việc ta chưa mặn mà vì nguồn năng lượng này đòi hỏi mức đầu tư lớn hơn với các loại năng lượng khác, cho nên giá thành rất cao.

Tuy nhiên, đầu tư vào kinh tế biển đòi hỏi phải đủ lớn và mạo hiểm hơn, nhưng sẽ cho hiệu quả lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi anh phải đánh đổi.

“Giá thành cao hơn một tí mà so kè theo kiểu nhìn trước mắt thì không thấy được hiệu quả lâu dài”, ông Chu Hồi kết luận.

Hải Đăng - Lan Hương