“Nhớ cha, nhớ mẹ nhưng vẫn day dứt một điều là đang sống trên đất Bắc và đang nhận trọn vẹn tình thương yêu chăm sóc của đồng bào miền Bắc”.

Những địa danh như thị xã Vĩnh Yên, Phúc Yên, xã Đạo Đức, xã Hồ Sơn… thuộc tỉnh Vĩnh Phú trước đây, tức Vĩnh Phúc ngày nay, là nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ của những học sinh miền Nam Vĩnh Phú trong một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, gian khổ của đất nước. Cũng bởi vậy mà chuyến “trở về tuổi thơ” sau 50 năm của 160 học sinh và thầy giáo miền Nam từng dạy, học tại các trường Học sinh miền Nam Vĩnh Phú thực sự ý nghĩa và xúc động, không chỉ với những người trong cuộc. 

{keywords}

Cựu học sinh miền Nam tặng hoa cho trường THPT Bến Tre trong buổi giao lưu. Ảnh: Vinhphuc.gov.vn

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Để chuẩn bị lực lượng cán bộ phục vụ thống nhất đất nước sau này, Bác Hồ và Trung ương chủ trương lựa chọn đưa một số con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình Cách mạng ở miền Nam ra miền Bắc học tập.

Từ năm 1954 đến thời điểm đất nước thống nhất, năm 1975, đã có hơn 30.000 học sinh miền Nam ra Bắc học tập tại 28 trường học sinh miền Nam khắp các tỉnh thành miền Bắc. Tháng 8/1968, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu đón nhận học sinh miền Nam về học tập, chủ yếu là học sinh cấp 2, 3 Nam Bộ từ Khu học xá Quế Lâm, Trung Quốc chuyển về.

Số học sinh này thời gian đầu ở nhà dân tại thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên. Thời gian sau, bộ phận cấp 3 được đưa ra ở ký túc xá học sinh miền Nam, thuộc Trường Cấp III Bến Tre (thị xã Phúc Yên), bộ phận cấp 2 về ký túc xá học sinh miền Nam tại Trường Cấp II Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuyên). Tháng 9/1969, 2 ký túc xá được hợp nhất thành Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên.

Năm 1971, Trường Học sinh miền Nam số 8 Tam Đảo được thành lập để tiếp nhận số học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi ở vùng Chiến khu Tây Ninh. Sau năm 1972, trường sáp nhập với Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Yên, đưa số lượng học sinh miền Nam ra học tập tại Vĩnh Phú lên khoảng hơn 700 người.

Năm 1976 là dấu mốc kết thúc 8 năm hoạt động của các trường học sinh miền Nam ở Vĩnh Phú và 21 năm trên toàn miền Bắc. 

{keywords}

Các học sinh miền Nam ở Trường Học sinh miền Nam đóng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trước năm 1975. Ảnh tư liệu của trường/ PLO

Mô hình trường học sinh miền Nam được đánh giá như một hiện tượng lịch sử đặc biệt trong giáo dục. Đó là loại hình trường nội trú, đào tạo học sinh toàn diện về đức, trí, thể, mĩ; thực hiện nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhằm đào tạo con người vừa hồng, vừa chuyên.

Các trường học sinh miền Nam có đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên môn vững, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Việc chăm sóc, dạy bảo các em học sinh miền Nam là vinh dự, trách nhiệm, lương tâm đối với đồng bào miền Nam đang chiến đấu hy sinh ngoài mặt trận.

Những năm tháng gian khó thấm đẫm tình người

Bà Lê Ngọc Bền – học sinh miền Nam Trường Cấp III Bến Tre (Phúc Yên) khóa 68-69 nhớ lại, đa phần học sinh chuyển về khi đó trạc tuổi 12-15. Song cũng có những em tuổi đời rất nhỏ, mới 5-6 tuổi đã phải rời xa vòng tay nuôi nấng, chăm sóc của cha mẹ, đến với môi trường nội trú nơi xứ người để học tập, rèn luyện theo nề nếp, kỷ luật chung.

Nói về những năm tháng tuổi thơ xa gia đình không thể nào quên, AHLĐ Huỳnh Văn Thòn, trưởng Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, phó trưởng Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Vĩnh Phú, chia sẻ, trong lòng cậu bé 10 tuổi khi ấy là nỗi khắc khoải, ngày Bắc, đêm Nam. “Luôn nhớ về quê hương với một nỗi niềm khao khát. Nhớ cha, nhớ mẹ nhưng vẫn day dứt một điều là đang sống trên đất Bắc và đang nhận trọn vẹn tình thương yêu chăm sóc của đồng bào miền Bắc”.

Còn ông Trần Ngọc Tư – cựu học sinh khóa 68-71 của trường Cấp III Bến Tre, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vẫn nhớ như in cảm xúc thân quen xen lẫn lạ lẫm và nể phục khi được học chung với các bạn học sinh miền Nam. Bởi lẽ, cùng tuổi với nhau mà các bạn đã đi hàng ngàn cây số, qua các vùng miền của đất nước..., trong khi những học sinh miền Bắc nói chung khi ấy chỉ biết duy nhất con đường từ nhà tới trường, vòng quanh xóm nhỏ nơi mình ở.

Trong tôi vẫn cảm thấy áy náy, vẫn nợ các bạn học sinh miền Nam một lời xin lỗi vì không thể gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ, động viên giúp các bạn nhiều hơn trong điều kiện lúc bấy giờ. Bởi lẽ, sau giờ học chúng tôi vẫn có căn nhà thân yêu để trở về, dù no hay đói, vẫn có một bữa cơm đoàn tụ gia đình. Trong khi đó, các bạn phải xa gia đình, xa quê hương, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người thân, các bạn lo lắng, trông ngóng về phía trời Nam, nơi quê nhà, không biết người thân của mình, ai còn, ai mất” – ông Tư thổ lộ. 

{keywords}
Nữ sinh Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Phú. Ảnh tư liệu/ Tiền Phong

Sau 50 năm, dù đã ngoài 80 tuổi, thầy giáo Lê Ngọc Lập, nguyên hiệu phó Trường Học sinh miền Nam số 8 Tam Đảo, vẫn không thể quên được những căn nhà tranh dài rộng ẩn mình dưới rừng thông ngút ngàn của Tam Đảo, những mái nhà tranh vách đất nhỏ bé của người dân, những lớp học dã chiến đơn sơ ẩn mình trong những ngôi làng nhỏ…

Khó khăn chồng chất nhưng công tác giáo dục đào tạo, nuôi dưỡng học sinh miền Nam là nhiệm vụ xuyên suốt và phải được đặt lên hàng đầu - đó là yêu cầu của UBND tỉnh và Ty Giáo dục đối với trường Cấp III Bến Tre những năm 1968-1969. Thầy Nguyễn Văn Chấn, nguyên giáo viên môn Địa lý của Trường, dẫn lại lời của thầy Trần Bảo, hiệu trưởng Trường khi đó: “Trong điều kiện chiến tranh sơ tán, các giáo viên về nhà ít thôi. Hãy dành một tuần lễ và chỉ về nhà nhiều nhất là một lần, còn lại tập trung tại xã Đạo Đức để về 40 gia đình học sinh miền Nam lưu trú, tìm hiểu tình hình, theo sát học sinh để cùng với nhà trường, góp phần làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nuôi dưỡng các em”.

Học sinh miền Nam Võ Thị Ánh Tuyết đã tái hiện chân thực hình ảnh của thầy và trò ngày ấy: “Trường miền Nam đó em ơi. Một thời chấy rận cả đời thương nhau. Giống từ quần áo bạc màu. Đi hàng ba bảy rối đầu lọ lem. Nhà đông con dành thiệt hơn. Thầy ru cả những cô đơn của thầy. Chẳng vợ mà con một bầy. Đưa đò ngang dọc thân gầy lắt lay…

Đến lượt mình, những hạt giống dâng đời những đóa hoa

Đối với học sinh miền Nam, những năm tháng sống và học tập tại Vĩnh Phú đã góp phần không nhỏ hình thành nên nhân cách, thế giới quan, phẩm chất, đạo đức nơi họ. Năm 1975, sau khi trở về quê hương, nhiều học sinh miền Nam tiếp tục học lên bậc đại học ở trong và ngoài nước, trở thành những cán bộ nòng cốt trong hệ thống chính trị, những nhân sĩ, trí thức…, không ít người thành danh và thành đạt, cống hiến trên mọi lĩnh vực của xã hội.

Nhưng dù ở đâu, trên cương vị nào, thì như ông Huỳnh Văn Thòn tổng kết: “Có người quan niệm, trên đời sợ nhất là nợ nghĩa, nợ tình, vì làm sao trả nổi. Nhưng đối với học sinh miền Nam, đó là điều hạnh phúc, vì đó chính là động lực để chúng tôi sống, làm việc, trả nghĩa cho đời.” Bởi vậy: “Sống để yêu thương, mang lại hạnh phúc cho người thân, cho đồng bào sẽ mãi mãi là phương châm sống của học sinh miền Nam”.

50 năm là một chặng đường không dài đối với lịch sử nhưng lại là hơn một nửa đời người. “Những hạt giống đỏ” giữa lòng miền Bắc, được sự ươm trồng, vun xới, chăm lo của của quê hương, đất nước, của tình dân tộc, nghĩa đồng bào thiêng liêng, trải qua thử thách từ thực tế cuộc sống, đã trở thành cây, thành cội, đến lượt mình, lại dâng cho đời những đóa hoa của sự thấu hiểu và biết ơn.

Nguyễn Nga

“Liệu còn ai sống sót sau cuộc chiến khốc liệt ấy?”

“Liệu còn ai sống sót sau cuộc chiến khốc liệt ấy?”

Ông Ishighaki Misao chợt sững lại khi nhìn thấy những hình ảnh trong bộ phim dài 14 phút về những người lính trẻ nhập ngũ năm 1971. 

Ký ức Geneva qua lời kể của nhân chứng cuối cùng

Ký ức Geneva qua lời kể của nhân chứng cuối cùng

 Đại tá Hà Văn Lâu – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói được nhận danh hiệu này là một may mắn lớn đối với ông, khi mà ông đã ở tuổi 97.

Hiệp định Geneva: Những gì để lại cho hôm nay?

Hiệp định Geneva: Những gì để lại cho hôm nay?

- Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Geneva sau 60 năm là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Ngoài ra, phải hiểu cả những toan tính của “đồng chí”, “đồng minh”, không mơ hồ và ảo tưởng.

Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam

Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam

Có nhà nghiên cứu cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương đã “lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây”.