Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta có chính sách về tôn giáo phù hợp để tập hợp đồng bào có đạo để xây dựng và phát triển đất nước, với điểm nổi bật là tôn trọng và bảo đảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời luôn nhận thức và đặt vai trò của tôn giáo ở những vị trí thích hợp theo một lộ trình từ: Nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo, đến Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo, đến Nhìn nhận tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước.

Cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

{keywords}
Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Đây là một trong những cải cách pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản hàng đầu, trong đó có việc cụ thể hóa các giới hạn của quyền tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Khi trả lời câu hỏi các các nhà báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật này. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.

Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc và các tổ chức tôn giáo.

Đồng thời cũng khẳng định với quốc tế Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là minh chứng để chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền, tôn giáo.

{keywords}
Ban hành Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Một số thành quả đạt được trong công tác tôn giáo

Phương châm, hành động của Chính phủ trong năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và từ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao chất lượng thực hiện công tác nghiệp vụ tôn giáo trong tình hình mới.

Trong thời gian qua, một số thành quả đạt được trong công tác tôn giáo có thể kể đến như: Sự hình thành và phát triển các tổ chức tôn giáo, sự đa dạng các hoạt động tôn giáo, hoạt động đối ngoại tôn giáo giúp cho các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về một Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

Tháng 8 năm ngoái, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động. Hai tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, hàng ngàn điểm nhóm Tin lành được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo tại các địa điểm hợp pháp.

{keywords}
Đồng bào công giáo đón Noel tại Hà Nội. 

Đến nay, tổng diện tích đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng là 14.850ha, thuộc 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo. Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học, tỉnh Thừa Thiên-Huế giao 20ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng... Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập trên 450 cơ sở y tế, 270 trường mầm non, 1000 nhóm, lớp mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Từ lần rà soát trước đến nay, hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo đã được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam ví dụ như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK vào các năm 2008, 2014 và 2019 là những minh chứng sống động cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tôn trọng đạo đức văn hóa tốt đẹp của Phật giáo nói chung và các tôn giáo khác luôn cùng chung mục tiêu khơi gợi lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.

Lê Dương

Ảnh: Lệ Yên