Vấn đề nghèo khó không được giải quyết thì không có một mục tiêu nào mà cộng đồng quốc tế, cũng như quốc gia đặt ra như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, hòa bình, ổn định, bảo đảm các quyền con người được thực hiện, Nhà nước ta đã coi Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia và đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn nhân lực, vật lực cho chương trình này.

{keywords}
Giúp hộ nghèo có sinh kế bền vững là minh chứng thực sống động thi quyền con người. Ảnh LAD

Những thành tựu không thể phủ nhận

Đảng ta luôn “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã ký kết” (1).

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Vì người nghèo” mang đậm chất nhân văn đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, bằng những nội dung, hình thức thiết thực; công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được thế giới công nhận.

Ở mọi quốc gia, mọi chính thể, vấn đề nghèo khó không được giải quyết thấu đáo thì không có một mục tiêu nào mà cộng đồng quốc tế, cũng như quốc gia đặt ra như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, hòa bình, ổn định, bảo đảm các quyền con người được thực hiện. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn coi Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia và đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn nhân lực, vật lực cho chương trình này. 

Tại Hội nghị Liên hợp quốc ngày 11/11/2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Theo đó, giai đoạn 1993 - 2004, tỷ lệ người nghèo giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 19,4% (năm 2004); giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ người nghèo giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2016). Tính theo chuẩn mới: đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7% (giảm 1,3% so với năm 2016); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở huyện nghèo giảm còn dưới 40%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3% - 4% so với năm 2016. Việt Nam đã xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng thiếu đói trên cả nước. Người dân Việt Nam không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành, mà còn ăn no, ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng, mặc ấm, mặc đẹp; hạ tầng thiết yếu chăm lo cho con người ngày càng tốt hơn.

{keywords}
Nhà nước ta đã coi Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia và đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn nhân lực, vật lực cho chương trình này. Ảnh LAD

Việt Nam đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo  từ 19% năm 2009 xuống còn trên 4% hộ nghèo vào cuối năm nay, 2019. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp hai lần.

Thông tin này được công bố tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trước những kết quả ấn tượng đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm mạnh là kết quả rất đáng khích lệ, kết quả của những nỗ lực chính sách tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số.

Liên tục đổi mới để nâng cao hiệu quả

Mặc dù các chương trình, các chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện rất hiệu quả, được thế giới ghi nhận nhưng các chương trình, chính sách ấy vẫn liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả. Ngày 19-11-2015, một thay đổi có tính đột phá là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Cùng với đó đã xác định rõ 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ 10 chỉ số này để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

{keywords}
Xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh LAD

Việc ban hành mức chuẩn nghèo mới và xác định những căn cứ để đo lường; giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân chính là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, giảm nghèo đa chiều, cũng như hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.

Trong việc hoạch định các chính sách về xóa đói, giảm nghèo cũng đã có những thay đổi rất căn bản. Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” (Theo Quyết định 1722-QĐ/TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ), với một đầu mối quản lý chung nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho chương trình trong 2 năm 2016-2017 là 14.584 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước đã huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó, chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo hơn 5.560 tỷ đồng trong các năm 2016 và 2017. Các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, cho các hộ nghèo vay vốn để có sinh kế... đã giúp phát triển hạ tầng ở các vùng quê mà người dân cũng từng bước có sinh kế bền vững.

Từ những kết quả đó, có thể khẳng định rằng, với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn. Điều đó cũng khẳng định rằng, bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng tới. Đó là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.

Minh Vân

(1) ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016.