- Để đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, bên cạnh việc xác định vị trí việc làm, sẽ phải sửa đổi hệ thống chức danh công chức. Chế độ công chức hợp đồng cũng sẽ được thí điểm để xây dựng một nền công vụ năng động.

VietNamNet phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn xung quanh các đề án xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cải cách cơ chế quản lý công chức mà ngành nội vụ đang đẩy mạnh. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Cách làm cũ là không ai muốn làm mất lòng ai... Ảnh: Lê Anh Dũng

Cho ra khỏi đội hình

- Xác định vị trí việc làm nếu làm được sẽ cải tiến tất cả các vấn đề từ tuyển dụng, biên chế đến tiền lương..., nhưng lại đang triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

Nguyên nhân chính là những nhân tố mới xuất hiện thường hay gặp phải nhiều ngăn cản, bắt đầu từ tư duy chậm đổi mới, lối mòn suy nghĩ, quen cách làm cũ. Cần phải vượt qua sức ỳ về thói quen ban phát, cơ chế xin - cho, bốc thuốc, khi đánh giá thì không ai muốn làm mất lòng ai. Mặc dù luật pháp đã quy định, nhưng tư duy vẫn chậm thay đổi, nhận thức đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức chưa đồng đều, dẫn đến quyết tâm thực hiện chưa cao, việc triển khai ở các cấp còn chậm.

Đây là việc mới mà khó, động chạm đến lợi ích của nhiều người, nên phải quyết tâm. Việc này không chỉ là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là trách nhiệm của bản thân từng cán bộ, công chức, viên chức. Mọi người cũng phải thống nhất nhận thức được thì mới làm được, nói phải đi đôi với làm và làm là phải quyết tâm.

Sau hội nghị toàn quốc về xác định vị trí việc làm ngày 30/6, tất cả các bộ, ngành, địa phương sẽ phải đồng loạt triển khai xác định vị trí việc làm. Sắp tới Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chế độ công vụ, công chức sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để thống nhất kế hoạch triển khai.

- Vậy xác định vị trí việc làm sẽ động chạm đến những lợi ích nào?

Đương nhiên là lợi ích của những người không làm được việc, thiếu trách nhiệm, quen lười biếng, động chạm đến lợi ích của những người đến cơ quan chỉ để đọc báo, nghe đài, núp bóng nhà nước để sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; và cả những người đã không làm việc nhưng lại hay săm soi bắt lỗi những người làm việc.

Những người chăm chỉ, tận tuỵ làm việc sẽ rất nhiệt tình hưởng ứng với việc này, vì đó là căn cứ để đào thải, loại bỏ những người không làm việc ra khỏi đội ngũ. Việc đánh giá hàng năm sẽ căn cứ đúng vào bản mô tả công việc và khung năng lực. Những người nếu không làm được hai năm liên tiếp thì ra khỏi công vụ theo đúng luật Cán bộ, công chức.

- Nguyên tắc là đưa người không làm được việc ra khỏi hệ thống, nhưng ở cấp cơ sở, đó sẽ là việc giữa con người với nhau, liệu có vấn đề gì khó xử?

Đúng là mối quan hệ giữa con người với nhau, nhưng chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, phải chấp hành theo pháp luật. Ngoài ra, trách nhiệm người đứng đầu, người được giao thẩm quyền quản lý, họ phải làm được, không thì chính họ cũng đối mặt với quy luật đào thải.

Giờ đã đến lúc phải đẩy mạnh việc đề cao việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi công chức Có trách nhiệm mới tránh được những biểu hiện lười biếng, vô cảm, biết sai nhưng không dám nói...

Sẽ có công chức hợp đồng

- Có lo ngại của một số lãnh đạo ở địa phương cho rằng xác định vị trí việc làm sẽ đẻ thêm biên chế, cũng có ý kiến nhận định khi chất chưa đảm bảo thì phải lấy lượng để bù. Theo ông, làm thế nào để những ý kiến lo ngại này không cản trở hiệu quả của việc xác định vị trí việc làm?

Xác định vị trí việc làm không phải là để giảm hoặc tăng biên chế mà để tính toán số lượng biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Đây cũng không phải giải pháp duy nhất, mà là cơ sở và căn cứ để đưa ra những giải pháp khác. Xác định vị trí việc làm ít nhất cũng sẽ rành mạch được số lượng các vị trí, chắc chắn không thể có những vị trí ngồi chơi, không làm việc. Mỗi vị trí phải làm rõ các công việc phải làm và yêu cầu năng lực cần thiết phải có để thực hiện. Khi đó biên chế có thể tăng, có thể giảm, nhưng đó là số biên chế phù hợp để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

- Xác định vị trí việc làm cũng liên quan đến ngạch công chức. Theo ông, hệ thống ngạch hiện nay còn phù hợp với thực tiễn?

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế sau 20 năm thực hiện.

Chính phủ đang chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch. Vừa rồi thi nâng ngạch không ít công chức lãnh đạo, quản lý chưa đạt yêu cầu. Xu hướng sắp tới, công chức muốn thăng tiến, lên chức phải được bổ nhiệm vào một ngạch được quy định theo tiêu chuẩn. Ai chưa được giữ ngạch theo quy định thì phải thi nâng ngạch. Nếu đủ tiêu chuẩn mới được xem xét bổ nhiệm. Cần phải thực hiện thi trước cử sau, chứ không để tiếp diễn tình trạng lên chức rồi mới đi thi, không may trượt về lại khó làm việc.

- Cũng có phản ánh tình trạng công chức, viên chức tuyển vào quá dễ dàng, nhưng đưa ra quá khó khăn, ví dụ tăng số giáo viên để sử dụng hết ngân sách, hay số lượng cấp phó quá nhiều sau khi sáp nhập... Có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?

Tôi đã nói rồi. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo nâng cao chất lượng tuyển dụng và nâng ngạch. Đổi mới cơ chế đánh giá công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Với việc xác định vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức sẽ phải giải quyết thôi việc đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ. Và đó là các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Sắp tới sẽ nghiên cứu để xây dựng chế độ công chức hợp đồng để thực hiện thí điểm, tiến tới sửa luật Cán bộ, công chức, xây dựng một nền công vụ năng động: khi có nhiều việc thì ký hợp đồng vào làm công chức, khi hết việc thì chấm dứt hợp đồng. Việc này đã được đưa vào lộ trình và kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Chính phủ.

Chung Hoàng