- Việc bắt TGĐ công ty dược VN Pharma đặt ra 2 vấn đề của ngành dược: Kẽ hở trong cấp số đăng kí và chọn thuốc có giá thấp nhất để trúng thầu.

Chiều 25/9, UB Các vấn đề xã hội cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2014, dự toán 2015 của Bộ Y tế và kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của Bộ trưởng Y tế.

Hôm trước có số đăng kí, hôm sau đi đấu thầu

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (PGĐ Sở Y tế TP.HCM) quan tâm đến vấn đề thời sự vừa xảy ra ở công ty dược VN Pharma. Sự việc trên đặt ra 2 vấn đề thời sự: Thứ nhất là việc chọn giá thấp nhất để chấm trúng thầu, thứ hai là cấp số đăng kí thuốc có kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng.

{keywords}

ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: C.Quyên

Bà Lan phân tích: Đấu thầu thuốc có mục tiêu là chọn được thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý. Nhưng khi thực hiện thì thực chất vẫn quay về đấu giá, thuốc nào đã qua vòng kĩ thuật mà có giá thấp nhất sẽ trúng thầu.

Đây là kẽ hở cho một số công ty kinh doanh thuốc không đảm bảo chất lượng nhưng trúng thầu bằng mọi giá. Thuốc ngoại có thể có xuất xứ là thuốc Trung Quốc, Ấn Độ rồi “đội lốt”, giả thành thuốc của nước phát triển, từ đó thu lợi bất chính, xa hơn nữa là làm giả hồ sơ như vừa xảy ra như với công ty VN Pharma.

Còn với thuốc trong nước, chất lượng thuốc sẽ đi về đâu khi bản thân công ty trúng thầu không có nhà máy sản xuất mà thuê công ty khác để gia công?

Do đó, dù đồng tình cho rằng đấu thầu thuốc vừa qua đã giúp giảm chi phí nhưng bà Lan chưa đồng ý với đánh giá của Bộ Y tế cho rằng quá trình đấu thầu thuốc vừa qua đảm bảo chất lượng. Hiện cũng chưa có báo cáo nào của Cục Quản lý khám chữa bệnh về chất lượng các thuốc sử dụng trong điều trị.

“Có thuốc vừa có số đăng kí hôm trước thì hôm sau đã đi đấu thầu, chưa hề có mặt trên thị trường, đây là điều gây lo ngại. Theo đúng quy định thì giá rẻ nhất là tôi phải lấy. Có nhiều loại thuốc giá cực kì rẻ”, bà Lan thông tin.

Về cơ chế đăng kí thuốc, bà Lan cho biết thuốc do công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc ung thư chưa được cấp số đăng kí, mới được cấp giấy phép nhập khẩu.

Để được nhập chuyến phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trong khi đó tại Việt Nam năng lực cung ứng thuốc này vẫn đang được đảm bảo, nhu cầu không tăng đột biến, vậy tại sao phải cấp số nhập chuyến để dễ bị lợi dụng?

“Cần nhìn lại định hướng cấp số đăng kí thuốc, làm sao đảm bảo cạnh tranh trên thị trường nhưng phải hạn chế những thuốc VN đã sản xuất được hoặc những thuốc kém chất lượng” - bà Lan kiến nghị.

“Matiz không thể so Mercedes”

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn lý giải: trong quá trình đấu thầu các bệnh viện phải chấm điểm kĩ thuật, đạt tiêu chuẩn kĩ thuật rồi thì xem xét giá. Nếu thuốc kém chất lượng mà vẫn vượt qua vòng kĩ thuật thì phải xem lại quá trình chấm thầu.

Theo ông Tuấn, chất lượng có ngưỡng của nó. Ông ví von: Xe Matiz giá 300 triệu đồng không ai dám bảo không an toàn, vẫn được phép lăn bánh, nhưng không thể so với xe Mercedes giá 3 tỷ đồng được.

Theo những quy định mới nhất trong luật Đấu thầu, không phải mặt hàng nào cứ có giá thấp là dùng, lựa chọn thuốc có giá cao hơn không phải lúc nào cũng sai.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt bổ sung: Những quy định hiện hành đã ưu tiên hơn về mặt kĩ thuật của thuốc so với giá để đảm bảo không phải cứ rẻ là trúng thầu được. Sau khi đạt điểm kĩ thuật, giá trúng thầu của thuốc còn phải tham khảo dựa trên giá đánh giá tổng hợp.

Mổ từ thiện khiến 3 trẻ tử vong: Chậm ban hành văn bản

Liên quan đến chuyện mổ từ thiện ở Khánh Hòa khiến 3 trẻ tử vong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Trần Quý Tường cho biết Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh nhân đạo, tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế Khánh Hòa phối hợp các cơ quan liên quan để tìm ra nguyên nhân cũng như đơn vị phải chịu trách nhiệm.

“Sau khi các cháu mất rồi Bộ Y tế mới có văn bản hướng dẫn, như vậy có chậm trễ không? - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi. “Đúng là chậm về mặt ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì luật Khám chữa bệnh ban hành năm 2009 song đến 30/8 vừa rồi mới có thông tư. Nhưng trước đó đã có pháp lệnh hành nghề y tư nhân cũng như các thông tư khác” - ông Tường trả lời.

 

Liên quan đến chuyện công bố dịch (lấy ví dụ về dịch sởi vừa qua), ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB nói Bộ Y tế cần xem xét xem các quy định hiện hành có còn phù hợp không, vì quy định như hiện nay thì không bao giờ công bố được dịch!

Cẩm Quyên