- Hôm nay (12/6), hội nghị Thế giới bãi bỏ án tử hình lần 5 khai mạc tại Madrid, Tây Ban Nha. Quy tụ 1.500 đại biểu từ 90 nước, sự kiện do hiệp hội Cùng nhau bãi bỏ án tử hình (ECPM) tổ chức, với sự bảo trợ của 4 nước: Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Sĩ và Pháp.

>> Án tử hình không giúp thủ tiêu bạo lực

Phóng viên VietNamNet trò chuyện với Giám đốc ECPM Raphaël Chenuil-Hazan về sự kiện này:

Thưa ông, thông điệp của hội nghị lần này là gì khi trong số khách mời có các cựu tử tù và người người đoạt giải Nobel Hòa bình?

Đó là sức mạnh của chứng cớ.

Nobel Hòa bình là những hình mẫu của đạo đức và tinh thần quốc tế chống lại án tử hình. Tiếng nói của họ vượt ra ngoài mọi toan tính chính trị. Họ có trải nghiệm mạnh mẽ trong các cam kết về quyền con người, và đầu tiên trong những quyền ấy là quyền được sống.

{keywords}
Giám đốc ECPM Raphaël Chenuil-Hazan: Vòng luẩn quẩn của bạo lực là bạo lực

Những nhân chứng của án tử hình có thể tạo ra cảm nhận tốt hơn bất cứ ai về thực tế của hệ thống án phạt này. Nhân chứng Robert Curley có con trai năm tuổi bị hai người đàn ông giết hại hay Bud Welch mất cô con gái 23 tuổi trong vụ khủng bố đánh bom ở Oklahoma… Những nhân chứng ấy là sự ủng hộ mạnh mẽ việc bãi bỏ án tử hình, là tiếng nói biểu tượng cho hòa bình, phi bạo lực, là thông điệp sự trả thù sẽ không khiến con trai, con gái họ sống lại nhưng công lý vẫn là điều được mong đợi.

Các tiếng nói kêu gọi bãi bỏ án tử hình là lập luận mạnh mẽ nhất chống lại án phạt này. Trong 20 năm tại Mỹ, chúng tôi đã nhận dạng hơn 140 người vô tội bị giam giữ ở khu vực tử tù. Rất nhiều người giờ đây đang ở trong các nhà tù trên thế giới, khóc than vì vô tội, chờ đợi ngày phán quyết, một ngày nào đó, có thể là ngay ngày mai hay nhiều năm nữa.

Chúng tôi sẽ nỗ lực đánh thức lương tâm trong dư luận ở các quốc gia. Điều quan trọng là giải thích cho dư luận, đặc biệt là giới trẻ, về án tử hình.

Chúng tôi cũng mong đợi từ phương diện ngoại giao để thông qua một số điều ước quốc tế như một nghị quyết LHQ về hoãn thi hành án.

{keywords}
Diễu hành "Vì một thế giới không còn án tử hình" trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 4, năm 2010 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Hiền Anh


Một số nước sẽ tận dụng cơ hội để tiến hành các bước tiến đáng kể (ví dụ như có thể bãi bỏ án tử hình ở Cộng hòa Trung Phi, Benin và Mông Cổ). Có 105 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, 38 nước không áp dụng hình thức này hơn 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn áp dụng án tử hình trong 10 năm qua.

Nếu không có án tử hình, làm thế nào để trừng phạt những tội phạm nguy hiểm như giết người, cưỡng hiếp...?

Tới nay, có 2/3 các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình. Những nước ấy không có tỉ lệ tội phạm cao hơn các nước khác, thậm chí là ngược lại. Thật vậy, cái vòng luẩn quẩn của bạo lực là bạo lực. Làm sao bạn có thể cho thấy giết người là sai trái bằng cách giết một người khác?

Tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì án tử hình để chống lại tội phạm nguy hiểm thì đó không phải là vấn đề ngăn chặn tội phạm, mà chỉ là cách trả thù. Chúng ta muốn giết kẻ giết người. Trải nghiệm của 2/3 nhân loại cho thấy hoàn toàn có thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn này.

Hiền Anh (từ Madrid)