Chiều 7/11, tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc báo cáo của tổ chức Freedom House công bố ngày 5/11 cho rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định: "Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá về Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của Freedom House.

Việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế và văn hóa xã hội ở Việt Nam.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có 60 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và có 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm có số lượng người dùng lớn nhất trên thế giới".

{keywords}
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới.

Luật Tiếp cận thông tin: Văn bản quan trọng

Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân là triển khai có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1/7/2018). Đây là văn bản quan trọng, quy định cụ thể quyền được tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Chỉ thị nêu rõ, Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là đạo Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả đạo Luật này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nội dung và tinh thần các quy định của Luật tiếp cận thông tin; bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để kịp thời tự mình hoặc đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tiếp cận thông tin.

Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành Luật như: Phân công, bố trí cơ quan, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc lập, vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê phục vụ cho việc cung cấp thông tin.

Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Hoàng Anh