- Một trong những mục tiêu của chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2020 là một nửa cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vào năm 2015. Năm 2020, con số phấn đấu là 100% - theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa.

Đây là con số ông Hòa cập nhật với các đối tác quốc tế tại diễn đàn Quan hệ đối tác CCHC do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Việt Nam tổ chức sáng nay ở Hà Nội.

  Ông Đinh Duy Hòa: Cơ cấu một nửa công chức theo vị trí việc làm vào năm 2015 là khó nhưng phải làm
Đề cập chương trình CCHC giai đoạn 2011 - 2020 mới được Thủ tướng phê duyệt, ông Đinh Duy Hòa chia sẻ mục tiêu trên là "khó" trong khi những thảo luận xoay quanh việc cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, Luật cán bộ, công chức cũng như Luật viên chức đã xác định việc cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Do đó, "khó cũng phải triển khai, từ thí điểm đến nhân rộng".

UNDP hiện đang hỗ trợ việc thí điểm xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm tại Đà Nẵng, Bắc Ninh. Sau đó sẽ áp dụng tại các địa phương khác trên cả nước...

Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2020, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 80%, sự hài lòng của dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên 80%. Trên 80% công chức cấp xã ở đồng bằng, đô thị và trên 60% vùng miền núi, dân tộc đạt chuẩn. Theo ông Hòa, đây là những thách thức, khó khăn song có thể đạt được.

Đo mức hài lòng về giáo dục, y tế

Ông Hòa cũng cho hay, y tế, giáo dục sẽ là hai trọng điểm của chương trình cải cách chất lượng dịch vụ công trong thập niên tới, hai lĩnh vực dân sinh quan trọng mà ông Hòa ví nếu "buông", chú trọng theo đuổi lĩnh vực khác sẽ làm thụt lùi cải cách, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển con người.

Thực tiễn, trong khoảng một thập niên vừa qua, công tác CCHC chú trọng nhiều hơn vào chất lượng dịch vụ hành chính, chú trọng nhiều hơn vào các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa...

"Chất lượng dịch vụ công y tế chưa được coi trọng đúng múc. Nếu làm điều tra xã hội học, ý kiến của người dân đánh giá sự hài lòng về chất lượng dịch vụ công chắc chắn thấp. Tôi cho rằng, mức hài lòng hiện tại chỉ vào khoảng 15 - 25%" - ông Hòa cho hay thực tế trải nghiệm của chính ông và gia đình về dịch vụ y tế đầy "trục trặc, phiền hà".

Đại biểu dự diễn đàn Quan hệ đối tác CCHC sáng 8/12

Nếu đo chỉ tiêu trong giai đoạn ngắn hạn, tức đến 2015, Bộ Nội vụ cho hay sẽ phấn đấu để nâng chất lượng dịch vụ công y tế và giáo dục đạt sự hài lòng của hơn 65%. Như vậy, mỗi năm, hai ngành này có chỉ tiêu tăng chất lượng lên khoảng hơn 10%, mức ông Hòa cho là "khá khiêm tốn", có tính đến điều kiện ngân sách, cơ sở hạ tầng, vật chất.

Việc đặt ra chỉ tiêu, theo ông Hòa, là điều quan trọng, để xã hội giám sát. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và Giáo dục sẽ bắt tay xây dựng và đưa vào áp dụng bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ y tế và giáo dục công.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam dẫn Báo cáo phát triển con người của LHQ 2011 công bố mới đây cho rằng sẽ rất khó cho Việt Nam cạnh tranh hiệu quả nếu không cải thiện kết quả giáo dục và nâng cao trình độ kỹ năng đáng kể.

Báo cáo này khuyến nghị chính phủ cần xem xét chính sách xã hội hoá và tác động của nó tới chi tiêu cho sức khoẻ và giáo dục dành cho người dân, phân bổ công bằng hơn gánh nặng chi trả cho các dịch vụ xã hội.

Ông Jairo Acuna Alfaro - cố vấn UNDP Việt Nam dẫn một điều tra xã hội học ở 30 tỉnh, thành cho thấy khoảng 28% số người được hỏi cho biết phải đưa thêm tiền ngoài tiền lệ phí chính thức khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công lập.

Chưa có cải thiện đáng kể về tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến huyện, kể cả các tỉnh miền núi, chí phí khám chữa bệnh chưa hợp lý, thời gian chờ đợi còn lâu, chất lượng phòng khám còn kém... Trong khi đó, hạ tầng của các trường và chất lượng giáo viên nhìn chung được người dân đánh giá là tốt. Song, giáo viên vẫn ưu ái học sinh đi học thêm.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Thăng