Những vỉa hè rộng mà vẫn đảm bảo không gian đi bộ, thực thi luật buộc các công trình xây dựng ở mặt đường phải có đủ chỗ chứ không phải không quản lý được thì thực hiện bằng biện pháp “cấm”. 

Tôi sinh ra ở Hà Nội và ở trong phố cổ Hà Nội gần 50 năm. Hơn 10 năm nay, tôi không dùng ô tô hay xe máy cá nhân, chỉ đi bộ hàng ngày và đạp xe đạp. Nói như vậy để thấy rằng tôi là một người rất yêu vỉa hè, tôi hiểu lợi ích của những vỉa hè thông thoáng dành cho người đi bộ. Với dẫn giải vừa nêu, tôi nghĩ mình đủ tư cách công dân để nói chuyện về vỉa hè. 

Tôi lại là một họa sĩ. Tôi thích quan sát và thường quan sát tỉ mỉ những thứ diễn ra xung quanh mình. Mỗi lần ra khỏi nhà, với tôi, không phải chỉ là đi ra đường, mà chính là tôi đang mở tôi ra. Tôi “mở mắt” để nhìn và đón nhận mọi câu chuyện của người Việt, của Hà Nội. 

Vì là họa sĩ, câu chuyện đầu tiên tôi quan tâm là câu chuyện của màu. Tôi không thể vẽ được nếu hàng ngày mắt tôi không được “ăn” những màu mới. Màu của mùa, của ngày, của thời tiết nắng mưa, áo quần, đồ vật... Ngồi xuống một quán trà xu vỉa hè, tôi ngắm đến no mắt những người đàn bà dắt xe đạp chất đầy hoa- sớm trưa chiều tối; những quang gánh chuối vàng, cốm xanh, khoai đỏ; những xe thồ bưởi Diễn, cam Canh; giáp Tết thì đào, quất, phật thủ, vàng mã tiễn ông Công ông Táo… 

Đi qua vỉa hè các ngõ, phố tôi gặp ở đó những câu chuyện đời, chuyện người. Có hôm tôi lặng lẽ theo một chị bán hàng rong, cắp bên hông những thức quà bánh như bánh tro, bánh gai, bánh nếp. Chả vì mua gì, bán gì, chỉ để nghe tiếng bước chân, những “bàn chân âm thầm nói” và tưởng tượng về một bài ca của đường phố đã quá lâu không còn nghe thấy, tưởng chừng như đã mất.  

{keywords}

Chuyện màu, chuyện mùi vị, chuyện đời, chuyện tiếng Việt, chuyện món ăn, chuyện cao xa, gần gũi vỉa hè có đủ. 

Dừng lại ở một vỉa hè, nghe những câu ví von tiếng Việt của người bán hàng như “bưởi cành la, na cành bổng”, như “thớt cao dao bầu”, “ăn miếng đầu, hầu miếng cuối”, “ngày tư ngày Tết”… thấy hay và dân dã- mà người thành phố vì xã giao, vì lịch sự đã hầu như không còn dùng đến. Tiếng Việt hôm nay, lời ăn tiếng nói hôm nay đã nhợt nhạt đi nhiều. 

Cả chuyện ăn ở vỉa hè. Cùng là một món ăn, mà nhất định phải ở vỉa hè nó mới có cái không khí của nó. Còn nhớ một bận, khi tiếp mấy người bạn ở Sái Gòn ra chơi, bạn đòi dẫn đi ăn bánh đúc. Tôi bảo bánh đúc, xôi lạc, bỏng ngô, tào phớ, bánh rán, cháo sườn chỉ là những thứ quà bán rong thôi. Mấy chục năm ở Hà Nội, tôi chưa thấy có cửa hàng mặt tiền treo biển, kê bàn, kê ghế bán những thứ bánh trái đó cả. Tình cờ thì gặp, tình cờ thì được ăn. Cái sự bánh đúc, cái sự xôi lạc, cái sự trà xu nó là vỉa hè.

Còn bây giờ giả sử bạn có tiền, bạn mua một cái nhà ở trung tâm phố cổ, xong bạn mở một cái quán có điều hòa nhiệt độ bán trà xu, bánh đúc, ngô nướng thì tôi tin dù vẫn là loại trà ấy, bánh đúc ấy nhưng nó không còn là trà xu, bánh đúc, là ngô khoai nướng nữa. 

Chuyện màu, chuyện mùi vị, chuyện đời, chuyện tiếng Việt, chuyện món ăn, chuyện cao xa, gần gũi vỉa hè có đủ. Xét cho cùng, những câu chuyện đó là câu chuyện của đời sống, nó cho phép người ta được nhìn, ngắm, được tiếp xúc trực tiếp, được hòa vào cái không khí thân thiện, bình dị, sống động ấy hàng ngày. Đó cũng là câu chuyện của văn hóa, một nét phong vị văn hóa riêng biệt của Hà Nội. Ví như một bức tranh mà thiếu đi những nét, mảng miếng, gam màu của hàng rong, vỉa hè thì sẽ không thể nào tạo nên một bức chân dung đầy đủ về Hà Nội. 

Nghĩ rộng ra, câu chuyện riêng biệt về văn hóa lại là cái chất hấp dẫn cho du lịch, cho quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam. Nếu giả sử bây giờ vỉa hè của Hà Nội hay Sài Gòn cũng giống vỉa hè của Bangkok, vỉa hè của Singapore, thì đến Bangkok, đến Singapore rồi người ta không cần phải đến Hà Nội nữa và ngược lại. Bởi vì không có câu chuyện du lịch nào mà không gắn với văn hóa. Không có câu chuyện du lịch nào không gắn với câu chuyện khám phá- khám phá cái khác lạ ở nơi mà mình đến với những nơi mình đã đi qua. 

Nói như vậy, cũng để thấy rằng, không phải vì vẻ đẹp của văn hóa hàng rong vỉa hè mà con người mặc nhiên làm bẩn vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè, gây mất vệ sinh nơi công cộng… Sống trong một xã hội văn minh, trong một đô thị con người phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng những giá trị chung được cộng đồng thừa nhận. Việc chấn chỉnh vỉa hè cần sự đồng bộ trên cả ba phương diện: ý thức người dân, luật pháp, và xử phạt một cách nghiêm túc. Không thể nào giải quyết rốt ráo nếu như bản thân một trong ba yếu tố đó đã thiếu nền tảng, không rành mạch, rõ ràng.

Do đó, chính quyền cần tìm giải pháp giải quyết vấn đề một cách linh hoạt (chẳng hạn cấm bán hàng ở một số vỉa hè nhất định, cho thuê một phần những vỉa hè rộng mà vẫn đảm bảo không gian đi bộ, thực thi luật buộc các công trình xây dựng ở mặt đường phải có đủ chỗ để xe…) chứ không phải không quản lý được thì thực hiện bằng biện pháp “cấm”. 

Lê Thiết Cương