- Sau một ca mổ đặc biệt, Trần Đông A cùng nhóm giáo sư đầu ngành được ông Sáu Dân mời đến nhà ở đường Trương Định chơi, chiếu phim Hong Kong cho cả nhóm xem.

Sau 2 năm đi học tập trung, 1977, ông Đông A trở lại ngay với ngành y, công tác tại bệnh viện Nhi Đồng.

Năng lực và sự dấn thân tạo ra những thành tích khiến ông được nể trọng, được đề bạt lên trưởng khoa không lâu sau đó.

GS Đông A nhớ, những năm đầu 1980, sau một ca cấp cứu đặc biệt, Đông A cùng nhóm giáo sư đầu ngành được ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), lãnh đạo TP.HCM lúc bấy giờ mời đến nhà ở đường Trương Định chơi, chiếu phim Hong Kong cho cả nhóm xem thư giãn.

Ông Sáu Dân sắp xếp để Đông A ngồi cạnh mình với lý do Đông A từng học ở Mỹ, biết tiếng Anh để dịch phim. Trong lòng ông lúc đó thầm thán phục ông Kiệt, bởi thực ra trong nhóm tập thể bác sĩ toàn giáo sư đầu ngành tham gia ca mổ, Đông A chức nhỏ nhất nhưng lại là người trực tiếp thực hiện. Sự thân mật, ưu tiên của ông Kiệt khiến Đông A hiểu ngầm đó là phần thưởng khuyến khích, động viên tinh thần, trân trọng mình.

{keywords}
GS Trần Đông A trong một ca mổ

Với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS Đông A có cảm xúc đặc biệt, như một người "truyền cảm hứng". "Tôi hỏi gì về chính trị, ông trả lời. Nhưng còn chuyên môn thì ông lắng nghe tôi".

Có những lúc ông trao đổi với nhà lãnh đạo về ý tưởng đổi mới y khoa ngoại nhi thành phố, trong đó mong muốn thành phố dành nguồn lực cho bệnh viện nhi nhiều hơn. Có lần ông Kiệt lắng nghe những kiến nghị của ông về đầu tư giường bệnh cho bệnh nhân nhi, ông đồng tình sẽ dành những gì tốt nhất cho các cháu với việc đưa ra chỉ tiêu đầu tư cho mỗi giường bệnh của hai bệnh viện Nhi Đồng (1&2) lúc đó.

"Tôi khoái lắm vì được lắng nghe mặc dù vai trò mình cũng bé thôi" - ông nói. Sau này, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tiến cử GS Đông A vào Đảng.

Khi ông Võ Văn Kiệt qua đời, trong một phát biểu cảm tưởng với báo chí ở tang lễ, GS Đông A nói, “chú Sáu Dân chính là người khơi mạch nguồn cho những người trí thức, biết sử dụng và tôn trọng họ để họ đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng sau 1975. Chính tôi đã từng có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài nhưng tôi vẫn quay về vì chúng tôi mắc nợ chú Sáu Dân nhiều, cho tới bây giờ.”

Kỳ tích phẫu thuật y khoa nhi dị biệt

Nhắc tới những cống hiến cho ngành y VN của GS Đông A không thể không nhắc tới ca mổ tách cặp song sinh dính nhau Việt - Đức năm 1988 mà ông là trưởng kíp kiêm phẫu thuật viên chính cùng gần 70 bác sĩ của VN và Nhật Bản. 

Đây có thể coi là đỉnh cao chuyên môn phẫu thuật của GS Đông A, thành công có một không hai trong lịch sử ngành y VN.

{keywords}
Ca mổ lịch sử tách rời cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 đánh dấu đỉnh cao chuyên môn phẫu thuật của GS Trần Đông A

Nhớ lại thời kỳ đó, GS Đông A nhắc đến không chỉ những khó khăn, thiếu thốn của ngành mà cả những áp lực về chính trị quốc tế của VN trong giai đoạn cuối trước khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận. Khi đó có một cam kết đảm bảo cho ca mổ tách Việt-Đức được tiến hành tại Mỹ như một "cái mẫu giúp bỏ cấm vận". Chỉ có điều không có đảm bảo nào dám chắc kịch bản thành công, giữ được mạng sống 2 đứa trẻ.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng khi đó đặt vào ông trọng trách cân nhắc khả năng tự mổ. Đông A không muốn đặt cược rủi ro mất một còn một, ông muốn tính "cố gắng có trang thiết bị thì mổ được".

Tuy nhiên khi ông Phạm Hùng vừa quyết xong thì mất đột ngột. Rồi trong cuộc họp báo quốc tế sau đó ở một thư viện, tất cả các nhà báo đều chất vấn ông về khả năng có mổ được không. Bác sỹ Đông A đã đưa ra phương án có thể thực hiện được nếu những điều kiện được đáp ứng.

Đại diện của Nhật Bản tại cuộc họp báo đã liệt kê những điều kiện, yêu cầu mà Đông A đưa ra. Cùng với gói viện trợ 15 triệu yên thông qua máy móc, trang thiết bị, Nhật Bản hỗ trợ các bác sĩ để cùng VN thực hiện ca mổ. Quyết định vậy nhưng không đơn giản.

{keywords}
Nguyễn Đức 25 năm sau ca mổ do GS Trần Đông A đứng phẫu thuật chính. Ảnh: Thanh Niên

Khổ nhất là sợ mất điện trong lúc mổ. Khi thiết bị viện trợ của Nhật gửi sang, bác sỹ Đông A thử máy móc mới thấy không ổn, cắm điện thấy máy chạy kêu như ve, sau tá hỏa nhận ra nguồn điện của bệnh viện chỉ có 80 V không đảm bảo. 

Ông vội fax sang đề nghị hỗ trợ ổn áp. Ngay hôm sau phía Nhật Bản gửi máy bay 20 chiếc ổn áp đến TP.HCM.

70 bác sĩ phải tập dượt mổ rất kỹ. Vợ GS Đông A, cô Lê Thị Minh Tâm lúc đó có tài làm búp bê vải theo kiểu Nhật, còn đến bệnh viện đo người Việt - Đức để làm búp bê mẫu phục vụ tập mổ. 

Búp bê được làm đúng kích cỡ, hình dạng Việt-Đức để tập dượt, nhờ thế mới hay không thể đưa bệnh nhân qua cửa phòng mổ vì quá khổ. Các bác sĩ phải cho đập cửa phòng rộng ra. Còn "phòng mổ thì bày không khác nào học tập trận đánh Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sa bàn" - GS Đông A hóm hỉnh kể.

{keywords}
GS Trần Đông A nhận danh hiệu Anh hùng lao động do Chủ tịch nước tặng năm 2008

Quyết định của Đông A và đội ngũ tập thể bác sĩ VN khi đó về việc "đứng mũi chịu sào" ca phẫu thuật phức tạp để lại bài học về niềm tin tái sinh cuộc sống cho đứa trẻ và bản lĩnh vượt khó mọi mặt.

Đến ghép gan, ghép tạng

Sau này, GS Trần Đông A và các cộng sự còn xác lập thêm đỉnh cao mới trong y khoa nhi về ghép gan, ghép tạng, đặc biệt ghép gan cho trẻ em nhỏ dưới 2 tuổi. Cũng nhờ thành công của ca mổ Việt - Đức, năm 1989, ông có cơ hội tham dự một hội nghị quốc tế ở nước ngoài.

Tại đây, ông làm quen với các chuyên gia quốc tế về ghép gan, bác sĩ Otte và Reding (Viện trưởng ĐH Saint-Luc, Bỉ) và âm thầm chuẩn bị cơ hội thực hiện tại bệnh viện Nhi đồng 2. Không chỉ duy trì kênh trao đổi thực hiện phẫu thuật với phía bạn, ông cũng gửi gắm học sinh sang học về gây mê, phẫu thuật, điều dưỡng.

{keywords}
GS Trần Đông A cùng đồng nghiệp người Bỉ Otte và Redding

Năm 2005, trong một dịp ra thăm đảo Cát Bà, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết chia sẻ với GS Đông A về kỳ vọng thành phố có một dấu ấn kỷ niệm 30 năm giải phóng. Lúc đó, GS Đông A nói ngay, đó là tiến hành ghép gan cho em bé dưới 2 tuổi. Lúc ấy những ca ghép gan cho trẻ dưới 2 tuổi trên thế giới chỉ có mấy trăm ca.

Bí thư Nguyễn Minh Triết ủng hộ, Chủ tịch TP Lê Thanh Hải đã giao nhiệm vụ luôn cho GS Đông A. Nhưng trang thiết bị gần như chưa có, kể cả con dao mổ siêu âm Cusa. Lãnh đạo TP đã ủng hộ chỉ định thầu để kịp đặt hàng các trang thiết bị cần thiết bên Mỹ. Đúng 4 tuần sau đặt hàng, toàn bộ thiết bị về đến TP.HCM.

Đầu tháng 12/2005, ca mổ ghép gan cho bệnh nhi dưới 2 tuổi lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Nhi đồng 2 do GS-BS Đông A và hai đồng nghiệp Bỉ Otte và Raymond Reding thực hiện. Hơn 60 chuyên gia, bác sĩ của các bệnh viện hỗ trợ.

Đó là ca ghép gan đầu tiên ở phía Nam (ca ghép gan thứ ba tại VN) và là ca cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tính đến lúc đó.

Đến nay, bệnh viện của ông đã thực hiện 8 ca, đang chuẩn bị cho 2 ca tiếp theo trong năm nay.

{keywords}
Ca ghép gan do BS-GS Trần Đông A và tập thể BS bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện mở ra kỷ nguyên mới của ngành ghép tạng Việt Nam

Trường hợp trẻ được ghép đầu tiên đến nay đã 12 tuổi. Theo GS Đông A, những ca ghép gan như vậy của thế giới cũng không nhiều. Bệnh viện thực hiện nhiều nhất ở Mỹ mới có 12 ca.

Sau khi rời chức Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, ông dành thời gian cho chương trình thành lập Trung tâm ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2, tham gia giảng dạy. 

Ông không mở phòng khám riêng. Các học trò luôn coi ông là “người bơm lửa” cho họ trong sự nghiệp y khoa của mình.

Xuân Linh

Tiếp: Từ búp bê vượt rào đổi mới đến cuộc dấn thân nghị trường