Ngày 6/12/2021, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech For Good Institute - TFGI), với sự hỗ trợ của Grab Việt Nam đã tổ chức Buổi tọa đàm “Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai.”

{keywords}
 

Theo báo cáo “Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á” của Viện TFGI, người dùng Internet của 6 nước lớn nhất khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam) sẽ tăng từ 400 triệu người vào năm 2020 lên 525 triệu người vào năm 2025, đưa khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về internet.

Nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính liên tục cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế và đổi mới sau đại dịch. Việt Nam là ví dụ điển hình của xu hướng này. Năm 2020, khi nền kinh tế toàn cầu và khu vực đều suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức 16% - cao nhất trong khu vực ASEAN (cùng với Indonesia), nền kinh tế số của Việt Nam đạt doanh thu 14 tỷ USD, ước tính chiếm khoảng 1% GDP của Việt Nam (theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company).

Tiến sỹ Ming Tan, Viện trưởng Viện TFGI cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia vào các nền tảng số, nhưng chúng ta vẫn chỉ đang ở những bước đầu tiên. Để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cần các giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh của Đông Nam Á.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế số có thể và phải giữ vai trò là động lực trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Việt Nam, cho phép người dùng cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam tiếp cận công nghệ, các dịch vụ mới và từ đó tăng cơ hội thu nhập. Đây còn được coi là động lực tăng trưởng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

{keywords}
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc phát biểu tại tọa đàm.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện cũng là Thành viên Ban Cố vấn Viện TFGI - cũng đã chia sẻ tại tọa đàm một số cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam hiện đang ở cùng điểm khởi đầu, tương đối tương đồng với các nước về kinh tế số nên có cơ hội để vượt lên. Nước ta cũng là thị trường lớn có tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới với cơ cấu dân số vàng, người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn.

Đặc biệt, theo ông Vũ Tiến Lộc, “Việt Nam hiện nằm trong khu vực kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của nền kinh tế số. Tuy nhiên, nguy cơ bị bỏ lại phía sau của rất nhiều bộ phận người dân sẽ lớn nếu như không có một chiến lược phát triển bao trùm về kinh tế số, không đưa kinh tế số trở thành điều gần gũi với người dân ở vùng nông thôn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hệ thống quy định của pháp luật về kinh tế số còn chưa phản ánh được thực tiễn của các hoạt động kinh tế số. Ngoài ra, nước ta vẫn còn đang thiếu nguồn lực lao động phục vụ cho nền kinh tế số”.

Tại tọa đàm, một số đề xuất và kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác công tư để tạo dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển nền tảng số tại Việt Nam đã được đề cập tại tọa đàm. Ví dụ như chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để tận dụng công nghệ số và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng.

{keywords}
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường phát biểu tại tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông - chia sẻ rằng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số nhấn mạnh nền tảng số là giải pháp đột phá. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định muốn chuyển đổi số nhanh phải dựa vào nền tảng số. Để tạo hành lang pháp lý cho kinh tế số phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Nguyễn Minh (tổng hợp)