Bình đẳng và không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam cũng như trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo quan sát, mặc dù quyền lợi của những người đồng tính, song tính, chuyển giới (“LGBT”) đang được luật pháp từng bước đảm bảo, song họ luôn mang theo những nỗi lo “thường trực”: liệu rằng sau khi được ban hành, luật có thực sự đi vào cuộc sống?

Trong thực tế, việc chuyển đổi giới tính vẫn còn là một vấn đề rất mới ở Việt Nam, xã hội vẫn còn nhạy cảm.

{keywords}
Chuyển đổi giới tính vẫn còn là một vấn đề rất mới ở Việt Nam, xã hội vẫn còn nhạy cảm. Ảnh minh họa.

Theo khảo sát của của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), có 3 nơi là gia đình, trường học và nơi làm việc là ba môi trường xảy ra nhiều sự phân biệt đối xử với cộng đồng người LGBT nhất.

Tương tự như ở gia đình, cử chỉ, điệu bộ, kiểu tóc cũng là yếu tố khiến người LGBT bị phân biệt và gây áp lực nhiều nhất. Hơn một nửa người được hỏi cho biết từng bị bạn bè bắt nạt, và gần một phần tư bị giáo viên, cán bộ nhà trường quấy rầy, bắt nạt bởi vì họ được coi là LGBT.

Gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn

Không những vậy, cứ bốn người LGBT thì có một người từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ các nhân viên y tế.

Ở những không gian công cộng càng phổ biến thì lại càng có tỷ lệ người LGBT trải qua phân biệt đối xử cao hơn: nhà vệ sinh (28.7%), phòng thay đồ, phòng tắm (25.0%), địa điểm giải trí (24.4%), nơi mua sắm (23.9%) hay nhà hàng, quán cà phê (21.9%).

Vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông 

Kể từ khi Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ điều cấm và phạt kết hôn cùng giới, mặc dù không thừa nhận hôn nhân cùng giới; Bộ luật Dân sự (sửa đổi) 2015 hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính, xã hội đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc thảo luận và bảo vệ quyền của cộng đồng “LGBT”.

{keywords}
Việc ngày càng nhiều các bài báo, bộ phim, thông tin tích cực, công bằng về cộng đồng LGBT đã giúp hóa giải định kiến, thay đổi quan niệm tiêu cực, qua đó giảm bớt kỳ thị và phân biệt đối xử với người LGBT. Ảnh minh họa.

Truyền thông đã tiếp sức trong việc nâng cao nhận thức xã hội Việt Nam về phân biệt đối xử với người LGBT. Việc ngày càng nhiều các bài báo, bộ phim, thông tin tích cực, công bằng về cộng đồng LGBT đã giúp hóa giải định kiến, thay đổi quan niệm tiêu cực, qua đó giảm bớt kỳ thị và phân biệt đối xử với người LGBT.

Trong một trả lời phỏng vấn, Th.S Lê Quang Bình, nguyên Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE đánh giá: “phương tiện truyền thông giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong xóa bỏ những định kiến của xã hội đối với người đồng tính. Việc thông tin chân thật, chính xác và khách quan về người đồng tính trên báo chí sẽ giúp cộng đồng biết, hiểu hơn về người đồng tính, giúp họ an tâm sống, học tập, làm việc đóng góp tích cực để xây dựng xã hội phát triển”.

{keywords}
Truyền thông có trách nhiệm góp phần xóa bỏ kỳ thị với cộng đồng LGBT

Ông Bình dẫn chứng, một thời gian dài, trên màn ảnh cả lớn và nhỏ, những bộ phim Việt về cộng đồng LGBT phần lớn đều có tạo hình hơi quá đà, với đặc điểm trăm lần như một: người đồng tính đi lại õng ẹo cứng đờ, không có trình độ, sống cuộc đời “bên lề” và đầy mặc cảm.

Gần đây, sau khi phim “Love, Simon” (đạo diễn Greg Berlanti) được trình chiếu ở Việt Nam đã khiến cộng đồng LGBT nức lòng. “Love, Simon” sở dĩ được chờ đợi là vì nó khác tất cả những tác phẩm về đề tài này từ trước tới nay. Tình yêu của người đồng tính đã định sẵn là bi kịch, thế nhưng “Love, Simon” lại chọn kết thúc có hậu. Câu chuyện tình yêu đồng tính tuổi mới lớn mang màu sắc “ngôn tình” được giới phê bình Hollywood đánh giá “như một ánh nắng ấm áp, giúp làm dịu đi những căng thẳng và áp lực, đồng thời mở ra cánh cửa mới, chân trời mới cho cộng đồng LGBT vẫn còn đang miệt mài đấu tranh cho bình đẳng và hạnh phúc”.

Đưa ra những dẫn chứng này để cho thấy, bên cạnh được bảo vệ bởi hành lang pháp luật, điều mà cộng đồng LGBT cần hơn lúc này là sự tiếp sức của truyền thông, nhằm tăng cường thông tin đúng đắn để xóa bớt mặc cảm, định kiến về họ đã tồn tại dai dẳng lâu nay trong lòng xã hội.  

Hồ Tú