Nếu chú tâm quan sát, chúng ta sẽ thấy cuộc sống còn ngổn ngang những vấn đề thường nhật bất cập cần sự phản ứng kịp thời hơn của các nhà làm luật.

Xin dẫn ra đây đôi ba ví dụ như nạn trộm chó lộng hành cả hơn chục năm nay, hay tần suất xuất hiện chuyện quấy rối tình dục, nghiêm trọng hơn là ấu dâm, trong thời gian gần đây.

Với chuyện thứ nhất, nhiều làng quê ở Việt Nam dường như đã dần thưa thớt tiếng chó sủa. Người viết bài này mỗi năm vài lần về thăm quê, cuốc bộ mấy trăm mét từ đầu làng đến giữa làng để về nhà giữa đêm khuya hay tờ mờ sáng đã không còn thấy tiếng chó sủa ầm ĩ như xưa.

Thực tế thì vẫn còn một số gia đình kiên trì thói quen nuôi chó để… canh giữ chó. Khác hẳn với ngày trước, nhà nhà nuôi chó là để chó canh trộm, giữ nhà. Nhưng có canh giữ chó đến cỡ nào thì cũng khó chống chọi nổi với nạn cẩu tặc hoành hành.

Vậy mà các cơ quan an ninh trật tự ở không ít nơi chỉ phản ứng ậm ừ. Một vài vụ xét xử lẻ tẻ cũng nhẹ nhàng trôi qua và không đủ sức làm lung lay ý đồ của các đầu nậu đầu tư xe cộ và phương tiện để các cẩu tặc động thủ. Lý do: cơ quan tư pháp kêu khó, vì muốn buộc tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản bị trộm phải lớn hơn. Luật pháp vì vậy… “thất thủ”.

Bức xúc, trai tráng trong làng tập hợp bàn kế, lập thế trận thiên la địa võng, phân giờ canh chừng để bắt trộm. Mà bắt được, bắt xong thì giữ người, rồi động thủ, có trường hợp để lại thương tích cho cẩu tặc. Vậy nên không ít người bắt trộm cuối cùng đã phải nhận án tù, do xâm phạm sức khoẻ, thân thể kẻ trộm.

Luật là vậy mà, biết nói sao giờ!

Rồi đến chuyện quấy rồi tình dục. Một cú “cưỡng hôn giá 200 ngàn” chưa kịp làm dư luận nguôi ngoai thì camera thang máy kể tiếp câu chuyện sàm sỡ bé gái của một luật sư, cũng là một cựu kiểm sát viên.

Rõ ràng, một chiếc camera thì sao nói được tất cả. Vậy nên mới có ý kiến cho rằng, dù kết án hay không kết án về tội dâm ô đối với người đàn ông này thì đều là sự bất lực của pháp luật, khi việc vạch rõ thế nào là “dâm ô”, là “ấu dâm” trong luật pháp còn nhiều bất cập như các chuyên gia đã chỉ ra.

Có phải vì vậy mà dù công luận không ngừng sục sôi, nhất là gần những ngày đến thời hạn trả lời đơn thư tố cáo, phản ứng từ phía các cơ quan tài phán có vẻ cứ nhẹ nhàng, chậm rãi “dò đường” Họ thật sự đang lúng túng trong vận dụng pháp luật và sử dụng chế tài.

Nhưng luật là vậy mà, biết nói sao giờ! 

{keywords}

Cuộc sống phát sinh quá nhiều điều khẩn thiết mỗi ngày, không thể phản ứng chậm chạp. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Phản ứng trước những đòi hỏi mới của cuộc sống

Khi đối mặt với những điều gây bối rối này, tôi nhớ những ngày đầu đặt chân đến Nhật cho chương trình thạc sĩ 5 năm trước. Sau xử lý sự cố động đất, sốc văn hoá,… quấy rối tình dục là một trong những chủ để được trao đổi tiếp theo trong các buổi định hướng. Chúng tôi được cảnh báo về những cái nhìn chằm chằm vào một cô gái giữa phố, hay cần cẩn trọng trước khi muốn nói câu “tối nay mình đi nhà nghỉ nhé!” ngay cả với người yêu của mình.

Quan trọng là, tất cả nội dung này một lần nữa được chia sẻ lại khi chúng tôi chuyển đến ký túc xá và tiếp tục lặp lại trong những ngày đầu của mỗi kỳ học. Nhiều nước thực ra đã đưa các nội dung này vào chương trình giáo dục hay rèn luyện kỹ năng ở bậc học phổ thông.

Các hướng dẫn nói trên hướng đến trang bị cho chúng tôi hai điều quan trọng. Một, biết cách xử lý tình huống để mình không trở thành nạn nhân. Và hai, hiểu rõ mức chế tài nghiêm khắc để không biến người khác thành nạn nhân của mình.

Quấy rối tình dục giờ đâu còn là chuyện phù phiếm và khan hiếm ở Việt Nam. Nhưng sao chế định này vẫn chưa được tiếp nhận và xây dựng trong khi đâu khó để tìm ra một mô hình pháp lý phù hợp từ bên ngoài. Đó là câu hỏi có thực cần phải nhận thấy!

Gần đây, lúc Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua vào năm 2015, không ít người gửi gắm niềm hi vọng khi nó mở đường cho cơ quan toà án tiếp nhận các vụ việc ngay cả khi không có quy định pháp luật trực diện về vấn đề. Thay vào đó, lẽ công bằng đã được ghi nhận như một cơ sở pháp lý chung (điều 6).

Đặc biệt hơn, chương trình phát triển án lệ cũng tạo ra nhiều dự cảm mới về diện mạo của một nền pháp luật được dựng xây từ thực tiễn cuộc sống, nhanh nhạy phản ứng với cuộc sống để từ đó có thêm định hướng cho nhà làm luật.

Nhưng tất cả mọi thứ cho đến nay vẫn mới dừng ở sự kỳ vọng.

Sống ở Nhật Bản, tôi nhận thấy đất nước họ không chậm chạp lên tiếng trước những đòi hỏi mới của cuộc sống đến như vậy. Đây không phải là quốc gia có truyền thống luật pháp án lệ, nhưng hoạt động xét xử và giải quyết tranh chấp có ảnh hưởng mạnh đến quá trình làm luật là một thực tế không thể phủ nhận.

Điển hình như một tình huống tôi từng có cơ hội tiếp cận. Đầu những năm 1990, người Nhật phát hiện loại kẹo dẻo chế biến từ cây có nhựa tên là konnyaku có thể gây ho và đau họng cho trẻ nhỏ. Làn sóng phản đối xuất hiện.

Từ vụ việc này, Nhật Bản đã ban hành Luật về trách nhiệm sản phẩm vào năm 1994, rộng đường cho các yêu cầu bồi thường của người tiêu dùng, thay vì chỉ áp dụng điều khoản bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chung chung trong Bộ luật dân sự nhưbấy lâu.

Đương nhiên khi đó, để có được đạo luật này, Nhật Bản đã không quên “ngắm nghía” và học hỏi mô hình của châu Âu. Nhưng quan trọng hơn là chỉ sau hai tháng Luật mới được ban hành, Trung tâm giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolution – ADR) về trách nhiệm sản phẩm đầu tiên được thành lập để có thêm phương án “thay thế” cho thủ tục tòa án. Mô hình phổ biến và được sử dụng nhiều ở Nhật Bản không phải chỉ bởi sự đơn giản của nó mà thật ra còn do tính cách thâm trầm và văn hóa thích thương lượng kín của người Nhật.

Nhìn lại, cuộc sống ở ta đã phát sinh quá nhiều điều và cất tiếng gọi khẩn thiết mỗi ngày nhưng tại sao sự phản ứng của nhà làm luật ở ta lại chậm chạp quá vậy!

Trương Trọng Hiểu, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM