Ngày 27/2/2020, Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức Hội thảo thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo đièu hành của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Hội thảo có sự tham dự của các bộ, cơ quan ngang bộ và 11 địa phương lân cận Hà Nội tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về quản trị, chuẩn hóa, cung cấp dữ liệu mở phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ… nhằm thay đổi lề lối, phương thức giải quyết công việc dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu và dữ liệu mở.

Việt Nam đang quyết tâm hướng đến Chính phủ số, kinh tế số

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu, diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ.

"Nhận thức xu hướng và dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này. Thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

 

{keywords}
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng ứng dụng CNTT và cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành và gửi văn bản điện tử này thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019. Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng văn bản giấy.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 25/02/2020, đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần. Hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền.
 
Chính phủ cũng đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Hệ thống e-Cabinet đã giúp việc tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy. Hệ thống được tích hợp chức năng hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống e-Cabinet. Hệ thống đang được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường mạng.

Vẫn theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam các thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, với giá trị 500 triệu Yên. Thiết bị này được sản xuất ở Nhật để đảm bảo an toàn thông tin. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử là cơ hội cho Việt Nam phồn vinh

Phát biểu tại hội thảo, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Nhật Bản nhận thấy việc xây dựng Chính phủ điện tử có tính quyết định đến sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử. Nhật Bản đang chuẩn bị sản xuất các thiết bị cho Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại Nhật và có độ an toàn rất cao để hỗ trợ Việt Nam. Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản mong muốn Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội này để phát triển đất nước phồn vinh".

Chia sẻ tại hội thảo, Cố vấn Bộ nội vụ và Truyền thông của Nhật cho hay, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nên cần có những dịch vụ công phù hợp và Chính phủ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Bên cạnh những thành công thì Nhật Bản đã từng thất bại khi đưa ra dịch vụ mà người dân không sử dụng. Vì vậy, Việt Nam cần tránh những bài học thất bại của Nhật và làm thế nào để người dân tận dụng được các dịch vụ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ dịch vụ số, kỹ thuật số cho người dân cũng như những người yếu thế trong xã hội.

{keywords}
Các chuyên gia của Nhật Bản chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử.

Các chuyên gia của Nhật đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý dữ liệu dùng chung của các bộ ngành để giúp người dân tiếp cận dịch vụ công một cửa thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật cũng nhấn mạnh đến vai trò của CIO (Giám đốc công nghệ) của Chính phủ và các địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò CIO Chính phủ với vai trò thuyền trưởng có thể hỗ trợ, tư vấn cho các CIO của các bộ ngành và địa phương. Thế nhưng, tại Nhật, CIO Chính phủ lại được thuê ở bên ngoài để đảm bảo tính độc lập và khách quan.

Vân Anh