Hôm 18/12, tại TP Đà Lạt đã triển lãm ảnh, tư liệu “Vì hạnh phúc của mỗi người”. Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức để giới thiệu các thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; đồng thời, triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 71 năm Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền (1948 - 2019).

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo - khẳng định, Việt Nam không chỉ khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn làm hết sức mình để thực hiện quyền con người trên thực tế, thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

{keywords}
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức triển lãm để giới thiệu các thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, những năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Hiến pháp 2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người. Nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người.

Cũng bởi thế, bản Hiến pháp này đã dành toàn bộ Chương II đề cập "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" với mở đầu bằng Ðiều 14: "1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Để luật hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, Quốc hội Việt Nam đã thông qua rất nhiều bộ luật và luật liên quan, đồng thời Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm bảo đảm nhân quyền được thực thi công khai, cụ thể trong toàn xã hội, để toàn Ðảng và toàn dân cùng chung tay xây dựng môi trường sống chứa đựng những giá trị vật chất - tinh thần phù hợp với xu thế thời đại, tạo điều kiện giúp toàn dân được thụ hưởng.

Những bước đi quan trọng nhất bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân Việt Nam

Nhờ tăng trưởng kinh tế ở tỉ lệ cao và bền vững, mức sống của người dân ngày càng tăng nhanh, tỷ lệ nghèo giảm mạnh cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Việt Nam không những bảo đảm đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Số liệu thống kê cho thấy: Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm rõ rệt chiếm 5,23% số hộ dân cả nước; đến hết tháng 5-2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89% dân số; tỷ lệ huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% - đứng thứ 2 trong khối ASEAN, sau Singapore (Xin-ga-po); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,08%; đến cuối năm 2018, 100% số xã trên cả nước đã được sử dụng điện lưới, 99,37% số hộ dân đã được sử dụng điện; 99,5% số xã trên cả nước có trạm y tế,...

Ðể tiếp tục đạt thành tựu mới trong thời kỳ mới, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để xác định lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, như: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh, tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất, việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai…

Từ tư duy sáng tạo, từ kinh nghiệm đúc rút qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chính sách phát triển quốc gia, hiện nay Dự án Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Dự án Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đang được xây dựng để trình Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Ðây là các bước đi cần thiết vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", cũng là yếu tố, nội dung cơ bản nhất bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 300 hình ảnh, tư liệu phản ánh thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Các hình ảnh và tư liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh, gồm các nhóm tư liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, nhóm tư liệu giai đoạn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam trước Đổi mới (1945-1986) và nhóm tư liệu sau thời kỳ Đổi mới cho đến nay, chia theo các nhóm quyền cơ bản, như quyền dân sự và chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và hợp tác quốc tế về quyền con người.

Hà Anh