- Có một khoảng trống không nhỏ trong sinh viên về ý thức bảo vệ bản thân, lẫn kiến thức về cách phòng tránh, xử lý tình huống liên quan đến quấy rối tình dục. 

Cách đây vài hôm, tình cờ lướt qua một diễn đàn sinh viên trên mạng xã hội, tôi bắt gặp chia sẻ của một cựu sinh viên, kể lại chuyện em từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc cách đây 3 năm.

"Ông ấy quàng tay qua cổ, hôn lên mặt mình và rất nhiều hành động quấy rối khác.... Chỉ 2 tuần làm việc tại công ty này, nhưng mình đã ám ảnh cả cuộc đời về sau, hơn 1 năm sau khi ra trường mình không đủ can đảm để làm bất cứ 1 công việc văn phòng nào, mình sợ không gian trong đó, sợ sếp, sợ cả tiếng máy lạnh, tiếng quạt gió máy tính, tất cả mọi thứ!".

Sau khi vụ việc xảy ra, em đã chọn cách im lặng, nghỉ việc và tự mình gánh chịu những chấn động tâm lý như lời tâm sự ở trên. Em ấy đã không dám lên tiếng để tố cáo.

Dành thời gian tìm hiểu thêm diễn đàn, tôi phát hiện trước đó đã có nhiều câu chuyện khác về QRTD đã được đăng lên theo hình thức tâm sự nặc danh (confession). Nạn nhân đều là các nữ sinh viên đang đi thực tập hoặc vừa mới ra trường. 

{keywords}
Vấn đề QRTD tại Việt Nam giống như phần chìm của tảng băng. Ảnh minh họa

Dưới mỗi chia sẻ đều có rất nhiều bình luận. Có người thương cảm cũng có kẻ không tin, thậm chí chỉ trích và kỳ thị. Thế rồi, các câu chuyện được chia sẻ cũng bị trôi đi, không mấy ai nhớ tới. Và lâu lâu, lại xuất hiện những dòng tâm sự mới về những chuyện tương tự…

Nếu bị quấy rối, em phải nhờ cậy ai?

Vừa mới đây thôi, vấn đề quấy rối và tấn công tình dục lại gây xôn xao khi có thông tin một nữ sinh viên thực tập tố cáo một nhà báo lâu năm. Vụ việc thực hư ra sao sẽ được công an điều tra làm rõ, nhưng rõ ràng nó đã làm dậy sóng dư luận về một thực trạng đã và đang xảy ra một cách âm ỉ.

Vấn đề QRTD tại Việt Nam giống như phần chìm của tảng băng mà những câu chuyện đọc được, nghe được chỉ là một phần rất nhỏ. Một thống kê của tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho thấy có đến 87% phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM và Hà Nội từng bị QRTD nơi công cộng.

Người viết cũng đồng tình với Báo cáo của ActionAid khi kết luận đối tượng nữ học sinh, sinh viên là nhóm dễ trở thành nạn nhân. Điều này đặc biệt đúng đối với những nữ sinh viên đi làm thêm, thực tập hoặc vừa mới tốt nghiệp ra trường.

Khi từ giảng đường vừa bước vào đời sống, kinh nghiệm chưa có, vốn sống mỏng nên các em mang trong mình rất nhiều nỗi sợ. Các em sợ đủ thứ, sợ mất việc, sợ cơ hội trôi qua, sợ sếp mắng, sợ không tìm được công việc tốt hơn hay thậm chí sợ bị trả thù, v.v…

Vì thế, các em thường cắn răng chịu đựng nếu như hành vi quấy rối chưa nghiêm trọng theo đánh giá của chính các em. Hoặc có những em hoảng sợ cực độ, trốn tránh, nghỉ việc và chọn cách im lặng, tự mình gánh chịu những tổn thương về tâm lý. Thậm chí, có trường hợp còn không nhận biết được mình đang bị quấy rối.

Tôi từng mang một vài tình huống về QRTD vào tiết học cho một số lớp, đưa ra yêu cầu sinh viên hãy nhận diện và giải quyết khi mình là người trong cuộc. Sau đó tôi tiến hành một khảo sát nhỏ với khoảng 100 sinh viên thuộc nhiều đối tượng. Kết quả nhận được rất đáng để suy ngẫm.

Đa số các em đều không nhận diện đầy đủ các hành vi QRTD và hơn một nửa không biết đến sự tồn tại của quy định về quyền bất khả xâm phạm thân thể. Bên cạnh đó, trong rất nhiều chia sẻ tại các diễn đàn, những sinh viên từng là nạn nhân của QRTD lý giải cho sự im lặng chịu đựng là bởi không biết phải cậy nhờ ai để lên tiếng bênh vực quyền lợi của mình.

Rõ ràng đang tồn tại một khoảng trống không nhỏ về ý thức bảo vệ bản thân lẫn kiến thức về cách phòng tránh và xử lý những tình huống liên quan đến QRTD của sinh viên. Đồng thời, sinh viên cũng thiếu những địa chỉ đáng tin cậy để tìm tới nếu chẳng may trở thành nạn nhân của QRTD.

Để lấp đầy khoảng trống này, người viết cho rằng, các trường đại học có thể làm tốt nhất. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ, việc trang bị hành trang sống để người học bước vào đời cũng là trách nhiệm của các trường đại học. Đừng nói rằng ngoài 18 tuổi rồi, trưởng thành rồi, các em phải biết cách tự bảo vệ bản thân, tự chịu trách nhiệm. Nhìn vào thực tế đào tạo của nền giáo dục phổ thông, chúng ta thừa hiểu đòi hỏi điều đó ở các em là rất khó. 

Các tổ chức hội sinh viên cần trở thành đơn vị tiên phong tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận hành trang tự bảo vệ khi gia nhập thị trường lao động. Đồng thời, các trường đại học cũng có nghĩa vụ lên tiếng kịp thời và có những hành động cần thiết để bảo vệ sinh viên khi các em là nạn nhân của QRTD nói riêng và xâm hại nói chung. 

Lưu Minh Sang

"Xin lỗi sinh viên, em chỉ là con gà công nghiệp"

"Xin lỗi sinh viên, em chỉ là con gà công nghiệp"

“Có những sinh viên hơn một năm ở TP.HCM mà bảo đi từ quận Bình Thạnh lên quận 1 vẫn không biết đường.”

"Sinh viên giỏi nhất không phải là người thành đạt nhất"

"Sinh viên giỏi nhất không phải là người thành đạt nhất"

Giáo dục Việt Nam thay vì phát triển con người, chúng ta lại gò ép con người vào cái khung. Kỳ thi ĐH giống như bắt cả một sở thú cùng làm một bài kiểm tra, nhưng lúc thì bắt bơi, khi lại leo cây, chạy.

Trẻ bị xâm hại tình dục, lỗi từ chính chúng ta

Trẻ bị xâm hại tình dục, lỗi từ chính chúng ta

Trẻ em trưởng thành trong sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, thầy cô và sự bảo vệ nghiêm ngặt của Hiến pháp và Pháp luật. Nếu lỏng lẻo chỉ một trong các môi trường này, chúng dễ bị xâm hại.

Lạm dụng tình dục trẻ em: Thế giới ngầm đáng khinh bỉ

Lạm dụng tình dục trẻ em: Thế giới ngầm đáng khinh bỉ

Nếu như có một nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam nào được tiến hành về tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, chắc chắn chúng ta sẽ có một con số gây chấn động lương tâm của tất thảy chúng ta. 

Quan chức và hối lộ tình dục!

Quan chức và hối lộ tình dục!

Đến giờ phút này, hối lộ tình dục vẫn còn nhởn nhơ nhoẻn miệng cười đứng ngoài mọi vòng cương tỏa?