Gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp…

Bởi vậy, thời gian qua, Chính phủ, và các bộ ngành liên quan đã luôn quan tâm đến những nhóm người yếu thế trong đó có những nạn nhân bị mua bán trở về.

{keywords}
Chính phủ, và các bộ ngành liên quan đã luôn quan tâm đến những nhóm người yếu thế trong đó có những nạn nhân bị mua bán trở về. Ảnh minh họa.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp…

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi…

Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Mông, trong đó độ tuổi từ 16-23), giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới; hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe doạ nạn nhân, sau đó, bán họ ra nước ngoài.

Ngoài ra, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đẻ thuê với giá từ 120.000-140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400-500 triệu VNĐ), các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hoá hồ sơ cho những đưa trẻ được sinh ra.

Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội hoặc vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều địa bàn, liên tỉnh, liên quốc gia nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Có những vụ án được phát hiện thì nạn nhân đã bị bán và đang ở nước ngoài. Vì thế, đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không đủ chứng cứ để bắt và xử lý. Đặc biệt, có vụ án thủ phạm đồng thời là nạn nhân của vụ án mua bán người khác, sau khi bị lừa bán sang nước ngoài, họ bỏ trốn về Việt Nam và lừa chính bạn bè, người thân của mình đem bán.

Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Để thực hiện hành vi mua bán người, các đối tượng trong nước thường câu kết với các đối tượng người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài tạo thành đường dây khép kín để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt nạn nhân từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước bán ra nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các đối tượng triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu cần việc làm của người dân hoặc thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook...), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn giúp họ tìm kiếm việc làm, môi giới hôn nhân hoặc tán tỉnh, vờ yêu đương, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Thời gian gần đây, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội tạo nhiều nhóm kín, diễn đàn trên mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang nước ngoài đẻ thuê, sau đó bán trẻ sơ sinh cho các gia đình bản địa làm con nuôi”.

Theo Đại tá Phan Thăng Long, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn.

Do đó, ông Nguyễn Xuân Lập Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội xác định, trong công tác phòng chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng; thí điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tăng cường tập huấn, đào tạo cho cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ nạn nhân về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường phối hợp liên ngành cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố hệ thống pháp luật đủ mạnh, đủ răn đe cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mua bán người qua nhiều hình thức như: truyền thông cộng đồng, cấp phát tài liệu các loại; thực hiện chuyên đề, chuyên mục và phim phóng sự liên quan.

Đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống buôn bán người, ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết nghiêm túc trong đấu tranh chống nạn mua bán người trong đó nổi bật là việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về vấn đề này.

“Chính phủ cũng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nạn nhân; tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người… Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác với các bộ, ngành để đảm bảo cuộc sống bình yên của các nạn nhân bị mua bán trở về”, ông Paul Priest ghi nhận. 

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em từ năm 2016, tham gia Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người (2017-2020), tích cực tham gia vào Tiến trình Bali và Tiến trình COMMIT về phòng chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận song phương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào trong phòng chống buôn bán người xuyên biên giới.

Thanh Lan