Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới 10/12, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chia sẻ với báo chí về những đóng góp của công tác đối ngoại về quyền con người trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

{keywords}
Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội.

Những thành tựu trong lĩnh vực quyền con người là tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong công tác đối ngoại, không chỉ nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết để thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác quan trọng; mà còn phát huy vị thế, vai trò của Việt Nam trên một số vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.

Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2019 là Việt Nam hoàn thành rà soát UPR chu kỳ III với những kết quả hết sức tích cực. Chúng ta đã nhận được không ít đánh giá tích cực từ các nước và các tổ chức quốc tế đối với những nỗ lực về bảo đảm quyền con người, cũng như sự nghiêm túc trong thực thi các cam kết về quyền con người, trong đó có cam kết theo cơ chế UPR.

Một số ý kiến đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam dự định xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR và tiến hành đánh giá giữa kỳ, xem đây làmột ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị UPR. Nhiều ý kiến khác đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang lồng ghép việc thực hiện các khuyến nghị UPR với các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia, qua đó bảo đảm tiến trình UPR đem lại những hiệu quả thực chất. Các ý kiến, khuyến nghị xây dựng của các nước chính là sự khẳng định mạnh mẽ về đường hướng đúng đắn của Việt Nam trong công tác này.

Ngoài đối thoại với tất cả các thành viên Liên hợp quốc trong khuôn khổ UPR, Việt Nam cũng đã tiến hành hững Vòng Đối thoại hoặc tham vấn song phương với một số đối tác có quan tâm về quyền con người. Hoạt động này đã góp phần giúp Việt Nam và các nước hiểu hơn về những quan tâm, kể cả khác biệt, chia sẻ những ưu tiên, kinh nghiệm và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

{keywords}
Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do hôm 30/6.

Thành công đó đã đóng góp vào việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác quan trọng.

Ngoài ra, tại các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…

Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện vai trò chủ động, tích cực và đóng góp thực chất vào cuộc đấu tranh chung của đa số các nước trên thế giới để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận về quyền con người, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không chính trị hóa vấn đề quyền con người.

Từ kinh nghiệm của chính mình, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ rằng đối thoại và hợp tác mới là cách thức hiệu quả khi xem xét các vấn đề về quyền con người.

Năm 2019, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của người khuyết tật với 49 nước đồng bảo trợ; là nước đại diện tiếng nói của ASEAN trong các sự kiện của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ. Đây cũng là một sáng kiến liên quan của ViệtNam. Với những hoạt động này, Việt Nam đang được xem là thành viên nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền trong thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người.

{keywords}
Công tác đối ngoại về quyền con người góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh minh họa.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, trong đó đã chủ trì, đăng cai nhiều sự kiện quan trọng về bình đẳng giới và công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển trẻ em ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008 - 2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.

Phát huy từ kết quả đó, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 - 2021 chúng ta dự kiến sẽ chủ trì tổ chức một số sự kiện quan trọng liên quan đến nội dung này, nhất là về vai trò của phụ nữ trong thương lượng, xây dựng hòa bình, tái thiết sau chiến tranh.

Trần Hằng