- Thức ăn thừa, vỏ mì tôm, vỏ lon nước ngọt, mảnh phao hỏng, mảnh lưới, vỏ can thủng… tất cả được ném vào một “thùng rác” đặc biệt, là biển.

Năm 2017, tôi có thời gian sống và làm việc tại Hà Lan. Khi ở đây, trong nhà tôi thường có rất nhiều túi nylon. Lý do là bởi quen đi chợ tay không như ở Việt Nam nên cứ mỗi lần vào siêu thị tôi lại có thêm một chiếc túi. Nó là một thói quen tốn kém nếu tôi phải đi chợ hàng ngày.

Ở Hà Lan, túi nylon không phải là mặt hàng miễn phí trên kệ. Bạn phải trả ít nhất 15 cent (4.500 VNĐ) cho mỗi chiếc hoặc bạn phải tìm cách nhét toàn bộ đồ đã mua vào túi quần và túi áo.

Đây là lý do mà hầu hết mọi người đều mang túi mỗi khi đi chợ. Không chỉ ở Hà Lan, hầu hết các quốc gia châu Âu khác như Thụy Sĩ, Pháp hay Bỉ đều có các quy định để hạn chế tình trạng xả rác khó phân hủy như túi nylon ra môi trường.

Bằng nhiều biện pháp, chính phủ khuyến khích người dân sử dụng những vật liệu dễ phân hủy như túi giấy hoặc là tái sử dụng vỏ chai. Chẳng hạn, với mỗi chai bia sau khi sử dụng, nếu khách hàng mang vỏ chai ngược lại siêu thị, siêu thị sẽ trả lại cho khách 10 cent.

Tuy không phải là một số tiền lớn nhưng nó có ý nghĩa như một lời nhắc nhở, một sự động viên với mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường. Ngoài ra trong những nhà vệ sinh, giấy lau tay cũng ít được dùng hơn, thay vào đó là những cuộn giấy vải, thứ có thể tái sử dụng.

Việt Nam, giống như nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, túi nylon vẫn là một vấn đề chưa được đánh giá đúng mức. Chúng ta có thể tạt qua chợ, rồi rời đi với 8 chiếc túi nylon: Một đựng bó rau muống, một đựng hai trái dưa leo, một đựng vài trái cà chua, một đựng ít chuối xanh với rau thì là, một đựng ít thịt lợn, hai cho túi cá và một túi to cho… 7 chiếc kia. Sau đó chúng ta vứt tất cả chúng vào thùng rác ngay sau khi trở về nhà để chuẩn bị cho bữa tối.

Trong một báo cáo của Hiệp hội bảo tồn đại dương, Việt Nam xả ra biển khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và là một trong 5 nước xả rác thải nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới. Bốn quốc gia còn lại bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lượng rác nhựa thải ra từ 5 năm nước này nhiều tới mức, nó lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại.

Để hình dung về 1,8 triệu tấn rác, hãy làm một phép tính thế này: Nếu mỗi chiếc xe ô tô 4 chỗ thông thường có trọng lượng 1,5 tấn thì 1,8 triệu tấn tương đương với trọng lượng của 1,2 triệu chiếc xe. Nếu đem đặt 1,2 triệu chiếc xe này trên mặt đất sát nhau, nó sẽ trải dài trên một diện tích cỡ 5,2km2, tương đương với diện tích của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong suốt 5 năm làm việc trên khắp các vùng biển của Việt Nam, tôi đã gặp và làm việc cùng nhiều ngư dân. Trên những con tàu cá chưa đầy 10m chiều dài ấy, một thùng rác đúng nghĩa là điều xa xỉ.

Thức ăn thừa, vỏ mì tôm, vỏ lon nước ngọt, mảnh phao hỏng, mảnh lưới, vỏ can thủng… tất cả được ném vào một “thùng rác” đặc biệt, là biển.

Nhưng ngay cả thế thì ngư dân, những người trực tiếp làm việc trên biển và xả thải thẳng ra biển, không phải là lý do chính cho tình trạng rác thải đại dương. Bởi vì chúng ta hãy tiếp tục làm một phép tính sau.

Theo các con số mới nhất, Việt Nam hiện nay có khoảng 111.000 tàu cá. Nếu mỗi tàu cá trung bình thải ra khoảng 5 kg chất thải nhựa mỗi ngày thì trong suốt 365 ngày, những ngư dân cũng chỉ thải ra 202.575 tấn rác. 202.575 tấn rác so với con số 1,8 triệu tấn mới chỉ chiếm 1/9 tổng lượng rác. 

Bây giờ hãy tượng tượng, một ngày nào đó, vì cãi nhau với người yêu, bạn cho tất cả quà đã từng nhận vào trong một túi to, rồi ném xuống sông Tô Lịch, thì liệu túi quà sẽ còn ở đó vào ngày mai? Câu trả lời là không, túi quà ấy sẽ có một hành trình dài.

Trước tiên, theo dòng chảy, nó sẽ đi theo hướng đường Bưởi, qua Láng, vào Khương Đình, tới Kim Giang, sau đó ngoặt sang phía Đông Nam, rồi đổ ra sông Nhuệ. Từ Hà Nội, túi quà sẽ có một hành trình nữa qua Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, rồi qua Duy Tiên - Hà Nam, sau đó đổ vào sông Đáy.

Từ sông Đáy, nó tiếp tục hành trình xuôi về phía Nam, dồn về ngã ba sông Gián Khẩu thuộc thành phố Ninh Bình. Gần đến biển, túi quà theo dòng sông Đáy chuyển hướng từ Tây Bắc - Đông Nam sang Đông Bắc - Tây Nam rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đó là kịch bản cho một túi rác xuất phát từ Hà Nội để ra tới Biển Đông.

Nhưng đó là một kịch bản khả thi khi chúng ta có tới 112 cửa biển kéo dài từ Bắc chí Nam. 112 cửa biển chịu trách nhiệm về 8/9 tổng lượng rác xả ra biển. Phía sau 112 cửa biển ấy, là trách nhiệm của 90 triệu người dân Việt.

Rất nhiều kịch bản như thế có thể được dựng lên với điểm xuất phát khác nhau, từ một khu công nghiệp, một nhà hàng, hay là một hộ gia đình. Nó có thể là một túi đầy mảnh thủy tinh, chai lọ nhựa, ống hút, vỏ bánh kẹo, bông ngoáy tai, hay bao cao su. Những túi rác kiểu như thế, sau khi phân hủy một phần trong quá trình di chuyển, khi ra tới biển sẽ trở thành những thứ siêu nhỏ, có tên khoa học là hạt nhựa.

Những hạt nhựa này có thể trở thành thức ăn cho những con chim hải âu biển hay cho các loài cá. Bởi vì nhựa không chỉ có kích thức giống như thức ăn, nó còn có mùi và cảm giác giống thức ăn. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là chúng rất khó phân hủy.

Một số loại nhựa thậm chí còn có khả năng phản xạ âm thanh y hệt thức ăn và chúng đánh lừa được nhiều loại cá heo hay cá voi trên biển. Rất nhiều sinh vật biển khi chết, được tìm thấy với một bụng đầy nhựa. Nhưng ngay cả khi những con cá “chưa kịp” chết, chúng có thể bị đánh bắt, để rồi trở thành những món đặc sản trên những mâm cỗ thịnh soạn cho những thực khách thành thị.

Những ngày ở Hà Lan đã dạy cho tôi bài học về việc sử dụng túi nylon một cách tiết kiệm. Trong ngày cuối cùng ở đó, tôi đã phải suy nghĩ rất lâu rằng, tôi có nên trả lại căn phòng y như lúc tôi mới vào ở hay không. Nếu có tôi sẽ phải vứt toàn bộ số túi nylon mà tôi đã “sưu tập” được mỗi lần đi chợ.

Cuối cùng, mặc dù biết rằng, giữ lại những chiếc túi không phải là một cách cư xử lịch sự khi không trả lại căn phòng nguyên trạng ban đầu, tôi không cho phép mình bỏ chúng đi. Vì như thế nghĩa là tôi đã đặt thêm một gánh nặng, dù nhỏ, cho thế hệ tương lai.

Ngày Môi trường thế giới năm nay sẽ được tổ chức vào 5/6 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Đó không còn chỉ là chuyện của thế giới, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc sử dụng những chiếc túi nilon ở Việt Nam.

Nguyễn Vương, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển