- Luật sửa đổi cho phép người dân tiếp cận chi trả bảo hiểm y tế lợi hơn nhưng cũng khiến các bộ ngành lo lắng ảnh hưởng ngân sách nhà nước.

Thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tại phiên họp UBTVQH chiều 11/9, nhiều ý kiến đánh giá cao quy định sửa đổi có lợi cho dân như hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số từ 20% xuống 5%. Hay quy định quỹ BHYT sẽ chi trả tất cả trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, chỉ chi trả 1 số bệnh cho khám ngoại trú.

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại việc tăng chi trả BHYT sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, nếu thực hiện như dự thảo luật sửa đổi, dự kiến mức ngân sách gia tăng từ 8-10 ngàn tỉ đồng/năm.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Minh Thăng

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, ngân sách hiện hỗ trợ 45% cho tổng nguồn BHYT, tức trong tổng chi 35 ngàn tỉ đồng, ngân sách chi 15 ngàn tỉ đồng/năm. Nếu tăng thêm 10 ngàn tỉ không đơn giản. Đánh giá mức dư quỹ hơn 5 ngàn tỉ hiện nay mong manh, ông thiết tha đề nghị tính toán lại cụ thể trong đó tính tới lộ trình tăng dân số, thu nhập, thậm chí tỉ lệ nghèo có xu hướng tăng lên.

"Tôi ủng hộ tăng, con đường phải đi, nhưng phải có lộ trình. Nếu đi nhanh sẽ khó khăn. 2014 ngân sách bắt đầu khó khăn, không đơn giản" - ông Hiển phát biểu.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lo sức chịu đựng của quỹ BHYT vỡ nếu không tính toán chặt chẽ. Theo bà, trong bối cảnh khó khăn, quân đội, công an có thể chia sẻ (đối tượng đặc thù được hưởng BHYT) với xã hội, nhân dân trong chi trả BHYT đồng thời sàng lọc danh sách các loại bệnh được BHYT chi trả. "Hạnh phúc của chúng ta là đóng bảo hiểm nhưng không ốm. Cần tính toán nếu không chi nhiều quá ngân sách không chịu nổi" - bà phát biểu.

Dù ở phía cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trần tình quan điểm cá nhân muốn nghiên cứu lại mức hưởng đồng chi trả giữa Nhà nước và người dân. Bà cho hay, khi xem xét ký thông tư sàng lọc các loại bệnh được chi trả BHYT, bản thân bà đã dứt khoát không đồng ý đưa những loại bệnh không hợp lý như lác, cận thị, khám sức khỏe định kỳ... Bởi nếu bao hết cả những bệnh không quá phức tạp như vậy sẽ dẫn đến vỡ quỹ bảo hiểm.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lo ngại thực trạng nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động khiến nguồn thu bảo hiểm bị ảnh hưởng. Trong trường hợp lao động thất nghiệp, nhà nước sẽ phải đóng thay cho lao động, khiến ngân sách thêm gánh nặng. Hay luật quy định hợp đồng lao động từ 3 tháng trở xuống không phải đóng bảo hiểm nên có thực trạng doanh nghiệp chỉ ký với lao động hợp đồng 3 tháng/lần để né đóng bảo hiểm. Ông cũng cho rằng, cần rà soát lại nhóm đối tượng được Nhà nước đóng thay bảo hiểm có 12 đối tượng, chiếm không nhỏ chi trả của ngân sách.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích các nguồn thu, chuyển chi của BHYT với khẳng định không xảy ra khả năng vỡ ngân sách. Theo bà, tổng chi BHYT tăng nhưng đầu tư trực tiếp cho cơ sở y tế giảm dần, chuyển sang chi trực tiếp cho đối tượng BHYT. Bà khẳng định luật có lợi hơn cho dân, khuyến khích càng nhiều người dân tham gia đóng bảo hiểm, càng chia sẻ rủi ro bớt đi cho quỹ BHYT. Bên cạnh đó phải phân cấp về địa phương, nâng cấp cung ứng dịch vụ tốt hơn, đa dạng hóa mức chi trả hàng ngàn dịch vụ y tế....là cơ sở để thực hiện tăng chi BHYT.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không an tâm. Trong khi mức thu từ BHYT trực tiếp từ dân chưa cao, ông đề nghị cơ quan soạn thảo luật, cùng cơ quan thẩm tra tính toán cụ thể để ngân sách không bị đối diện nguy cơ vỡ.

Linh Thư