Nghĩ đến họ, và cả cô gái Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cuốn vào sự cố ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bất giác tôi nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Duy viết năm 1989.

Ở một con phố nhỏ tại Hà Nội, có một quán ăn Triều Tiên mang tên Bình Nhưỡng Quán. Đây là chuỗi “nhà hàng toàn cầu” của Triều Tiên để quảng bá hình ảnh đất nước. Tôi đến quán được hai lần, dù khá đắt so với thu nhập của một thị dân nghèo, bởi tôi thích được nói chuyện với những người đến từ Bình Nhưỡng phục vụ ở đó.

Phần lớn họ là những cô gái trẻ tuổi, hồn nhiên và hay hát những tình khúc nhạc Nga lời Việt mà không mấy khi chúng ta còn được nghe. Họ phải sống cuộc sống tương đối hà khắc: không điện thoại di động, không được phép tự do đi ra ngoài, và không tiếp xúc ngoài công việc với người bản xứ. Một năm họ được về thăm nhà một lần.

Nhưng ít ra những cô gái này còn may mắn hơn đồng hương của mình cách Hà Nội ba giờ bay về phía nam, ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Bởi sau cuộc khủng hoảng xung quanh cái chết của người được cho là ông Kim Jong Nam, tất cả người Triều Tiên ở Malaysia đều bị cấm xuất cảnh.

Động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng cấm 11 công dân Malaysia đi ra khỏi biên giới Triều Tiên cho đến khi khủng hoảng được xử lý xong.

{keywords}
Quan hệ Triều Tiên - Malaysia căng thẳng sau cái chết của người được cho là Kim Jong Nam

Lịch sử đẫm máu của loài người không thiếu những chuyện người dân bị “mắc kẹt” giữa hai chiều xung đột như thế. Sau Cách mạng Hồi giáo 1979, 52 nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ bị giữ làm con tin trong vòng 444 ngày. Đây là sự kiện dẫn khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn còn căng thẳng cho đến ngày nay.

Và có lẽ “con tin” lớn nhất trong thế kỷ 20 là thành phố Berlin, cụ thể là Tây Berlin trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Đức tách thành hai nhà nước độc lập – Đông Đức và Tây Đức. Berlin, do vai trò đặc biệt của nó, cũng được chia đôi thành Đông Berlin và Tây Berlin. Thế nhưng toàn bộ thành phố Berlin lại nằm gọn trong Đông Đức, biến Tây Berlin trên thực tế thành một ốc đảo.

Khi mâu thuẫn Đông – Tây leo thang, một bức tường lớn bao quanh Tây Berlin được xây dựng để ngăn dòng người đi lại giữa hai bên, chủ yếu là vượt biên sang Tây Đức. Bức tường này chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện hài hước, cảm động, bi kịch, hay siêu phàm của những người cố gắng vượt qua ranh giới.

Một người cố gắng khoét rỗng thân ghế ô tô, rồi đặt người yêu trong để đi qua điểm kiểm soát từ Đông sang Tây (thời gian đầu người Tây Đức được tự do sang Tây Đức, nhưng người Đông Đức thì không được phép). Hai anh em trai lái tàu lượn để giúp người em thứ ba bỏ trốn. Hay thậm chí một nghệ sĩ sử dụng khinh khí cầu để mang cả gia đình mình bay đến “ốc đảo” phía tây.

Và tất yếu, cũng có hàng trăm người thiệt mạng khi cố vượt qua bức tường. Những ai có dịp đến gần Reichstag, toà nhà Quốc hội Đức, sẽ thấy hàng chục tấm bia trắng được dựng lên để tưởng niệm những “con tin thường dân” xấu số.

Dân thường kẹt giữa hai làn đạn thậm chí không được coi là con tin. Mà là bia đỡ đạn. Năm 1983, máy bay mang số hiệu KAL007 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines bị bắn rơi khi bay nhầm vào không phận quân sự Liên Xô, giữa cao điểm của Chiến tranh lạnh. Thảm hoạ này khiến toàn bộ 269 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

31 năm sau, máy bay dân sự của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine, giữa cuộc giao tranh leo thang của hai phe nội chiến. 298 người thiệt mạng.

Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, 17/7/2014, bởi đó cũng là ngày tôi đáp chuyến bay từ London về TP. HCM. Đáng lẽ chuyến bay Vietnam Airlines của tôi sẽ đi qua vùng chiến sự Donetsk, nhưng bị hoãn lại hơn hai tiếng sau hay tin sự cố của MH17. Máy bay sau đó buộc phải thay đổi hành trình vì lý do an toàn. Tôi gần như không chợp mắt trong hành trình 14 tiếng, một phần để theo dõi thông tin chuyến bay trên màn hình lúc tiến đến gần Đông Âu, một phần là từ cảm giác bất lực khi nghĩ về những nạn nhân xấu số. Nhiều khi giữa hai làn đạn, khác biệt chỉ là hên xui.

Bởi thế, tôi nghĩ là mình hiểu được phần nào cảm giác của những người Triều Tiên và Malaysia đang bị giữ làm “con tin”. Theo nguyên tắc thông thường, nhiều khả năng họ sẽ được an toàn, chỉ không biết chắc thời gian chờ đợi hồi hương là bao lâu. Nhưng đó cũng chỉ là khả năng, bởi không ai nói trước được điều gì trong các mâu thuẫn quốc tế. Những “con tin thường dân” ở Triều Tiên và Malaysia, chắc hẳn cũng đang thấy bất an và bất lực.

Nghĩ đến họ, và cả cô gái Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cuốn vào sự cố ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bất giác tôi nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Duy viết năm 1989. Những câu thơ có lẽ nói về nỗi thống khổ của người dân Campuchia vô tội dưới nạn diệt chủng Khmer đỏ, nhưng cũng nói về thân phận của thường dân giữa hai làn đạn nói chung:

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại

(Đá ơi, Nguyễn Duy)

Khắc Giang