Đã có được 7 thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đã được ký kết

Chiều 11/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thỏa ước lao động tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp tại Việt Nam.

{keywords}
Thúc đẩy vai trò của các bên trong thỏa ước lao động tập thể. Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thí điểm thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm; về vai trò của các bên trong thúc đẩy thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể nhóm; triển khai nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thỏa ước nhóm doanh nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, là một xu hướng thương lượng của công đoàn các nước trên thế giới. Sau ít năm triển khai mô hình thí điểm, đến nay chúng ta đã có được 7 thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đã được ký kết. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực của các bên, cung cấp lý luận quan trọng trong việc sử đổi Bộ Luật Lao động.

Tuy nhiên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nhiều chủ sử dụng và chủ tịch công đoàn cơ sở chưa thấy được ý nghĩa của thỏa ước lao động tập thể, vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn cơ sở nhận thức được đây là một mô hình mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có doanh nghiệp.

{keywords}
Cần phải tăng cường tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn cơ sở nhận thức được đây là một mô hình mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các chuyên gia, các cán bộ công đoàn cần thảo luận sâu hơn về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm rút ra để tiếp tục thúc đẩy thỏa ước nhóm doanh nghiệp trong thời gian tới, coi đây là một xu hướng cần ưu tiên để Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.

Thí điểm việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm ngành

Hồi tháng 7 vừa qua, đại diện người sử dụng lao động tại 5 doanh nghiệp: Cty cổ phần Hà Hưng, Cty TNHH Việt Phát; Cty TNHH Suntex; Cty TNHH sản xuất và thương mại Nhật Hoa; Cty TNHH Y&I cùng đại diện tập thể người lao động tại các doanh nghiệp là bà Tôn Kim Thuý, Chủ tịch LĐLĐ huyện đã cùng thống nhất ký vào bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may của huyện.

{keywords}
Ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp dệt may tại Văn Lâm, Hưng Yên

Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, đây chính là kết quả của việc LĐLĐ huyện - đại diện cho người lao động tại 5 doanh nghiệp may cùng lãnh đạo của 5 doanh nghiệp tiến hành thương lượng tập thể 13 nội dung đã được thương lượng tại các phiên song phương trước đó để đi đến mục tiêu là cả 5 doanh nghiệp nhất trí 100% với 13 nội dung mà phía đại diện người lao động đưa ra. Theo đó, gần 4.000 người lao động thuộc 5 doanh nghiệp may từ đây sẽ được hưởng nhiều phúc lợi.

Cụ thể, hằng năm, doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức thưởng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; thưởng sáng kiến, thi đua, năng suất cho lao động có sáng kiến, năng suất cao; cung cấp bữa ăn ca cho người lao động với giá trị ít nhất từ 16.000 đồng/người/bữa (chỉ bao gồm chi phí thực phẩm); bữa ăn ca phải thay đổi món ăn hằng ngày, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; trong mỗi ca sản xuất, doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngắn ít nhất 10 phút để người lao động tập thể dục; hỗ trợ tiền phụ nữ hằng tháng; dành thời gian để người lao động nâng cao kiến thức pháp luật; hằng năm, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham quan, du lịch.

Là một trong 5 đại diện người sử dụng lao động trực tiếp đặt bút ký vào bản TƯLĐTT, ông Đỗ Đình Tùy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH Việt Phát cho biết, biết được LĐLĐ huyện Văn Lâm được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên lựa chọn thực hiện thí điểm dự án “Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hiệu quả trong ngành dệt may” ngay từ đầu ông đã rất ủng hộ.

“Thực hiện TƯLĐTT sẽ giúp giảm tranh chấp lao động, đình công không đúng trình tự pháp luật quy định; hạn chế tình trạng biến động lao động, cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp tham gia TƯ nhóm, giúp các doanh nghiệp trong nhóm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp vì người lao động từ đó, thu hút lao động mới làm việc, khẳng định vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp trong nhóm”, ông Tùy phân tích.

Hoàng Anh