Không phải những năm gần đây mới có hiện tượng các quan “đi học”, đi dự hội nghị, làm việc, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài như đi chợ hoặc trước lúc nghỉ hưu theo chế độ.

Ai đã và đang làm việc trong các cơ quan nhà nước hẳn đều một vài lần chứng kiến việc này ở cơ quan nơi mình công tác. Cứ sắp kết thúc một nhiệm kỳ hoặc chuẩn bị hạ cánh an toàn là các sếp (trưởng, phó từ cấp phòng trở lên) đều được “nhà nước” ưu ái cho một chuyến đi - nói thẳng là du lịch nước ngoài không mất tiền túi – núp bóng “học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”.

“Lệ làng” này dĩ nhiên là không có trong văn bản quy phạm nào cả. Nó xuất hiện vào những năm đầu đổi mới, nở rộ trong thời gian gần đây và trở thành luật bất thành văn dành cho cán bộ có chức có quyền.

Vì mục đích chính là du ngoạn cho nên những chuyến đi như thế hiệu quả để ích nước thì ít mà “lợi nhà” thì nhiều, dù được ngụy trang bằng ngôn từ bay bổng, nào là hội nghị, xúc tiến thương mại, học tập kinh nghiệm, trao đổi đoàn,…

Có vị từng tham gia đoàn đi như thế bộc bạch, một chuyến đi dăm bảy ngày thì học cái gì. Mỗi ngày di chuyển hai ba địa điểm, cũng gặp gỡ cũng trao đổi đấy nhưng chỉ cho có lệ, cưỡi ngựa xem hoa, cái chính vẫn là đi cho biết đó biết đây! 

{keywords}
Một số cán bộ sắp nghỉ hưu lại được ưu ái bố trí một chuyến đi. Ảnh minh họa

Mới đây, thông tin Thanh tra Chính phủ cử nhiều cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ  chuẩn bị nghỉ hưu đi dự hội nghị, làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại các nước như Liên bang Nga, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Vấn đề là ở chỗ, vụ việc diễn ra ngay tại cơ quan Thanh tra Chính phủ - lẽ ra phải hết sức mực thước - khiến dư luận không khỏi “tâm tư”.

Trong số này, có trường hợp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ký quyết định cử cá nhân đi công tác nước ngoài cùng ngày với quyết định cho nghỉ hưu theo chế độ.

Đơn cử có trường hợp được cử tham gia đoàn cán bộ liên ngành dự hội nghị Chống tham nhũng quốc tế (IACC) tại Đan Mạch từ ngày 20-26/10/2018, trước khi chính thức nghỉ hưu… một tháng 5 ngày.

Việc làm này của TTCP diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính cơ quan này công bố Kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016.

Theo đó, chỉ riêng nhiệm kỳ 2012 – 2016, 4 bộ ngành, 6 địa phương đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng.

Trong bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý đã quyết định, tham gia các đoàn đi nước ngoài không đúng quy định.

Tại sao giữa nói và làm lại vênh nhau đến thế? Tại sao Thanh tra Chính phủ lại đi theo vết xe đổ của các bộ ngành, địa phương nói trên?

Đặt ra những câu hỏi trên, không khỏi lo ngại cho uy tín của cơ quan giám sát và thanh tra việc thực thi pháp luật của Chính phủ.

Trở lại chuyện quan “đi học”. Hiện tại, không có quy định nào cấm, hạn chế những người chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác hay “học hỏi kinh nghiệm” ngoài nước. Đây là điều cần xem xét và điều chỉnh phù hợp, bởi chi phí cho mỗi chuyến đi từ ngân sách nhà nước là từ tiền thuế của dân mà ra, chi tiêu sao cho hiệu quả thiết thực là nghĩa vụ của các công bộc của dân.

Nguyễn Duy Xuân