Có thời người ta đồn đại rằng người Âu - Mỹ sống lạnh lùng cách biệt, chẳng ai giúp đỡ gì ai, còn người Việt mình thấy người hoạn nạn là xúm lại quan tâm thăm hỏi.

Chỉ là lời đồn thổi của cái thời không được tiếp xúc nhiều với bên ngoài, vì thế cũng không hiểu gì về bên ngoài. Không hiểu nên chỉ tự huyễn hoặc, hễ đề cao bản thân thì phải dùng đến phương pháp đặt người khác đứng dưới mình vài cái bậc thang.

Cùng phòng làm việc với tôi ở Đại học Washington, anh bạn giáo sư vừa soạn xong một văn bản, anh bấm nút máy in. Trang giấy trôi ra, tôi ngồi gần máy in hơn, bèn đưa tay lấy hộ. Nhưng anh nói ngay: Cảm ơn, nhưng tôi còn nguyên lành chân tay mà.

Người ta không yêu cầu thì đừng có giúp. Gọi là giúp thì cũng chỉ là ý chủ quan của anh, còn người được giúp có thể tự ái, tôi có phải là người tàn tật đâu, tôi đang đủ năng lực để tự làm lấy mọi việc.

Chính người Việt cũng có câu: ăn có mời, làm có khiến. Làm việc, mà chưa được yêu cầu đề nghị thì rất nhiều khi là: không khiến.

Nhưng cái tính tò mò tọc mạch hiếu kỳ lại khiến người ta xúm đen xúm đỏ khi thấy một tai nạn. Nhìn thế mà bảo mọi người rất quan tâm đến nhau là chưa hiểu người Việt. Một trăm người xúm lại rất nhanh ấy, chỉ có một vài người thực sự phản ứng kịp thời tìm cách cấp cứu.

Ở Âu - Mỹ, nếu ta đi lạc đường chẳng hạn, không hỏi đến ai thì thôi, mọi người sẽ thản nhiên đi qua, ai có việc nấy. Nhưng nếu hỏi, chắc sẽ có người dừng lại chỉ đường đến nơi đến chốn, thậm chí ngơ ngác quá thì sẽ được người ta tìm cách dẫn đến tận nơi. Có người đi mua hàng ở siêu thị, vướng vào giá hàng làm đổ cả một góc, đang xin lỗi rối rít thì bà quản lý an ủi: Không sao đâu, đây là lỗi của chúng tôi đã bày hàng làm vướng cho khách.

Làm việc tốt thì không cần ra điều kiện, việc này ai cũng rõ. Muốn điều tốt nảy nở nhiều thì cũng phải có một môi trường thuận lợi, nơi tạo điều kiện cho người ta làm việc tốt.

Một nhân vật của công chúng, một người nổi danh, đứng ra quyên góp ủng hộ bà con đang chịu hậu quả của thiên tai, đấy chắc chắn là một việc tốt. Ấy thế, đôi ba vị quyền lực lại giở lý giở lẽ, quy kết thành hành vi trái luật. Không có việc tốt nào trái luật, và luật nào khép việc tốt thành vi phạm thì luật ấy cần phải xem lại, luật ấy cần phải điều chỉnh. Hạch sách, chẳng qua để thể hiện uy quyền, thể hiện cái sự oai. Tốt cũng được, nhưng trong địa hạt quản lý của tôi, luật của tôi, tôi phải làm ra điều có trách nhiệm, ra uy ra oai.

Cũng thế là chuyện hai kẻ côn đồ đánh đập một nữ nhân viên hàng không, hàng chục người giương mắt nhìn hoặc tránh ra xa. Chỉ một người kịp thời xông đến đánh cho kẻ côn đồ ngã lăn quay. Một chưởng lăn lông lốc. Không ai ủng hộ dùng bạo lực, nhưng quả thực cú đánh kẻ hành hung quay lơ khiến ai nấy đều hả hê. Ít ra thì trên đời vẫn còn có người phản ứng kịp thời, kịp thời hơn nhiều so với những người có nhiệm vụ bảo vệ. Ít ra thì đòn trừng phạt cũng nhãn tiền, không phải chờ đời cha ăn mặn đến đời con mới khát nước. Ít ra thì kẻ côn đồ kia cũng ngộ ra rằng ngoài trời còn có trời.

Ấy thế, lại cũng có ông phải chịu trách nhiệm lại lên tiếng một cách oai vệ nông nổi, giở lý rằng hành vi can thiệp cứu người ấy có thể gây ra bạo loạn nghiêm trọng, vì thế là phạm pháp. Ô ông ơi, nghe lời ông thì người ta đã bị hại, cái ác đã thêm một lần đắc thắng, và không còn ai dám hành động để bảo vệ chân lý.

Còn ai dám làm điều tốt giữa đời này? Chị bạn tôi thấy một cháu bé vài ba tuổi đang lon ton trên vỉa hè thì bị ngã. Chị vội vàng chạy đến đỡ. Thế là mẹ đứa bé đang vẩn vơ mua hàng ở gần đấy chạy xồ ra, mắng xối xả rằng chị đã làm đứa bé ngã. Chị bạn nói từ đó thấy trẻ con bị ngã hoặc định chạy qua đường đông xe cộ, chị cũng không dám lại gần. Nhỡ bố mẹ nó lại vu cho mình gây ra tai nạn.

Đấy là nỗi lo ngại có thật. Và phải trở lại với điều đã nói, làm việc tốt thì phải vượt lên trên mọi điều kiện, mọi lề luật, nhưng làm điều tốt trong một môi trường không thuận thì có khi rước họa vào thân. Điều tốt, tự thân nó đã là mục đích cao nhất của mọi xã hội, mọi lề luật, mọi cá thể. Giở lý giở lẽ giở luật ra để cản trở điều tốt thì quả là trái khoáy trớ trêu.

Thanh niên sinh viên tham gia phong trào tình nguyện, phong trào đi làm từ thiện, đáng tiếc, có người thiệt mạng vì tai nạn. Phải rút kinh nghiệm để trang bị kiến thức cần thiết cho họ trước khi lên đường, rèn luyện thể chất và khả năng xử lý tình huống, vân vân. Giảm rủi ro đến mức thấp nhất, nhưng như vậy không có nghĩa là hệ thống thông tin đại chúng nên giật tít đưa tin theo kiểu dọa dẫm, làm nhụt chí. Bộ máy tuyên truyền cũng phải có trách nhiệm tạo ra môi trường thông tin thuận lợi cho người ta có thể làm việc tốt.

Mặt khác, hệ thống thông tin đại chúng cũng phải được động viên khích lệ khi cổ vũ người ta làm việc tốt. Đưa một cái tin dũng cảm cứu người chẳng hạn, bản thân cái tin là đúng, chỉ một vài chi tiết chưa chính xác, thì có thể đính chính. Nhưng chỉ vì vài chỗ chưa chính xác ấy mà ra giọng răn đe, thì đấy cũng xem như là cản trở người ta làm việc tốt.

Khác với nhiều người lạc quan đến tận đỉnh, rằng nếu đời ít người tốt thì đời đâu có được như thế này, nhiều người trong chúng ta vẫn phải kêu lên rằng hãy cho chúng tôi được làm việc tốt, hãy tạo ra một môi trường thuận cho cái tốt. Môi trường ấy không gì khác là hãy làm luật cho nghiêm, cho chặt, cho thật ít kẽ hở. Hãy xây dựng một nền nếp văn hóa trên đó có ngôi nhà dân trí cao hơn. Hãy bồi đắp đạo đức như những tầng phù sa đầy đặn.

Hồ Anh Thái/TBKTSG