- Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng, nhưng liều lượng phải phụ thuộc sức khỏe con bệnh - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trải lòng trước UBTVQH về xử lý nợ xấu tại phiên chất vấn chiều 29/9.


Chỉ ra con số 47% nợ xấu vẫn chưa xử lý được, ĐB Đỗ Văn Đương điểm huyệt ngay vấn đề: "Có cần thiết phải có luật về mua bán nợ không? Vướng mắc thực hiện do năng lực thực hiện của VAMC hay vướng mắc trong mua bán nợ (vốn bán ra được rất nhỏ giọt chỉ khoảng hơn 1.500 tỷ đồng)? 

ĐB Phùng Văn Hùng đồng tình giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ cấp bách nhưng không lạc quan đến cuối 2015 có thể giải quyết cơ bản được. "Có phải ta bắt bệnh chưa chuẩn, kê thuốc chưa đúng, hoặc do cả hai do nợ xấu vẫn như cục máu đông, có giải quyết được không và khi nào"?

Ông Hùng nhắc đến thông tư 02 - được chuyên gia dự báo nếu áp dụng sẽ như trị liệu mạnh về nợ xấu ngân hàng -  nhưng bị hoãn áp dụng làm ông lo lắng "có phải ta chưa đánh giá đúng thực trạng nợ xấu? Cơ sở nào NHNN đưa ra và rút về thông tư 02"?

Đúng liều, đúng lúc

Cầm trên tay bản báo cáo 29 trang chỉ nói riêng về những khó khăn pháp lý của VAMC sau 1 năm hoạt động mà NHNN đã hoàn chỉnh để trình Chính phủ, qua đó kiến nghị QH xem xét, Thống đốc NHNN gần như "rút ruột" về VAMC và những trăn trở xử lý nợ xấu. Theo ông, đây là phần khó khăn nhất dù thực tiễn chứng tỏ VAMC là mô hình chấp nhận được.

Kinh nghiệm các nước cho thấy các VAMC đều có luật riêng để hoạt động nhưng để xây dựng luật riêng cho VAMC VN vào thời điểm hiện tại sẽ không đủ thời gian nên NHNN phải đi bằng 2 bước, kể cả tiến hành thực tế và xây dựng cơ chế. Trước mắt, NHNN đã rà soát tất cả văn bản có mâu thuẫn để điều chỉnh hợp lý hơn trong thời gian tới.

{keywords}
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Bên cạnh đó là năng lực tài chính, nhất là VAMC không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Theo ông Bình, từ 500.000 tỷ đồng nợ xấu ban đầu so với 86.000 tỷ đồng VAMC đã mua cho thấy năng lực của đơn vị này rất yếu kém. Dù Chính phủ mới đây đồng ý tăng thêm 2.000 tỷ đồng để gia tăng năng lực tài chính của VAMC nhưng so với 200.000 tỷ đồng cần xử lý năm tới lại là con số rất nhỏ bé.

Tuy nhiên, ông khẳng định, đến thời điểm này, do ngân sách cần sử dụng cho nhiều mục tiêu quan trọng nên ngành không nghĩ đến khả năng dùng vốn ngân sách mà kỳ vọng vào những tháo gỡ về cơ chế chính sách, pháp luật đặc thù cho VAMC, các công cụ tài chính...

Thống đốc NHNN thẳng thắn nêu nợ xấu có chiều hướng gia tăng vào các tháng trong năm do các ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ xấu vào những tháng cuối năm khi đã hạch toán được chi tiêu, trích lập nguồn dự phòng để xử lý nên tỷ lệ nợ xấu sẽ được giải quyết vào ngày 31/12 hàng năm.

Ngoài ra, vừa rồi áp dụng quyết định thông tư 02 và thông tư 04 là nâng tầm phân loại nợ chặt chẽ hơn theo quy định quốc tế nên nợ xấu cũng gia tăng hơn.

Cho đến tháng 7 VAMC đã mua được 24.000 tỷ đồng nhưng đến tháng này, số nợ mua đã đến 47.000 tỷ đồng và dự kiến cả năm mua 70.000 tỷ đồng. Cộng với 78.000 tỷ đồng quỹ trích lập, theo Thống đốc, việc xử lý nợ xấu sẽ khá căn cơ.

"Nợ xấu của toàn hệ thống hiện tại sẽ ở mức trên 3% một chút, còn báo cáo của HNNN là xung quanh mốc 6% trong năm nay" - ông đưa ra một vài con số phân tích.

Liên quan "liều thuốc mạnh" là thông tư 02, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng, nhưng đôi khi liều lượng thì biết phải sử dụng liều lượng gì, phải phụ thuộc sức khỏe con bệnh, đúng thuốc, đúng cách chữa rồi nhưng cho uống nhiều quá, tưởng chóng khỏi nhưng liều lượng cao quá, con bệnh không chết vì bệnh lại chết vì thuốc, trong khi thuốc ít cũng không đủ chữa bệnh".

Do đó, ông nhấn mạnh vấn đề là liều lượng và thông tư 02 là một định hướng, sẽ được áp dụng thực tiễn theo tinh thần "đúng liều, đúng lúc" và nợ xấu được xử lý trên tinh thần làm lành mạnh hóa, tiến dần áp dụng các thông lệ quốc tế.

Ông cũng khẳng định với nợ xấu không thể hốt hoảng, nhưng không thể chủ quan mà giữ độ bình tĩnh cần thiết để tìm giải pháp phù hợp.

Quyết định của tòa thì phải chấp hành

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh băn khoăn vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trong khi ĐB Trương Minh Hoàng đề cập việc thu hồi nợ, phát mãi tài sản để thu hồi xử lý nợ xấu khó khăn, trong đó đặc biệt xử lý để bán các tài sản thế chấp, đặc biệt tài sản nhà ở và quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế có những DN từng hoạt động tốt, đóng góp cho ngân sách, nay sa cơ lỡ vận không có chỗ ở khiến ông băn khoăn về xử lý nợ xấu phải đảm bảo nhân văn.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương phản ánh những năm trước ngân hàng cho vay khá dễ dàng nhưng giờ các ngân hàng cạnh tranh nhau số DN hoạt động tốt và ngại cho vay cho chính DN trước cho vay dễ. Trước việc nhiều DN có nhu cầu vay vốn chưa tiếp cận được trong khi ngân hàng thừa vốn để mua trái phiếu, tín phiếu, ông Cương chất vấn Thống đốc giải pháp tính toán kiểm soát vốn để không gây rủi ro, hài hòa các nhu cầu của các DN?

Thống đốc Bình kể ông từng nhận được một đề nghị gặp gỡ từ một cụ già. Do lời đề nghị quá tha thiết nên ông trân trọng và muốn biết có vấn đề gì. Cụ già trình bày con trai của cụ lấy sổ đỏ của cụ để thế chấp ngân hàng vay vốn, nay thất bát kinh doanh đã bỏ trốn. Ngân hàng đến siết nợ chính ngôi nhà mà ông và các cháu đang ở, nay cần Thống đốc giúp đỡ. Nhưng Thống đốc không thể giúp được cụ già vì quyết định của tòa án mọi công dân phải chấp hành. Ông đã ghi nhận lại đề nghị và chuyển cho chính quyền địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ cũng như kêu gọi các ngân hàng xã hội giúp đỡ xây dựng nhà tạm.

Còn cơ hội hạ lãi suất?

ĐB Bùi Đức Thụ đặt câu hỏi tình trạng dư cung hiện tại thì cơ hội hạ lãi suất khi cung lớn hơn cầu còn không? Làm gì để lập lại mặt bằng trên thị trường tín dụng? Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-14% có thể đạt vì cuối năm thường tăng trên 6%. Nhưng hàng tồn kho đang có xu hướng tăng thêm thì chỉ tiêu này có đảm bảo chất lượng tín dụng, không làm gia tăng nợ xấu không?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay: "Đầu nhiệm kỳ tôi cũng báo cáo với QH, với cách điều hành như này thì chưa cần chính sách gì đột biến thị trường chứng khoán cũng có khởi sắc nhưng không nhiều, cụ thể từ 300 điểm lên mốc hơn 600 điểm. Năm nay có thể kiểm soát lạm phát dưới 5%, đặt mục tiêu dưới 7% là vì Chính phủ phân tích nguy cơ để lạm phát quay trở lại vẫn còn nên rất lưu ý vấn đề kiềm chế lạm phát.

Quyết tâm kiềm chế lạm phát dưới 6%, dưới mức tăng trưởng 6-6,2% (2015). Nhưng hiện nay, chưa thể chắc chắn kiểm soát lạm phát thì việc giảm lãi suất, hiện còn duy nhất mức lãi suất trần 6 tháng là 6%. Nếu đưa mức lãi suất trần này xuống 5% thì kỳ vọng lạm phát của ta còn ở mức cao như vậy. Chính sách không ổn định sẽ tạo ra sự chấp chới và mất lòng tin của người dân. Vậy nên để mức 6,2% là phù hợp với hiệu quả của nền kinh tế".
 
Xuân Linh