Từ chiếc phong bao

Nhớ lại trước đây, người miền Bắc chỉ nói “mừng tuổi” ngày Tết. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, nhiều ngôn từ miền Nam được du nhập ra miền Bắc, như “nhậu”, “tám”, “xạo”… “lì xì” cũng là một từ như vậy.Ngày nay  cụm từ này được cả nước dùng.

Theo các nhà ngôn ngữ, “lì xì” là cách đọc âm tiếng Quảng Đông của từ có âm Hán Việt là “lợi thị”, tức là chúc vận may, tốt lành. Lì xì bắt nguồn từ phong tục của người Hoa ở miền Nam mừng tuổi nhau, rồi từ này lan ra cộng đồng người Việt, từ đó ảnh hưởng khắp miền Nam.

Theo phong tục của người Trung Quốc thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ngày Tết thường chuẩn bị một phong bao đỏ đựng tiền mừng tuổi cho trẻ em và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.

Ở miền Bắc, từ xưa đã thấy sách vở kể chuyện mừng tuổi đầu năm cho trẻ bằng những đồng xu mới. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, các gia đình vẫn thường tìm cách đổi những đồng tiền mới nhất “cạo râu được” để mừng tuổi cho trẻ mà không có phong bao. Khoảng trên mười năm gần đây, thói quen để tiền mừng tuổi vào bao “lì xì” mới phổ biến.

Phong tục tặng bao lì xì lan tỏa từ các vùng người Hoa sinh sống, ra khắp cả nước, trở thành một nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết.., Khi thời khắc giao thừa đến, các gia đình lì xì cho người già, trẻ con đầu tiên. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, là màu của may mắn, kèm theo những xu tiền lì xì ở bên trong.

Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện sự kín đáo, khiến người nhận không so bì nhiều ít dẫn đến xích mích hay chuyện không vui.

{keywords}
Đừng coi bao lì xì là những món nợ vật chất mà nên nhớ, đây là một món quà tinh thần, thể hiện truyền thống quý giá của dân tộc

Tất cả các phong cách lì xì thể hiện lời chúc may mắn, mang lộc tới nhà và dồi dào sức khỏe. Không chỉ lì xì cho trẻ em để chúc các cháu ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, mọi người vẫn thường lì xì cho các cụ già để thay lời chúc các cụ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.

Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày đầu tiên đi học, đi làm, hoặc ngày đầu tiên gặp nhau trong năm mới.

Mấy năm gần đây, trên thị trường bán nhiều loại bao lì xì mẫu mã độc, lạ, in những hình ảnh đẹp theo con giáp của năm mới cùng các thông điệp, lời chúc ngộ nghĩnh, được giới trẻ đón nhận rất tích cực.

Từ đó, các bà nội trợ lại bổ sung vào danh mục các đồ sắm Tết, một món đồ quan trọng: Các tập bao lì xì. Bao này đẹp để mừng tuổi ông bà. Bao này sang trọng để tặng sếp. Mấy bao in hình đáng yêu để mừng tuổi các cháu nhỏ và những mẫu ghi mấy câu ngộ, độc được dành để tặng các bạn trẻ.

Nếu lạc vào những cửa hàng văn hóa phẩm, với hàng trăm mẫu bao lì xì thì để chọn được đúng mẫu phù hợp với nhu cầu và cả túi tiền cũng đau đầu chứ không phải dễ dàng.

Đến chuyện lo “ruột” lì xì

Ngoài phần hình thức của bao lì xì, thì cái phần “nội dung” mới thật sự phức tạp.

Mọi người thường dùng những đồng tiền mới cứng, còn nguyên serie để bỏ bao lì xì. Để thực hiện điều này, trước Tết, mọi nhà, mọi người đều cố gắng tìm cách đổi những cọc tiền mới, còn nguyên serie càng tốt.

Mà nguồn tiền mặt, nhất là tiền mới không phải lúc nào cũng sẵn. Có khi từ mấy tháng cuối năm, lĩnh lương về, nhiều nhà đã phải lựa những đồng tiền trông còn mới nhất để dành ra một chỗ cho nhu cầu mừng tuổi.

Sau Tết Dương lịch, những người có khoản tiền ra tấm ra món, thì có thể dành vài chục triệu trở lên để lo đổi những cọc tiền mới tinh. Cả năm mới có một lần, năm mới, mừng tuổi cho các cháu ruột cũng phải có tờ 500 nghìn mới xứng đáng. Tờ 200 nghìn cho các cháu họ hàng gần, tờ 100-50 nghìn cho các cháu con bạn bè, tờ 20-10 nghìn trở xuống để đi lễ chùa.

Có những người bày vẽ hơn, mừng tuổi người nhà, người thân phải đủ một bộ tiền mới cứng, từ tờ mệnh giá nhỏ nhất đếnlớn nhất. Riêng lo cho đủ từng ấy loại cũng đã kỳ công.

Đấy mới là loại tiền. Sau đó, phải cân đối số lượng cho đủ. Ví dụ,có người mừng cho con mình tờ 200 nghìn, mà số tiền 200-100 nghìn của mình hết rồi, để bốn tờ 50 nghìn không hay lắm. Hoặc đem theo có mấy tờ 50 nghìn, mà số cháu cần mừng tuổi lên tới cả chục, phải rút thêm mấy tờ 100 thì “lỗ vốn”.

Thành ra người có kinh nghiệm đi chúc Tết là bên cạnh những phong bao đã có sẵn tiền, cũng phải chuẩn bị sẵn xấp tiền mệnh giá tương đương kèm phong bao trống bên ngoài, hoặc tiền mệnh giá thấp hơn ở mức liền kề, để khi cần, dễ… ứng biến, ví dụ gộp hai tờ 50 nghìn thành 100 nghìn..

Nói đến những người thưởng Tết chỉ dăm ba triệu đồng mới thật sự mệt mỏi. Tiền tiêu Tết còn chưa đủ, lấy đâu mà đổi. Ấy là chưa kể hàng triệu người khác như giáo viên, Tết chỉ được thêm có vài trăm nghìn đồng, người lao động tự do không có thưởng Tết, hay các cụ về hưu…

Dù Tết không có thêm thu nhập nhưng  ai cũng phải trích ra một khoản tiền, nhờ người đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu. Tết nhất các cháu đến chúc Tết không mừng tuổihoặc chỉ mừng từ 10-20 nghìn có vẻ khó coi.

Cũng có nhiều người tân tiến, quyết không mừng tuổi trẻ con nữa. Nhưng đó là người chưa có con thì dễ, chứ có con rồi, người ta cứ mừng tuổi con mình, chả lẽ lại bắt các cháu cũng kiên quyết không nhận. Hoặc nếu chỉ mừng tuổi vài tờ tiền bé “lấy may”thì chuyện trẻ con nhận bao lì xì xong mở ra xem, so sánh và bình luận, cũng không phải chuyện hiếm.  

Có không ít người quan niệm quan hệ càng thân thiết phải lì xì càng nhiều tiền. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa dân tộc và lối sống của mọi người. Số tiền bên trong bao lì xì ít nhiều không quan trọng, mà nó phải là thành ý, là lời chúc may mắn đầu năm dành cho nhau.

Đầu năm mới, mong rằng mọi người đều coi lì xì là một phong tục tốt đẹp, là món quà tinh thần dịp đầu năm, thay cho lời chúc an lành và sung túc tới gia đình, bạn bè của mình.

Đừng coi bao lì xì là nhữngmón nợ vật chất mà nên nhớ, đây là một món quà tinh thần, thể hiện truyền thống quý giá của dân tộc.

Lê Tiên Long