Trường học là thiết chế xã hội có vai trò số một trong việc xã hội hóa cá nhân - giúp cá nhân lĩnh hội các niềm tin, giá tri, và chuẩn mực hành vi, để họ đủ khả năng đảm nhiệm các vai trò khác nhau trong suốt cuộc đời.

Bởi vậy, để có những công dân tuân thủ chuẩn mực, trường học cần đồng nghĩa với một "không gian chuẩn tắc" – cả về tri thức, các giá trị theo đuổi, cũng như các nguyên tắc hành xử.

Tuy nhiên, nếu nhìn thiết chế “Trường Học” thời gian gần đây thì lại thấy nhiều các biểu hiện lệch chuẩn, đứt gãy văn hóa. Mối quan tâm chung là làm thế nào giảm thiểu các hành vi lệch chuẩn nơi trường học?  

{keywords}
Một nữ sinh ở Hưng Yên vừa bị bạn bạo hành hội đồng.

Giá trị và chuẩn mực

Bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng vận hành dựa trên các hệ “Giá Trị” nền tảng, được cụ thể hóa thành hệ thống các “Chuẩn Mực”, quy định và chi phối hành vi của mỗi cá nhân hay tổ chức. Trường học không phải ngoại lệ, với tư cách một “tiểu cộng đồng”.

“Giá trị” là những nhu cầu, khát vọng được chia sẻ và mong đợi bởi số đông thành viên trong xã hội. “Hạnh phúc”, “Giàu có”, “Bình đẳng”, “Công bằng”, “Nhân văn”…là những giá trị xã hội điển hình, được đề cao và hướng tới của mọi cộng đồng trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng có những giá trị gắn với đặc thù bối cảnh quốc gia hoặc nhóm xã hội.

“Chuẩn mực” là sự cụ thể hóa các “Giá Trị”. Đó là hệ thống các nguyên tắc hành vi, tồn tại dưới dạng thành văn (ví dụ như Luật pháp) và bất thành văn (thói quen tư duy và hành động, niềm tin), mà cá nhân được trông đợi sẽ chấp hành. Sự tuân thủ chuẩn mực là cách thức để cá nhân cũng như cộng đồng xã hội hiện thực hóa các giá trị chung.

Trường học và Lệch chuẩn học đường

Để trở thành thành viên xã hội, đảm nhiệm thành công các vai trò khác nhau trong suốt cuộc đời thì mỗi cá nhân đều phải trải qua quá trình “xã hội hóa” – đó là quá trình cá nhân tiếp thu và học hỏi các giá trị, chuẩn mực, và niềm tin được xã hội đề cao và hướng tới.

Trong các môi trường xã hội hóa như gia đình, nhà trường, truyền thông đại chúng, và nhóm bạn bè…thì trường học giữ vai trò số một. Bởi lẽ, trường học là môi trường giáo dục chính thức, nơi giúp cá nhân tiếp nhận những giá trị và chuẩn mực phổ quát, được mọi thành viên cộng đồng cùng chia sẻ và theo đuổi. Sự thành công trong không gian trường học, dù không phải là điều kiện duy nhất, nhưng là cơ sở nền tảng quan trọng bậc nhất cho sự thành công của số đông cá nhân trong các vai trò xã hội sau này.

Dư luận xã hội đang không khỏi lo ngại trước sự xuất hiện của nhiều vụ việc xảy ra tại các trường học: cô giáo tát học sinh, thực phẩm bẩn, thi cử gian dối, đánh bạn, quan hệ tình cảm thầy/cô – trò, kịch hóa tác phẩm văn học…vv.

Các nhà xã hội học gọi những biểu hiện này là “sự sai lệch - Deviance”, xét từng vụ việc cụ thể thì là những “hành vi lệch chuẩn” – tức là những hành vi vi phạm chuẩn mực, trái ngược với sự mong đợi của xã hội về những điều nên diễn ra nơi học đường. Có thể gọi đây là hiện tượng “lệch chuẩn học đường”.

Những lo lắng chính đáng về lệch chuẩn học đường dẫn đến nhu hạn chế đến mức tối thiểu các biểu hiện vi phạm chuẩn mực, gây hệ lụy xấu cho xã hội.

Kiểm soát lệch chuẩn nơi học đường

Về bản chất, kiểm soát xã hội đối với các biểu hiện lệch chuẩn là việc thực hiện các phản ứng nhằm giúp cá nhân hình thành ý thức tự giác tuân thủ chuẩn mực, không thực hiện các hành vi lệch chuẩn vốn bị xã hội phản ứng và lên án.

Xây dựng khả năng tự kiểm soát của mỗi cá nhân là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, không gian trường học phải là một “không gian chuẩn tắc” – nơi các giá trị phổ quát luôn hiện diện và được đề cao.

Các nguyên tắc hành xử (chuẩn mực hành vi) cụ thể hóa của các giá trị đó phải được mọi thành viên tôn trọng và thực hiện nhất quán.

Chẳng hạn, nếu “công bằng” là một giá trị được nhà trường theo đuổi thì mọi hành xử của các thành viên trường học (nhà quản lý, giáo viên, học sinh) cần phải luôn nhất quán với các chuẩn mực được cụ thể hóa từ giá trị đó.

Mọi sự phân biệt đối xử hay ưu ái cá nhân không chính đáng, tạo ra sự bất công, cần phải bị loại bỏ khỏi không gian học đường. Điều này sẽ giúp mỗi cá nhân hình thành ý thức tự giác chấp nhận và tuân thủ chuẩn mực về sự công bằng, đồng thời vun đắp thái độ bảo vệ sự công bằng trong suốt cuộc đời sau này.

Thứ hai, cần thiết lập các phản ứng kiểm soát khách quan và thường trực theo hướng ủng hộ các hành vi hợp chuẩn và phản đối các hành vi lệch chuẩn học đường. Đây là những phản ứng đến từ người khác mỗi khi chứng kiến một hành vi hợp chuẩn hay lệch chuẩn nào đó, giúp các cá nhân có thói quen hành xử phù hợp với các chuẩn mực.

Các phản ứng kiểm soát khách quan có thể dưới dạng bày tỏ thái độ lên án và phản đối gay gắt đối với các hành vi lệch chuẩn.

Ở cấp độ cao hơn là việc sử dụng các hình thức “thưởng” và “phạt” nhằm khuyến khích hành vi tuân thủ chuẩn mực, đồng thời trừng phạt thích đáng các hành vi lệch chuẩn.

Sự công tâm và khách quan trong “thưởng” và “phạt” sẽ góp phần khích lệ hành vi hợp chuẩn, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm chuẩn mực.

Vai trò của các thiết chế kiểm soát hành vi học đường

Không gian học đường chuẩn tắc đòi hỏi sự nhất quán về nhận thức, thái độ, và hành vi của cả ba nhóm đối tượng: (i) Nhà quản lý giáo dục; (ii) Thầy/cô giáo; và (iii) Học sinh.

Vì vậy, kiểm soát lệch chuẩn học đường cần hướng tới cả ba nhóm đối tượng nêu trên. Mỗi nhóm lại tương ứng với thiết chế kiểm soát đặc thù, có chức năng và nhiệm vụ riêng.

Thiết chế “hiệu trưởng” và “ban giám hiệu” có vai trò và chức năng lãnh đạo – quản lý trường học. Để xây dựng không gian học đường chuẩn tắc, thành viên đảm nhiệm vị trí trong hai thiết chế này phải xác định được những giá trị nền tảng mà trường mình theo đuổi, từ đó chuyển thành các nguyên tắc hành vi cụ thể cho mọi nhóm thành viên trong trường, và nhất quán thực hiện các nguyên tắc đó.

Thiết chế “chủ nhiệm lớp” là phương tiện để thực thi các nguyên tắc hành xử chuẩn tắc học đường. Để học sinh hình thành được ý thức tuân thủ chuẩn mực, tránh xa các hành vi lệch chuẩn, thì “chủ nhiệm lớp” phải là hình mẫu vai trò - người thực hiện nghiêm túc và nhất quán các nguyên tắc hành xử do “hiệu trưởng” và “ban giám hiệu” đề ra.

Nếu “hiệu trưởng”, “ban giám hiệu”, và “chủ nhiệm lớp” thực hiện chức năng kiểm soát theo chiều dọc từ trên xuống, thì “lớp trưởng”, “đoàn thanh niên”, “đội thiếu niên”, hay “đội cờ đỏ” là những thiết chế kiểm soát dựa trên quan hệ bạn bè cùng lứa (theo chiều ngang).

Để hoạt động hiệu quả, các thiết chế kiểm soát theo chiều ngang không nên chỉ thuần túy thực thi nhiệm vụ do các thiết chế kiểm soát theo chiều dọc yêu cầu.

Cần cho phép và khích lệ các thiết chế theo chiều ngang kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch chuẩn của bạn bè dựa trên sự bảo vệ các giá trị chính đáng, được nhà trường theo đuổi.

Phản hồi của các thiết chế theo chiều ngang là cơ sở để các thiết chế theo chiều dọc đánh giá và đưa ra hình thức xử lý hành vi lệch chuẩn.

Nguyễn Văn Đáng